Hà Tĩnh có 3 huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang giáp ranh với 2 tỉnh Bôlykhămxay và Khăm Muộn, với chiều dài đường biên giới 145km; có các đầu mối giao thông quan trọng như Quốc lộ 8A lưu thông với nước bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, Quốc lộ 12A nối liền Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình). Đây là lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ rừng (BVR) khu vực biên giới, khu vực giáp ranh nói chung và việc ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái phép qua biên giới nói riêng.
Từ thực tế đó, thời gian qua, các cấp ngành của 3 tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp quản lý, BVR, quản lý lâm sản và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) khu vực biên giới. Kết quả thu được là rất đáng nghi nhận: Tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển tốt, an ninh rừng được giữ vững.
Từ 2015 - 2018, cùng với sự hỗ trợ khá toàn diện từ Chương trình UN - REED Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với Sở Nông - Lâm nghiệp 2 tỉnh BôlykhămXay và Khăm Muộn tổ chức hội nghị ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời đánh giá kết quả thực hiện các nội dung đã ký kết.
Không chỉ vậy, các cơ quan chức năng các bên còn phối hợp tổ chức 4 cuộc tuần tra BVR khu vực giáp ranh biên giới với hàng trăm lượt người tham gia. Nói về công tác phối hợp tuần tra rừng, anh Đào Nam Giang - cán bộ BQL Rừng phòng hộ Ngàn Phố cho biết: “Đây là công việc vất vả nhưng hiệu quả trong quản lý, BVR. Qua đó còn thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các lực lượng, giữa 2 nước Việt - Lào".
Tính hiệu quả còn được tăng lên khi Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, trực tiếp là lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng còn tham mưu cho UNBD các cấp chỉ đạo các lực lượng liên quan tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý, BVR và PCCCR. Các huyện, xã vùng biên giới đều xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm tra, thực hiện tốt công tác BVR tại gốc, hạn chế tối đa các hành vi xâm hại rừng; phòng, chống các hành vi buôn bán, vận chuyển, săn bắt động vật hoang dã trái phép; chống buôn lậu, gian lận thương mại...
Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh và Chi cục Thanh tra Lâm nghiệp tỉnh Bôlykhămxay còn thường xuyên phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, chủ rừng vùng giáp ranh tổ chức tuần tra, kiểm tra các địa bàn trọng điểm, cung cấp thông tin để nắm bắt tình hình khai thác, buôn bán gỗ, lâm sản ngoài gỗ, các loài động vật hoang dã trái phép vùng giáp ranh.
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Trương Quốc Long cho biết, chỉ từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2018, qua công tác phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng 3 tỉnh, chúng tôi đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 26 vụ vi phạm phạm về khai thác, vận chuyển gỗ, lâm sản ngoài gỗ và động vật hoang dã trái phép tại khu vực biên giới. Qua đó, tịch thu 59,468 m3 gỗ các loại, 579,3 kg động vật rừng, 215 kg lâm sản ngoài gỗ; đẩy đuổi hàng trăm lượt người không có phận sự vào các khu vực rừng giáp ranh; tịch thu nhiều phương tiện, dụng cụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép...
Chỉ trong khoảng 1 năm, các ngành chức năng 3 tỉnh đã cung cấp cho nhau 35 thông tin có giá trị, giúp cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật ở vùng giáp ranh, khu vực biên giới trở nên kịp thời, hiệu quả hơn.
Theo Trọng Nghĩa/baohatinh.vn