Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động
Vùng đất Cà Mau với đặc trưng sông nước và bờ biển dài, từ lâu vốn nổi tiếng khắp cả nước bởi những làng làm cá khô. Những làng khô này tất bật nhất, rộn ràng là vào dịp Tết Nguyên đán. Phải kể đến các làng nghề lâu năm ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).
Nghề làm cá khô đã tạo thêm thu nhập cho nhiều lao động. Ảnh: C.L
Theo các hộ làm nghề cá khô lâu năm, để làm ra được 1kg khô phải tốn trung bình 3-4kg cá tươi, tùy loại và phải phơi từ 2 - 3 nắng mới ra thành phẩm. Ðể có sản phẩm được người tiêu dùng vừa ý, khô có mùi vị thơm ngon, sạch sẽ, đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm, thì người làm phải có kinh nghiệm từ khâu chọn cá, mổ cá, ướp cá cho đến đem phơi; trong đó quan trọng nhất là kỹ thuật ướp muối. |
Làng nghề chế biến khô cá, khô mực ở thị trấn Sông Đốc đã hình thành từ rất lâu đời. Đến nay, với nhu cầu tăng cao của khách hàng trong và ngoài tỉnh, làng nghề hoạt động ngày càng nhộn nhịp, mang lại thu nhập ổn định cho bà con và cũng tạo ra việc làm cho các lao động tứ xứ tới đây. Cửa biển Sông Đốc là cửa biển lớn trong khu vực ĐBSCL, có lượng tàu khai thác thủy sản đông nhất ở khu vực này.
Từ lợi thế đó, thị trấn có nguồn nguyên liệu dồi dào cho cho nghề làm khô cá, mực. Làng nghề này có hàng chục cơ sở chế biến cá khô biển và đưa đi tiêu thụ tại TP.HCM, Hà Nội... và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo UBND thị trấn Sông Đốc, cửa biển Sông Đốc có gần 50% dân cư là người tạm trú. Người dân tứ xứ đổ về đây mưu sinh bằng nghề biển như: làm ngư phủ, làm khô biển, mua bán hải sản... Công việc ở làng nghề cá khô phù hợp với những lao động nhàn rỗi, mỗi ngày trung bình một lao động có thu nhập từ 150.000 - 250.000 đồng. Vào mùa cao điểm như dịp tết thì nhu cầu nhân công ở các cơ sở làm khô sẽ càng tăng thêm.
Đa dạng sản phẩm
Có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề làm cá khô ở thị trấn Sông Đốc, ông Lưu Văn Tâm (khóm 4, thị trấn Sông Đốc), cho biết: Thông thường, vào mùa nắng, cá sau khi được thu mua ngoài ghe phải mang về đánh vẩy, bỏ ruột. Sau đó rửa sạch và ngâm nước muối khoảng 1 đêm, khi cá thấm đủ mặn thì mang đi rửa lại, để ráo, rồi chất lên vỉ đem phơi 2 nắng (2 ngày).
Các sản phẩm cá khô tại làng khô biển Cái Đôi Vàm. Ảnh: Chúc Ly
“Còn khi không có nắng, cá cũng được làm sạch rồi muối nhưng chưa phơi liền mà được bảo quản trong tủ đông hoặc thùng đá cho đến khi có nắng mới phơi. Nếu lúc phơi trời lại có mưa hoặc không đủ nắng thì bắt buộc phải đem cá cho vào tủ đông, chờ nắng. Vào mùa mưa, cá phải được đảm bảo làm sạch và muối đủ muối. Với cách làm này, người dân ở đây sẽ sản xuất được cá khô quanh năm, với những ngày cận tết thì năng suất và sản lượng sẽ tăng lên nhiều lần” - ông Tâm chia sẻ.
Ông Lê Kim Hùng - Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân khóm 4, thị trấn Sông Đốc, thông tin: Khoảng 2,5kg cá tươi sẽ cho ra 1kg cá khô. Giá cá khô sẽ tùy theo độ ngon, kích cỡ mỗi loại. Người dân thường bán khô cá cho các sạp khô trong tỉnh và phần lớn bỏ mối cho các chủ vựa khô ở tỉnh Bến Tre.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, làng nghề khô biển Sông Đốc cũng chế biến thêm nhiều mặt hàng mới như: Mực một nắng, mực trứng, cá khô đuối một nắng, khô tôm tít… Nhiều mặt hàng đa dạng giúp người tiêu dùng càng có thêm nhiều sự lựa chọn vào dịp tết.
Nhờ làm nghề chế biến cá khô, người dân Cái Đôi Vàm đã có thu nhập khá cao. Ảnh: Chúc Ly
Hầu hết các làng nghề làm cá khô biển tại Cà Mau đều sản xuất quanh năm, và làm theo hình thức mùa nào thức nấy. Khi các tàu đánh bánh vào bờ với cá đầy khoang, chủ các cơ sở đến lấy để mang về chế biến ngay. Ngoài ra, các loại khô ở đây hết sức đa dạng, như: Cá khoai, cá lưỡi trâu, cá hố, cá lù đù, tôm, mực...
Còn làng cá khô Cái Đôi Vàm dịp này nhộn nhịp hơn hẳn khi vào mùa làm cá khô tết với hàng chục hộ làm nghề. Vào những ngày này, những chuyến biển thuận lợi hơn, đồng nghĩa với việc làng khô cũng tất bật vì có nhiều cá. Mỗi ngày, các cơ sở sản xuất lớn nhỏ cho ra vài tấn cá khô các loại.
Ông Nguyễn Văn Chẵn (khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm), cho biết: Gia đình ông đã theo nghề làm khô tại đây gần 20 năm. Mùa này là lúc làng cá khô biển hoạt động mạnh nhất, như gia đình ông ít nhất phải nâng sản lượng lên gấp đôi, hiện giá các loại cá khô trung bình dao động từ 50.000-100.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, loại cá.
Theo anh Trần Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cái Đôi Vàm, tại thị trấn này, nghề làm cá khô là nghề truyền thống có từ lâu đời. Nghề này cho thu nhập khá, với khoảng 50 hộ làm nghề, tập trung nhiều ở khóm 4, khóm 6. Vào mỗi dịp cận tết, không khí làm cá khô tại đây nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Được biết, làng nghề cá khô Cái Đôi Vàm nổi tiếng khắp nơi bởi các mặt hàng đặc trưng như: Cá trích, cá mối, cá đù…, nổi bật nhất là khô cá khoai. Sản phẩm cá khô làm ra được tiêu thụ ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Hầu hết các loại cá, mực tươi tại các làng cá khô biển ở Cà Mau đều làm thủ công và phơi dưới ánh nắng mặt trời và không sử dụng các loại chất bảo quản, phẩm màu. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;