Đổi thay ở nhiều xứ đạo
Trong những năm qua, bà con giáo dân Hà Tĩnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, chăm lo sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Phát huy bản tính cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đồng bào Công giáo tích cực hưởng ứng các chủ trương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăn nuôi và trồng trọt.
Nhiều hộ giáo dân ở các xứ, họ tại các huyện: Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên… đã mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, gia trại để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch…; đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản quy mô, cho thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, du lịch, mở xưởng cơ khí, xây dựng, các doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình có doanh thu đạt từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Qua khảo sát, hiện nay, toàn tỉnh có trên 4.225 hộ giáo dân có mức thu nhập từ 60 - 80 triệu đồng/năm, 2.370 hộ có mức thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm, 1.647 hộ có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/năm, 1.418 hộ có mức thu nhập trên 130 triệu đồng/năm, 718 hộ có mức thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Đời sống vật chất được cải thiện, tạo điều kiện cho bà con giáo dân không ngừng nâng cao đời sống tinh thần. Các giáo xứ, giáo họ trong tỉnh đã cùng các tầng lớp nhân dân ở các khu dân cư, khối phố xây dựng quy ước, hương ước. Có trên 267 thôn, tổ dân phố có đông đồng bào Công giáo sinh sống đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” chiếm trên 60%, số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm trên 80%. Nhiều giáo xứ, giáo họ đã duy trì và thực hiện tốt việc không sử dụng rượu bia, thuốc lá, đám cưới không tổ chức ăn uống linh đình.
Bà con giáo dân sống tốt đời đẹp đạo
Tại Đại hội đại biểu người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tổ chức sáng nay, ông Nguyễn Trung Hiếu - đại diện Ban Đoàn kết Công giáo huyện Đức Thọ đã khẳng định: "Người Công giáo huyện Đức Thọ luôn xác định phấn đấu ổn định để phát triển, bình yên để làm ăn, đây là trách nhiệm của mỗi một giáo dân".
Trên thực tế, tinh thần ấy của bà con giáo dân không chỉ riêng Đức Thọ mà chung tất cả các xứ đạo trên toàn tỉnh.
Để hiện thực hóa được điều đó, cộng đồng bà con giáo dân đều tham gia một cách tích cực vào phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh. Người dân các giáo xứ, giáo họ đã tự nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã, xây dựng đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, quy hoạch nghĩa trang… Tiêu biểu có các giáo xứ, giáo họ: Nghĩa Yên, Tân Thành (Đức Thọ); Trại Lê (Can Lộc); Lộc Thủy (Thạch Hà); Cam Lâm (Nghi Xuân); Vĩnh Phước (Cẩm Xuyên)...
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh có trên 3.500 hộ giáo dân hiến trên 221.500 m2 đất, 162.000 cây trồng các loại để mở rộng đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn, liên xã, huy động đóng góp trên 293.000 ngày công, làm được trên 48,5 km đường bê tông, 76 km đường nền cứng, với số tiền hàng chục tỉ đồng.
Những linh mục như: Nguyễn Thái Từ, Thân Văn Chất... không quản ngại gian khó, "xắn quần, đội nón", trực tiếp làm NTM với bà con nhân dân, vận động xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, già cả neo đơn... sẽ mãi là những hình ảnh đẹp, sinh động thể hiện phương châm "sống tốt đời đẹp đạo".
Từ những kết quả đã đạt được, cấp ủy, chính quyền các cấp và đồng bào Công giáo tỉnh nhà tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng vào Ủy ban Đoàn kết Công giáo nhiệm kỳ mới; kỳ vọng vào vai trò tập hợp đoàn kết người Công giáo của ủy ban để cùng chung tay giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.