Chính vì thế, chi phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. Thực tế, cho đến nay, tại Việt Nam, doanh nghiệp vẫn kêu chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh còn ở mức quá cao, đang là gánh nặng. Chi phí ấy bao gồm cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức.

Chi phí chính thức bao gồm lãi suất vốn vay, các loại phí, các loại giá dịch vụ, chi phí tiền lương, rồi các nghĩa vụ đóng góp cho các quỹ theo quy định... Các chi phí này có thể tính toán được, và phần lớn có xu hướng cao hơn các nền kinh tế khác trong khu vực. Ví dụ như, việc trích đóng các khoản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí công đoàn của doanh nghiệp chiếm đến 23,5% được cho là một tỷ lệ đóng khá cao. Cùng với đó, các chi phí vận tải, chi phí logistic cũng rất cao, trong đó có nhiều khoản phụ thu vô lý.

 

Ảnh minh họa/TTXVN 

 

Hàng hóa xuất nhập khẩu đang chịu quá nhiều các khâu kiểm tra chuyên ngành, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Trong đó, có những bộ đưa ra các thủ tục kiểm tra chuyên ngành không theo quy chuẩn nào, thích kiểm tra gì là kiểm tra, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Theo thống kê, khoảng 35% số hàng hóa xuất nhập khẩu đang bị buộc phải kiểm tra chuyên ngành, trong khi đó, tỷ lệ phát hiện ra “vấn đề” từ các cuộc kiểm tra đó chỉ chiếm 0,06%.

Tất cả những thủ tục rườm rà, không cần thiết ấy chỉ tạo thêm điều kiện cho một bộ phận cán bộ, nhân viên nhà nước hạch sách, gây khó dễ cho doanh nghiệp nhằm vòi vĩnh... Thế là phát sinh loại “chi phí không chính thức”, thứ chi phí là biểu hiện của tiêu cực, tham nhũng, gây xói mòn lòng tin đối với nhà đầu tư.  

Nhận rõ những bất cập đó, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 được tổ chức ngày hôm qua (3-8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày một chuyên đề về giảm chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải thống kê tất cả các loại chi phí có liên quan đến doanh nghiệp. Từ đó, tính toán để có phương án giảm chi phí từ giá dịch vụ giao thông BOT (giảm 10,5%), giá sử dụng hạ tầng cảng biển... Để giảm các chi phí không chính thức, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế phải công khai minh bạch các quy trình, thủ tục thuế và hải quan; giảm thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm tiếp xúc trực tiếp của nhân viên nhà nước với doanh nghiệp; lắp camera giám sát; các biểu hiện tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng: “Năm 2017 này sẽ là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp”. Điều đó thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Làm được tốt điều đó sẽ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Thế nhưng, chỉ mong muốn và quyết tâm không thôi thì chưa đủ, mà cần phải có cách làm khoa học, đồng bộ. Ví dụ như, phải xây dựng được một bức tranh tương đối toàn diện và chi tiết về các chi phí của doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực. Cùng với đó, là tiết giảm đến mức thấp nhất những thủ tục, những khâu có thể phát sinh chi phí tiền bạc, chi phí thời gian và có thể phát sinh tiêu cực. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải nhanh chóng giảm tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ 35% hiện nay xuống chỉ còn khoảng 15%.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nền kinh tế thị trường, đã phát triển đến mức độ mà việc quản lý của tất cả các bộ, ngành đều ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, để giảm gánh nặng chi phí cho nền kinh tế thì cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Theo báo qdnd.vn