Cột điện “mọc” trên mặt đường
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) được mở rộng, nâng cấp theo quy hoạch. Những cột điện trước đây nằm bên đường trở thành chướng ngại vật khi đường được mở rộng. Niềm vui của người dân về những con đường mới mở theo đó cũng bị “kìm hãm” bởi sự cản trở giao thông, gây mất mỹ quan này. Anh Phan Đình Long (Phú Gia, Hương Khê) chia sẻ: “Trước khi làm đường GTNT, cột điện đầu ngõ nhà tôi nằm bên vệ đường. Nhưng sau khi mở rộng lại nằm trên 1/3 đường nên rất bất tiện, đặc biệt, vào buổi tối đi lại rất nguy hiểm”. Theo thống kê, xã Phú Gia phải di dời 240 cột điện hạ thế vướng quy hoạch NTM trên khắp các thôn.
Những cột điện "mọc" giữa đường cản trở giao thông và làm mất mỹ quan. |
Xã Khánh Lộc (Can Lộc) là một trong những địa phương đi đầu trong công tác xây dựng đường GTNT. Khi đường trục xã của nhiều địa phương còn lầy lội thì hệ thống đường liên gia, liên thôn ở “làng lúa” đã được bê tông hóa. Cùng với đó, hệ thống điện lưới được kéo về tận hộ, song song với chiều dài các tuyến đường giao thông. Theo Chủ tịch UBND xã Khánh Lộc - Mai Khắc Tám, trước đây, khi xây dựng hệ thống điện lưới, do phương tiện, nguồn lực hạn chế nên cột điện thường được trồng ở những điểm thuận lợi, ngay bên vệ đường. Khi Khánh Lộc quy hoạch xây dựng NTM đã “phát hiện” 320 cột điện hạ thế nằm trong diện phải di dời. Theo thống kê của Điện lực Can Lộc, toàn huyện hiện có trên 2.000 cột điện hạ thế vướng quy hoạch, đến thời điểm này, ngoài xã Khách Lộc đã thực hiện di dời được hơn 1/2, các xã còn lại đang tiến hành khảo sát, xây dựng phương án di dời.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Thực hiện việc di dời cột điện ảnh hưởng đến ATGT và quy hoạch NTM, ngày 4/8/2014, UBND tỉnh ra Quyết định số 3307/UBND-TM giao các đơn vị liên quan thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ hoàn thành việc di dời toàn bộ cột điện trước ngày 31/10/2014. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc di dời chưa đáp ứng được kế hoạch.
Phù Việt (Thạch Hà) thuộc nhóm 14 xã phấn đấu cán đích NTM năm nay đang “đau đầu” vì nguồn ngân sách di dời cột điện. Ông Nguyễn Bá Du - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Trước đây, hệ thống điện của xã được xây dựng từ một số nguồn hỗ trợ. Năm 2008, thực hiện chủ trương toàn quốc về bàn giao lưới điện, xã Phù Việt đã bàn giao hệ thống điện cho điện lực quản lý. Hiện tại, xã không có ngân sách để di dời 32 cột điện theo kế hoạch”.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc (Can Lộc) Lê Văn Nhiếu khẳng định, nếu không có sự hỗ trợ của ngành điện thì địa phương không thể tiến hành di dời hệ thống điện đang vướng quy hoạch. “Không có lý nào bên anh thu tiền, bên tôi lại phải bỏ chi phí ra để sửa chữa hệ thống vật tư” - Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc cho hay.
Liên quan đến vấn đề trên, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thạch Hà - Nguyễn Viết Nhật cho rằng, Quyết định 3307 của UBND tỉnh chỉ đề cập đến trách nhiệm của UBND huyện, thành phố là hỗ trợ kinh phí phần móng cột, trong khi rất nhiều cột điện cần di dời hiện nay có nguy cơ làm lại toàn bộ thân cột (cột bị gãy, nghiêng, yếu…). Quyết định chưa xác định rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm phần thân cột nên tạo sự lúng túng khi triển khai.
Theo lãnh đạo Điện lực Can Lộc, cột điện vướng quy hoạch thì không thể không di dời và việc cấp điện cho người dân nhất thiết phải thông suốt. Nếu trong quá trình di dời các cột điện bị hư hỏng mà không kịp thay thế thì trách nhiệm này thuộc về ai? Giám đốc Điện lực Thạch Hà -Nguyễn Trọng Trạch cho biết, hệ thống điện lưới được công ty vận hành, quản lý hiện nay chủ yếu do đơn vị tiếp nhận từ lưới điện 04 của các xã. Vì tiếp nhận nguyên trạng nên chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật nào để đánh giá chất lượng hệ thống lưới điện. Trước đây, việc cắm mốc, xây dựng chỉ tuyến đường dây chủ yếu do các xã chịu trách nhiệm. Vì vậy, để xây dựng lại cần phải có lộ trình. Nhiều khả năng thời hạn di dời theo quy định của UBND tỉnh sẽ khó hoàn thành.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc di dời hệ thống lưới điện ảnh hưởng đến ATGT và quy hoạch xây dựng NTM ở các địa phương hiện nay đang rất khó khăn. Trong vô vàn lý giải của các địa phương và ngành điện, thì câu chuyện “đổ lỗi” cho nhau là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ thực hiện di dời. Nếu các địa phương vẫn “ỷ lại”, không chủ động huy động nguồn lực, xây dựng phương án và nếu ngành điện vẫn vào cuộc theo “quy trình” thì không biết đến bao giờ nhiệm vụ di dời hệ thống lưới điện này mới hoàn thành?
Ngô Tuấn - Thành Chung
nguồn: baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã