Học tập đạo đức HCM

Hãy cho người nghèo điểm tựa

Thứ ba - 26/03/2013 22:09
Khi người nghèo có một điểm tựa vững vàng (nguồn vốn, kiến thức và niềm tin), họ sẽ nhanh chóng biến những khó khăn thành động lực để phấn đấu. Thực tế triển khai chương trình tín dụng hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong nhiều năm qua đã chứng minh điều đó.

Có lẽ không cần phải nói nhiều về hiệu quả của đồng vốn chính sách đối với người nghèo bởi trong 10 năm qua, đã có hàng vạn hộ nghèo trên cả nước được tiếp cận với nguồn vốn thông qua NHCSXH, từ đó thoát nghèo, vươn lên khá - giàu. 

Khi được hỏi, phần lớn các hộ đều cho rằng, nguồn vốn tuy không nhiều nhưng chính là động lực để họ triển khai các phương án sản xuất - kinh doanh. Thêm vào đó, sự đồng hành của cán bộ tín dụng, tổ chức hội, đoàn thể đã giúp các hộ nghèo thêm tự tin vào lựa chọn của mình, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thay vì họ phải tự bươn chải, vật lộn.

Năm 2013, lần đầu tiên gia đình anh Nguyễn Trọng Quý ở khu 3, xã Minh Phú (Đoan Hùng – Phú Thọ) thoát khỏi danh sách hộ nghèo, điều mà trước đây anh hằng mong muốn. Cần cù, chăm chỉ có thừa nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên gia đình anh luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Rất may, trong lúc khó khăn nhất, anh được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu, lợn, gia cầm; được cán bộ các hội, đoàn thể tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, năm 2012, gia đình anh thu gần 30 triệu đồng (đã trừ chi phí). Thành quả này là động lực để anh Quý tiếp tục vươn lên. Anh Quý khẳng định: “Trong hành trình vươn lên của tôi, không thể thiếu vai trò của NHCSXH”.

Anh Quý chỉ là một trong số rất nhiều hộ dân ở khu 3, xã Minh Phú vươn lên thoát nghèo, làm giàu nhờ nguồn vốn của NHCSXH. Với 137 hộ dân, năm 2002 trở về trước, khu có tới 30% số hộ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu do bà con vẫn sản xuất theo phương pháp truyền thống, manh mún nhỏ lẻ, muốn làm ăn lớn thì lại thiếu vốn. Cánh cửa thoát nghèo được mở ra khi năm 2007, khu thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhận ủy thác từ NHCSXH để các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, tổ đã triển khai cho các hộ nghèo vay vốn với tổng dư nợ lên đến 900 triệu đồng. Phần lớn các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích và hiệu quả. Hiện, khu chỉ còn 7 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 3-5 hộ nghèo. 

Từ thực tế triển khai ở địa phương, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch UBND xã Đà Loan (Đức Trọng - Lâm Đồng) cho rằng, “điểm tựa” vốn của NHCSXH rất quan trọng để những hộ nghèo vươn lên. Họ cũng sẽ có ý thức sản xuất, kinh doanh để đồng vốn được phát huy, thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm. Quan trọng hơn là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, hội đoàn thể, ngân hàng sẽ giúp người nghèo nhận ra họ không đơn độc trên hành trình vươn lên và tự tin triển khai các kế hoạch, dự định. Nhờ nguồn vốn của NHCSXH, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Đà Loan giảm đáng kể, từ 429 hộ (năm 2003) xuống còn 79 hộ (năm 2012). Tính đến cuối tháng 12/2012, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Đà Loan là 15.970 triệu đồng/1.213 hộ vay với 30 Tổ tiết kiệm và vay vốn. 

Từ những ví dụ trên có thể khẳng định rằng, trong số các chương trình tín dụng NHCSXH đang triển khai, chương trình cho vay hộ nghèo được đánh giá là có sức lan tỏa lớn nhất, phát huy hiệu quả rõ rệt nhất. Điều bà con tâm đắc nhất khi đến với NHCSXH là cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, trong đó, ưu đãi lớn nhất là một hộ có thể vay vốn của nhiều chương trình khác nhau. Vì vậy, dù mức vay tối đa mỗi chương trình có thể chưa lớn, nhưng cộng lại thì họ có đủ nguồn lực cho kế hoạch phát triển kinh tế của mình. Nhìn vào thống kê của các phòng giao dịch NHCSXH ở nhiều địa phương sẽ thấy, sức lan tỏa của chương trình tín dụng hộ nghèo lớn như thế nào.

Đơn cử như tại huyện Đức Trọng, tính đến hết năm 2012, tổng nguồn vốn của đơn vị đạt 225.302 triệu đồng, tăng 212.177 triệu đồng so với thời điểm năm 2003. Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 5.872 hộ trên địa bàn thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 2.867 lao động; tạo điều kiện cho trên 4.423 học sinh sinh viên vay vốn chi phí học tập; 2.706 hộ tại vùng nông thôn xây dựng nhà vệ sinh và công trình nước sạch hợp chuẩn. Từ nguồn vốn quý giá này, hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển sản xuất với 30.800ha càphê, 1.600ha hoa, rau các loại, chăn nuôi 11.300 con bò, 12.500 con heo… 

Trong khi đó, tại huyện Đoan Hùng, tính đến 31/12/2012, đã có 13.000 khách hàng được tiếp cận vốn thông qua kênh NHCSXH, với tổng dư nợ 226 tỷ đồng. Những năm đầu mới hoạt động, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đoan Hùng chỉ thực hiện 2 chương trình là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm với tổng dư nợ 8,4 tỷ đồng, đến nay, phòng triển khai 9 chương trình, thành lập được 404 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng huyện Đoan Hùng, NHCSXH đã trở thành nhân tố tích cực trong quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30% (năm 2005) xuống còn 20% hiện nay. 

Bên cạnh việc triển khai các chương trình tín dụng dành cho hộ nghèo, giờ đây, với việc thực hiện chính sách cho vay hộ cận nghèo, NHCSXH sẽ là nhân tố tích cực để hành trình xóa đói giảm nghèo của nước ta thêm bền vững.
 

Khánh Nguyên

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
     Tags: n/a

    Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

    Click để đánh giá bài viết

    Những tin mới hơn

    Những tin cũ hơn

    Văn bản ban hành

    Công văn số 6748/UBND-NL5

    Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

    Văn bản số 4414/UBND-NL5

    Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

    Văn bản số 4305/UBND-NL5

    Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

    Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

    Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

    Công văn số 3608/UBND-NL5

    Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

    Hát về nông thôn mới
    MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
    Thăm dò ý kiến

    Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

    Thống kê
    • Đang truy cập529
    • Hôm nay55,449
    • Tháng hiện tại840,104
    • Tổng lượt truy cập92,013,833
    ®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
    Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
    Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
    Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
    Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
    Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây