Học tập đạo đức HCM

Làng nghề gỗ trước thách thức FLEGT, REDD+

Thứ hai - 01/04/2013 04:31
Theo đánh giá của ngành chức năng, các làng nghề chế biến gỗ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tạo việc làm cho khoảng 300.000 lao động, tổng doanh thu khoảng 1,5 tỷ USD/năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, nhất là khi các nước nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao về tính hợp pháp như hiện nay thì các làng nghề gỗ sẽ phải chủ động vượt qua nhiều khó khăn để trụ vững.

Thách thức mới

Những năm gần đây, ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ khi sản phẩm đồ gỗ “made in Vietnam” đã xuất khẩu đi 120 thị trường trên thế giới, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc… Theo đó, các làng nghề gỗ phải sử dụng một lượng gỗ nguyên liệu tương đối lớn. Nếu như năm 2007, các làng nghề gỗ trên cả nước sử dụng khoảng 305.600m3 gỗ quy tròn thì đến nay, nhu cầu gỗ nguyên liệu tăng lên 400.000 - 600.000m3. Đáng chú ý là nguồn gỗ nguyên liệu trong nước cơ bản đã cạn kiệt, mỗi năm cả nước phải nhập khẩu khoảng 400.000m3 gỗ. 

Chỉ tính riêng tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Bắc Ninh), hiện mỗi năm các hộ gia đình, cơ sở chế biến sử dụng khoảng 34.000m3 gỗ. Chính vì thiếu nguyên liệu mà tình trạng khai thác, buôn bán gỗ trái phép đang diễn ra khá phổ biến, thậm chí ngày càng căng thẳng và gay gắt, dẫn tới thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái. 

Trong khi đó, năm 2010, Việt Nam và Cộng đồng châu Âu (EU) đã chính thức tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) trong khuôn khổ của Kế hoạch hành động về tăng cường thực thi pháp luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) do EU khởi xướng. Mục đích chính của kế hoạch này là đàm phán và thiết lập các cơ chế nhằm đảm bảo sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU là hợp pháp. Khi Việt Nam và EU ký VPA, các sản phẩm gỗ không minh bạch về nguồn gốc có xuất xứ từ Việt Nam sẽ bị loại khỏi thị trường EU. 

Cùng với FLEGT-VPA, Việt Nam cũng đang tham gia sáng kiến Giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), theo đó, nước ta cam kết đưa ra các cơ chế và biện pháp hiệu quả nhằm bảo tồn được nguồn tài nguyên rừng hiện có, góp phần duy trì và làm giàu bể chứa các-bon lâm nghiệp và quản lý rừng bền vững. Thực hiện REDD+ sẽ góp phần tăng cường quản trị rừng, giảm thiểu việc khai thác gỗ bất hợp pháp trong phạm vi quốc gia.

Rõ ràng, với việc tham gia thực hiện FLEGT-VPA và REDD+, hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề gỗ đứng trước khá nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các sản phẩm đồ gỗ phải được sản xuất từ nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp (từ khâu khai thác, vận chuyển cho đến chế biến), trong khi lượng gỗ nguyên liệu mà các làng nghề đang sử dụng có nguồn gốc từ rừng tự nhiên khá lớn. Điều đáng nói là cho đến nay, các làng nghề gỗ vẫn chưa tiếp cận được các thông tin có liên quan đến tiến trình thực hiện các sáng kiến FLEGT và REDD+. 

Phải chủ động

Xét trên khía cạnh môi trường, tham gia FLEGT hay REDD+ sẽ góp phần giúp nước ta hạn chế được nạn khai thác gỗ lậu nhờ hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ và cơ chế giám sát độc lập. Khi đồ gỗ xuất khẩu buộc phải có chứng chỉ FLEGT, giá gỗ rừng trồng sẽ tăng và sẽ khuyến khích dân trồng rừng để có gỗ hợp pháp làm hàng xuất khẩu. Để thực hiện điều này, không thể ngày một ngày hai là xong, mà chúng ta phải thay đổi từ cách nghĩ tới cách làm, nhưng có thể chắc chắn một điều, nếu đứng ngoài chương trình hành động FLEGT, có thể Việt Nam sẽ mất đi thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lợi thế cạnh tranh ở thị trường châu Âu, Hoa Kỳ… 
 

Hiện, các cơ sở chế biến gỗ chủ yếu mua nguyên liệu qua thương lái nên khó truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.


Theo tác giả Lê Duy Phương, chuyên gia của Hiệp Hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện nay nhiều làng nghề gỗ đang sử dụng nguồn nguyên liệu không minh bạch, và sự không minh bạch này được tạo ra bởi 5 yếu tố chính: thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin về cơ chế chính sách có liên quan đến nguồn nguyên liệu, môi trường, lao động tại các làng nghề; các cơ sở sản xuất thiếu quan tâm đến nguồn gốc gỗ nguyên liệu; sự phát triển tự phát của các làng nghề; việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp địa phương về nguồn nguyên liệu, lao động, môi trường; thiếu cơ quan đại diện của các cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Theo TS. Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends - Hoa Kỳ), điều đáng báo động hiện nay là khi mua gỗ, các hộ sản xuất thường không quan tâm đến tính hợp pháp của nguồn gỗ và hóa đơn bán hàng (nếu yêu cầu có hóa đơn, họ phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng, đồng nghĩa với việc giá thành gỗ sẽ tăng lên), đồng thời, đa phần người tiêu dùng cũng chưa quan tâm đến nguồn gốc và tính hợp pháp của gỗ, và việc tăng giá sẽ có thể làm cho họ từ chối mua sản phẩm.

“Nhiều làng nghề đã và đang sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ thông thường và gỗ quý. Đã có một số cáo buộc rằng Việt Nam đang sử dụng gỗ nhập khẩu có nguồn gốc không minh bạch, đặc biệt là các loại gỗ quý nhóm IA và IIA. Đây cũng chính là những thách thức lớn cho làng nghề gỗ hiện nay”, ông Phúc nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tản Viên, xã Chàng Sơn (Thạch Thất – Hà Nội), thực tế hiện nay, hầu hết các hộ tại làng nghề đều mua bán gỗ thông qua hệ thống thương lái (những người buôn gỗ). Do vậy, để thực hiện FLEGT và REDD+ hiệu quả tại Việt Nam thì một trong những hoạt động quan trọng cần được tiến hành càng sớm càng tốt là tham vấn với các cơ sở sản xuất làng nghề về các vấn đề có liên quan, bắt đầu bằng việc cung cấp cho làng nghề các thông tin cơ bản, đặc biệt là về tính pháp lý của nguồn nguyên liệu, môi trường, lao động, và các thay đổi về cơ chế chính sách trong tương lai.

“Vấn đề “được – mất” đối với làng nghề gỗ trong bối cảnh thực hiện FLEGT và REDD+ cần phải quan tâm ở cả 3 khía cạnh: lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. Cần phải chuẩn bị cho các làng nghề để họ có thể đáp ứng được các yêu cầu mới khi thực hiện FLEGT và REDD+. Ngoài ra, việc thực hiện các yêu cầu này cũng cần có lộ trình nhằm tránh những xáo trộn đột biến về sản xuất kinh doanh tại các làng nghề”, ông Phúc khẳng định.

Cả nước hiện có khoảng 300 làng nghề chế biến gỗ, trong đó, gần 50% làng nghề tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Một số làng nghề đã có sản phẩm xuất khẩu như Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh), La Xuyên (Ý Yên - Nam Định)… Ước tính, lượng gỗ nguyên liệu sử dụng hàng năm ở các làng nghề vào khoảng 400.000 – 600.000m3 gỗ quy tròn, chủ yếu từ nguồn nhập khẩu và khai thác trong nước, trong đó có khá nhiều gỗ nhóm 1, gỗ quý hiếm.

 

Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập413
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại864,958
  • Tổng lượt truy cập92,038,687
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây