Ban điều hành Tổ hợp tác Hòa Hưng thăm đồng, hướng dẫn tổ viên chăm sóc lúa. Ảnh: N.KHÁNH
Được thành lập từ giữa năm 2016, THT Hòa Hưng tập hợp các thành viên có cùng chí hướng, chung tay xây dựng thương hiệu gạo an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Phước - thành viên THT Hòa Hưng chia sẻ: “Lúc trước, mỗi vụ lúa tôi phải phun thuốc hóa học trừ sâu bệnh hơn chục lần. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong canh tác ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo và sức khỏe người sản xuất. Vì vậy, khi thấy có mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn sinh học năng suất cao và chi phí đầu vào lại giảm, vừa bảo vệ môi trường, tôi quyết định gia nhập vào THT ngay”.
Với mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo, THT Hòa Hưng được thành lập dựa trên nền tảng vững chắc: ngoài những nông dân trực tiếp sản xuất thì THT còn có các thành viên là kỹ sư nông nghiệp, nhà phân phối giống, phân bón và bộ phận kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của đơn vị.
THT Hòa Hưng xây dựng hẳn một quy trình sản xuất từ khâu gieo sạ đến thành phẩm theo quy trình định sẵn. Theo đó, khi tham gia sản xuất tại THT Hòa Hưng, nông dân phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, ghi chép lại đầy đủ quá trình phát triển của cây lúa; áp dụng đầy đủ các giải pháp kỹ thuật “1 phải 5 giảm” (phải dùng giống lúa được xác nhận - giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm phân bón); kỹ thuật cải tiến “1 phải 6 giảm” (giảm khí thải nhà kính) để vừa tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vừa cải thiện môi trường đồng ruộng...
Phấn khởi trước những hiệu quả mô hình mang lại, nông dân Nguyễn Văn Hùng - thành viên THT Hòa Hưng chia sẻ: “Tham gia vào mô hình sản xuất lúa tại THT, tôi rất phấn khởi. Ngay từ đầu vụ, nông dân được Ban chủ nhiệm tập huấn sản xuất theo hướng an toàn sinh học là phải giảm lượng giống sạ trên đồng; hạn chế sử dụng thuốc BVTV... Đến nay, tôi áp dụng đã được 2 vụ lúa, năng suất tăng khoảng 20% và chi phí đầu vào giảm 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với phương thức sản xuất cũ. Hơn thế, lúa sau khi thu hoạch được THT thu mua với giá cao hơn thị trường khoảng 1.000 đồng/kg so với giống IR 50404”.
Bên cạnh quy trình canh tác được quan tâm thì khâu thành phẩm cũng được đơn vị siết chặt nhằm đảm bảo sản phẩm gạo đạt chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Toàn bộ lúa sau thu hoạch sẽ tiếp tục được xay xát, sơ chế, sau đó gạo được đóng gói hút chân không. Ngoài ra, gạo trước khi tiêu thụ sẽ được các thành viên trong THT kiểm tra chất lượng, đảm bảo không có tồn dư thuốc BVTV và hóa chất độc hại. Mỗi sản phẩm của THT đều được dán nhãn thương hiệu “Gạo Hòa Hưng” để người dùng có thể truy xuất tận gốc, hay phản hồi lại với đơn vị bất cứ vấn đề gì liên quan đến sản phẩm.
Nhằm tạo niềm tin vững chắc với người tiêu dùng, sau vụ lúa đầu tiên, THT Hòa Hưng đã đăng ký và được Trung tâm chứng nhận Phù hợp (Bộ Khoa học Công nghệ) chứng nhận sản phẩm được sản xuất phù hợp Quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, THT Hòa Hưng đã cung ứng ra thị trường các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP.Hồ Chí Minh hơn 120 tấn gạo sạch thuộc giống lúa Đài thơm 8.
Hướng đến mô hình sản xuất bền vững, THT Hòa Hưng còn đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất. Ông Huỳnh Tấn Lộc – Tổ phó THT chia sẻ: “Ngoài hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, THT còn thực hiện đầu tư đầu vào để bà con an tâm sản xuất. Sau khi thu hoạch, THT sẽ thu mua nông sản với giá cao hơn giá thị trường thông qua hợp đồng ký kết thỏa thuận”.
Theo THT, hiện ngoài 50ha lúa đang ký kết hợp đồng tiêu thụ với nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, THT Hòa Hưng đang xúc tiến mở rộng liên kết tiêu thụ với nhiều nông dân các địa phương khác trong tỉnh nhằm đáp ứng sản lượng cung cấp ra thị trường, bởi hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm gạo an toàn là rất lớn. Bên cạnh sản xuất, các thành viên trong THT Hòa Hưng cũng rất tích cực trong việc tìm kiếm thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo Hòa Hưng đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Mô hình không chỉ đáp ứng tốt đầu ra sản phẩm mà còn giúp nông dân làm quen với cách sản xuất mới
Là người luôn sát cánh với THT Hòa Hưng, ông Nguyễn Châu Duyên – Chủ tịch UBND xã Hòa Tân cho biết: “Tuy chỉ mới thành lập nhưng THT Hòa Hưng thực sự là điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của địa phương với mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Mô hình không chỉ đáp ứng tốt đầu ra sản phẩm mà còn giúp nông dân làm quen với cách sản xuất mới”.
Chia sẻ về định hướng sản xuất trong tương lai, ông Huỳnh Tấn Lộc – Tổ phó THT Hòa Hưng cho biết: “Thời gian tới, THT sẽ tiếp tục phát huy những việc đã làm được, đồng thời chủ trương mở rộng diện tích liên kết với các địa phương khác trong tỉnh giúp nông dân có đầu ra ổn định, đảm bảo đời sống kinh tế”.
Theo ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành: “Gạo thơm đặc sản Hòa Hưng” là sản phẩm của phương thức sản xuất lúa trên đồng ruộng theo quy trình an toàn sinh học. Với phương thức canh tác này, đồng ruộng của người dân không những phục hồi được hệ sinh thái mà sản phẩm còn đảm bảo được sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ, hứa hẹn mở ra một hướng đi mới cho nông dân Châu Thành. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ đơn vị xây dựng thương hiệu, ưu tiên hỗ trợ người dân mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, huyện sẽ tuyên truyền để nông dân trên địa bàn huyện hiểu và áp dụng phương thức sản xuất mới này vào canh tác”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã