Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ngày 9-7, xung quanh việc thị trường đường đang có dấu hiệu bị lũng đoạn, ông Nguyễn Xuân Chiến, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thị trường đường có những diễn biến phức tạp.
Trong những tháng gần đây, việc tiêu thụ đường đã có những chuyển biến tích cực. Theo số liệu của Tổ điều hành thị trường trong nước, trong tháng 6, tiêu thụ của các nhà máy vào khoảng 219.700 tấn, tăng 88% so với tháng 3 năm 2012.
Như vậy việc mua bán đường của các nhà máy cũng không khó khăn do việc tăng tiêu thụ rất cao, tồn kho cũng giảm dần.
“Cho đến thời điểm này Bộ Công Thương vẫn chưa nhận được thông tin từ Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Mía Đường Việt Nam về việc thị trường đường đang bị lũng đoạn. Bộ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT kiểm tra thông tin về việc giá đường bị thao túng, nếu đúng sẽ có biện pháp để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người nông dân và doanh nghiệp” - ông Chiến nói.
Cũng theo ông Chiến, theo báo cáo của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, do sản lượng đường trong nước tương đối dồi dào, sản xuất đường của Thái Lan được mùa, dư cung đường thế giới tăng nên giá đường trong nước đã có xu hướng giảm.
Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, giá đường đã giảm 11%, so với cuối năm 2011 giá đường giảm 7% và so với đầu năm 2012 giá đã giảm 3%.
“Việc tăng giảm giá đường có thể có những thời điểm giá tăng cục bộ ở một số thị trường nhưng nhìn tổng thể giá có xu hướng giảm. Thông tin giá đường tăng cao và các doanh nghiệp không mua được, tôi thấy so với số liệu của Hiệp hội Mía Đường và Bộ NN&PTNT thì không đúng”- ông nói.
Tuy nhiên, trên thực tế theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp giá đường trong nước vẫn cao ngất ngưởng so với giá thế giới, nhưng doanh nghiệp vẫn khó mua.
Giá đường của các nhà máy chào bán cho doanh nghiệp trong tháng 8 và tháng 9 cũng tăng rất cao so với giá bán của tháng 6. Một số doanh nghiệp sử dụng đường lớn hiện đã nhận được giá chào của hai đơn vị trong ngành sản xuất đường bán trong tháng 8 lên tới 19.000 – 19.500 đồng/kg.
Còn một doanh nghiệp sản xuất hàng thực phẩm tại miền Nam nhận được giá chào bán đường trong quý 3 lên tới 18.447 đồng/kg, tăng gần 2.000 đồng/kg so với giá bán của quý 2 (16.650 đồng/kg).
Theo thông tin do một doanh nghiệp sản xuất đồ tiêu dùng nhanh có trụ sở ở phía Bắc cung cấp cho Tiền Phong ngày 9-7, công ty đang phải mua đường loại tốt nhất (RE1) với giá xấp xỉ 20.000 đồng/kg.
Ngay các loại đường chất lượng kém hơn chút xíu là RE2 và RS cũng được chào giá dao động quanh mức 18.000 đồng/kg. Tuy nhiên, lượng đường mua được không nhiều, doanh nghiệp rất vất vả mới có thể mua được đường từ các nhà máy, dù có hợp đồng ký từ đầu năm.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, một số nhà cung cấp đã thông tin không chính thức về việc sắp tới đường RE1 sẽ tiếp tục tăng giá, nên có dấu hiệu các nhà máy sản xuất cố tình găm hàng không bán để tạo “cầu ảo” tiếp tục đẩy giá lên.
“Nếu nhà nước không giữ bao cấp giá đường mà thả ra để đường trong nước cạnh tranh với giá đường thế giới thì sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nội địa rất nhiều và cũng có thể tốt cho ngành đường Việt Nam và người tiêu dùng không phải chịu cảnh phải mua hàng đắt”- Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất đồ thực phẩm nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải cho biết sẽ yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Vụ Xuất nhập khẩu theo dõi kỹ thông tin về thị trường đường để giải quyết cấp quota nhập khẩu đường cho hài hòa, giúp bảo vệ sản xuất trong nước nhưng cũng tránh tình trạng gây khó khăn cho các doanh nghiệp phải nhập khẩu đường theo quota.
“Về nguyên tắc không được cấm người ta nhập nhưng phải làm sao để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ bà con nông dân”- Ông chỉ đạo.
Hiệp hội Mía đường: Không thiếu đường Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía-Đường Việt Nam khẳng định: Hiện lượng đường tồn kho trong nước trên 300 nghìn tấn. Còn việc các hộ tiêu dùng lớn như Coca Cola, Pepsi, Vinamilk, Cty URC Việt Nam… kêu rất khó mua đường trong nước vì khan hàng là không đúng. Hiện các nhà máy có đường để bán, nhưng không bán được cho họ, vì lúc nào họ cũng đòi nhập khẩu, giá nhập sẽ rẻ hơn. Về giá đường, ông Long nói: Đường nhập lậu của Thái Lan về đến Việt Nam là hơn 16 nghìn đồng/kg, mà các nhà máy trong nước bán ra cũng chỉ hơn 17 nghìn đồng/kg, chứ không phải cao hơn tới 30-40%. Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, ý kiến của các nhà tiêu dùng và nhà máy đường đang rất mâu thuẫn với nhau. Hiện việc tiêu thụ trong nước, xuất lậu, nhập lậu đều diễn biến phức tạp. Dự kiến, ngày 11-7, bộ sẽ làm việc với Hiệp hội Mía-Đường, để cân đối cung cầu. Sau đó, chúng tôi sẽ có ý kiến quyết định chính thức, việc này phải khách quan, làm rõ ai sai, ai đúng, chứ quyết mà không chuẩn thì hậu quả sẽ rất lớn.
Phạm Anh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã