CÔNG NGHỆ ISRAEL
Sau khi đi vòng vèo qua hàng loạt cánh đồng bao la cỏ voi phục vụ cho chăn nuôi bò sữa tại huyện Củ Chi và Hóc Môn, chúng tôi tìm tới trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa CNC (gọi tắt là trại bò Israel, trong Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi, tại địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Hóc Môn). Đúng lúc đó, chị Nguyên, trưởng trại dẫn một chuyên gia người Israel đi Củ Chi để tham quan và chuẩn bị các phương án cho việc khánh thành trại bò sữa CNC lớn nhất phía Nam.
Nói đến Israel, ai cũng biết trình độ KHKT về nông nghiệp hàng đầu thế giới của nước này. Israel có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, đất đai ít, chỉ có mưa ở miền Bắc vào mùa đông, miền Nam mưa rất hiếm. Chính điều kiện đó đã khiến cho việc chăn nuôi bò sữa không thể chăn thả ở đồng cỏ tự nhiên.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng nhiều biện pháp lai tạo giống hiện đại và quy trình chăn nuôi tiên tiến, được vi tính hóa khiến ngành chăn nuôi bò sữa của Israel luôn đứng vị trí hàng đầu thế giới. Những con bò sữa của Israel cho lượng sữa rất cao, trung bình khoảng 11.000 lít/năm, cá biệt có con cho tới 19.000 lít/năm.
Trại bò sữa CNC được mở rộng tại TP.HCM
Chính vì thành tựu vượt bậc này, ngày càng nhiều chuyên gia chăn nuôi bò sữa VN quan tâm đến kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và đánh giá phương pháp chăn nuôi tiên tiến này có khả năng áp dụng ở VN; đặc biệt là các phương pháp chăm sóc bò trong điều kiện nhiệt độ cao, chế biến thức ăn cho bò và nhập tinh bò chất lượng cao của Israel. Để cụ thể hóa, ngay từ năm 2007, TP.HCM đã có biên bản hợp tác với ngành nông nghiệp Israel để sớm được chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò sữa.
Trao đổi với NNVN, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, GĐ Trung tâm Quản lý và kiểm định giống cây trồng, vật nuôi TP.HCM cho biết, sau nhiều năm chuẩn bị, dự án hợp tác về chăn nuôi bò sữa công nghệ Israel được khởi công xây dựng vào tháng 7/2011. Đến nay đã triển khai thực hiện gần hoàn chỉnh các hạng mục công trình, tiếp nhận và lắp đặt các thiết bị của phía Israel viện trợ theo cam kết.
Trung tâm đã triển khai thực hiện dự án gồm 13 gói thầu, với diện tích khoảng 9,8 ha, trong đó diện tích chuồng trại là 3,8 ha và khu vực trồng cỏ là 6 ha. Hiện dự án đã hoàn tất 90% khối lượng công trình và đã hoàn tất việc chuyển bò sữa về nuôi tại trại thực nghiệm với số lượng 120 con.
Đàn bò sữa tại đây đều có lý lịch rõ ràng, được lấy từ những nông trại chăn nuôi chất lượng cao nhất trên địa bàn TP.HCM. Mục tiêu của dự án là nâng sản lượng sữa lên 8.000 - 9.000 kg/con bò/năm (hiện trung bình chỉ đạt 5.500 kg).
Các chuyên gia Israel cũng đã đến VN cùng làm việc với các cán bộ kỹ thuật tại trại. Cán bộ kỹ thuật của VN được tập huấn và tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ chăn nuôi đồng bộ từ chăm sóc sức khỏe, xây dựng khẩu phần thức ăn phù hợp với từng nhóm tuổi, quản lý cá thể bằng chip điện tử, quản lý đàn, phát hiện lên giống, năng suất sữa thông qua hệ thống phần mềm; vận hành các thiết bị viện trợ từ các chuyên gia Israel.
TẬP TRUNG NGUỒN LỰC
Không chỉ đầu tư bài bản cho trại bò hạt nhân Israel, TP.HCM còn có rất nhiều dự án và các chính sách liên quan đang đồng loạt triển khai, với mục tiêu nâng sản lượng sữa bò lên gấp đôi hiện nay.
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, hiện tổng đàn bò sữa của TP đạt 89.800 con, chiếm gần 54% tổng đàn bò sữa cả nước. Sản lượng sữa hàng hóa ước đạt trên 230.000 tấn, năng suất bình quân trên 5.500 kg/con/năm. Chăn nuôi bò sữa chủ yếu tại 8.281 hộ, cơ sở chăn nuôi tư nhân (bình quân đạt gần 11 con/hộ) và 1 doanh nghiệp quốc doanh (Cty TNHH MTV bò sữa TP.HCM). Để cải thiện chất lượng, Sở NN-PTNT có nhiều biện pháp giúp người dân tái cấu trúc đàn bò sữa, loại thải những cá thể có năng suất thấp theo cơ cấu 70% sinh sản, trong đó 50% cái vắt sữa.
Vắt sữa bò bằng máy tự động công nghệ Israel
Theo báo cáo của ông Nguyễn Phước Trung, PGĐ Sở NN-PTNT TP.HCM, các đơn vị cung ứng tinh bò sữa trên địa bàn thành phố đã nhập một lượng lớn nguồn tinh ngoại chất lượng cao từ Mỹ, Australia, Canada với tỷ lệ lên tới 35,57% tổng lượng tinh (trong năm 2012 nhập 53.000 liều).
Ngoài ra, TP cũng đang đồng loạt triển khai nhiều dự án liên quan đến di truyền giống bò sữa theo phương pháp tiên tiến, phù hợp chuẩn mực quốc tế và xây dựng đàn hạt nhân mở; dự án cơ giới hóa trong chăn nuôi; các chương trình thú y kiểm soát dịch bệnh; liên kết các HTX, tổ hợp tác và xúc tiến thương mại cho bò sữa...
TP cũng đã hình thành nhiều HTX cung ứng vật tư nguyên liệu đầu vào (cám, hèm bia, xác mì) với giá giảm 10% so với thị trường và thu mua sữa nguyên liệu cho xã viên và hộ chăn nuôi. Hộ nuôi bò sữa được vay vốn ưu đãi (30 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,85%). Riêng trong năm 2012, đã có 775 hộ vay vốn, với tổng vốn đầu tư là 242,1 tỷ đồng và tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 146,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống thu mua sữa tươi nguyên liệu rộng khắp trên địa bàn (Vinamilk, Dutch Lady...), gắn kết chặt chẽ giữa người SX và cả nhà máy tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi và đảm bảo chất lượng VSATTP.
UBND TP.HCM cũng đã ký Quyết định “Phê duyệt chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011 -2015”. Trong đó, tập trung hình thành và phát triển những vùng SX giống chất lượng cao; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học để lai tạo giống và nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc: Sau khi dự án bò sữa công nghệ Israel đi vào hoạt động hiệu quả, hàng năm trung tâm sẽ tiếp nhận từ 300 - 500 lượt học viên là cán bộ kỹ thuật, quản lý và người chăn nuôi bò sữa để đào tạo, huấn luyện. Từ các dự án như thế, chúng tôi sẽ tiến tới ứng dụng CNC trong chăn nuôi bò sữa của TP; đồng thời trở thành nơi học tập của cả nước trong ứng dụng công nghệ mới, nhằm cải thiện số lượng và chất lượng sữa của đàn bò VN. |
Mục tiêu đến năm 2015, nhu cầu tiêu thụ sữa bình quân đầu người là 21 lít/người/năm, trong đó khu vực Đông Nam bộ chiếm 67,4% tổng công suất SX sữa quy sữa tươi trong cả nước và 38% tự cung cấp nguồn sữa tươi trong nước.
Theo ông Lê Minh Trí, PCT UBND TP.HCM, TP sẽ đẩy mạnh chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, trong đó khuyến khích người dân tận dụng nguồn đất trống và mạnh dạn chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ thâm canh, có đầu tư hệ thống tưới phun tự động phục vụ chăn nuôi bò sữa.
Đặc biệt sẽ hỗ trợ 50% chi phí đầu tư các máy móc, thiết bị hỗ trợ chăn nuôi. Đồng thời xây dựng nhà máy SX thức ăn TMR (thức ăn hỗn hợp dinh dưỡng cao) ngay tại TP.HCM theo phương thức ngân sách hỗ trợ nhập hệ thống máy trộn thức ăn TMR (100%), các DN đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống nhà xưởng (nhà kho, hố ủ chua…) và tổ chức SX, cung cấp thức ăn cho đàn bò sữa.
Để DN và nông dân an tâm đầu tư lâu dài, theo ông Trí, TP.HCM sẽ công bố công khai quy hoạch chi tiết vùng khuyến khích chăn nuôi trên địa bàn. Khuyến khích SX giống bò sữa theo phương thức trang trại, công nghiệp, với hàm lượng cơ giới hóa và hiện đại hóa cao, nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả SX và lợi nhuận.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;