Học tập đạo đức HCM

Lao động nghề biển (bài 3): Tiếp sức ngư dân giữ lửa nghề

Thứ sáu - 01/01/2016 02:05
Nếu ví mỗi ngư dân là một “cột mốc sống” bảo vệ chủ quyền biển đảo và mỗi vùng quê ven sóng là những thành trì giữ biển thì việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng lao động nghề biển đang cần được sự quan tâm thỏa đáng. Song song với hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn, chính sách cần hướng tới việc đào tạo, giữ chân nguồn nhân lực ở các địa phương vùng biển.

Đào tạo gắn với hiện đại hóa nghề cá

Năm 2013, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu hiệu quả nghề lưới rê hỗn hợp ở huyện Hải Hậu - Nam Định, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh triển khai ứng dụng trên tàu cá ngư dân Nguyễn Đức Huy - xã Xuân Hội. Ngoài việc đầu tư một phần kinh phí (hơn 90 triệu đồng) để hỗ trợ ngư dân mua sắm vật tư, phương tiện với tổng nguồn vốn gần 200 triệu đồng, Chi cục còn làm cầu nối cho ngư dân tham gia học nghề trên tàu cá ở tỉnh Nam Định.

Năm đầu chuyển đổi từ nghề truyền thống sang nghề lưới rê, tàu cá của ông Huy đã tăng lợi nhuận thêm 300 triệu đồng, thu nhập lao động trên thuyền tăng lên trên 10 triệu đồng/người/tháng. Những năm sau đó, ông tiếp tục nâng công suất tàu cá và đầu tư thêm ngư lưới cụ để mở rộng đánh bắt, lợi nhuận mỗi năm đạt hàng tỷ đồng. Từ đó, ông Huy trở thành thầy truyền nghề rê cho những ngư dân có ý chí làm ăn lớn, đặc biệt là người đang đóng tàu theo Nghị định 67 hiện nay.

Lao động nghề biển (bài 3): Tiếp sức ngư dân giữ lửa nghề

Ngư dân được mùa

Còn ở xã Thạch Kim (Lộc Hà), những ngày này, 2 ngư dân: Trương Quang An và Ngô Quang Hợp vừa được tiếp cận nghề lưới rê cá chim và đang ứng dụng nghề mới trên chuyến đánh bắt ở vùng biển đảo Cô Tô. Kỹ sư Nguyễn Hữu Toàn - Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, qua tìm hiểu thực tế ở các tỉnh phía Nam cho thấy, nghề rê cá chim mới được triển khai những năm gần đây mang lại hiệu quả cao bởi loại cá này được coi là đặc sản hàng đầu, giá bán cao. Cũng với mô hình Nhà nước và ngư dân cùng đầu tư, 2 chủ tàu được hỗ trợ gần 150 triệu đồng để trang bị vật tư và được học nghề ở các tàu cá Đà Nẵng. Theo thực tế ở các tàu cá tỉnh bạn thì khi ứng dụng thêm nghề lưới rê cá chim, thu nhập lao động trên tàu cá tăng từ 54 triệu lên trên 70 triệu đồng/năm, lãi ròng của chủ tàu tăng thêm trên 200 triệu đồng/năm.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh - Nguyễn Công Thắng cho biết: “Hiện nay, Hà Tĩnh có 222 tàu cá xa bờ công suất từ 90 CV trở lên, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 300 tàu cá xa bờ. Đây là loại tàu tổ chức khai thác thủy sản dài ngày trên biển nên phát triển các nghề mới để mang lại hiệu quả kinh tế cao là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong 4 năm gần đây, toàn tỉnh chỉ triển khai được 8 mô hình khuyến ngư với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Để nhân rộng các phương thức khai thác thủy sản có hiệu quả kinh tế cao, trước hết, cần bổ sung nguồn kinh phí thỏa đáng để xây dựng các mô hình mới.

Hướng nghiệp nghề biển

Ở làng biển Hội Thủy - xã Xuân Hội (Nghi Xuân), gia đình ông Trần Quốc Rạng được nhiều người biết đến là một mẫu hình tiếp nối những thế hệ gắn bó máu thịt với nghề biển. Giữ nghề từ đời ông cha truyền lại, ông Rạng là một trong những ngư dân tuổi đã trên 60 vẫn xông pha ở những ngư trường lớn. Hai người con trai cũng thấm sâu tình yêu biển cả của ông, đã gây dựng sự nghiệp của mình từ nghề biển.

Trong đó, con trai đầu Trần Quốc Dũng là chủ của đôi tàu cá công suất 500 CV - một trong những tàu có công suất lớn nhất ở Xuân Hội hiện nay. “Bố tôi đang đóng tàu đánh cá vỏ thép lưới rê, còn tôi đang chờ cơ hội để đóng tàu lớn làm nghề dịch vụ trên biển. Cả gia đình tôi lớn lên, làm giàu từ biển, bởi vậy, những con tàu lớn mà gia đình tôi dồn cả cơ nghiệp để sắm sửa cho những chuyến đi dài ngày ở Trường Sa, Hoàng Sa cũng chính là để truyền lại nghề cùng tình yêu biển đảo quê hương cho những thế hệ sau này” - anh Dũng chia sẻ.

Lao động nghề biển (bài 3): Tiếp sức ngư dân giữ lửa nghề

Cùng với đóng tàu lớn, ngư dân cần được tiếp cận khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa nghề cá.

Còn với ngư dân Lại Thế Sơn - xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên): “Trước khi con trai tôi bước vào đại học, tôi đã định hướng nó theo trường kỹ thuật. Tôi luôn chứng minh với con rằng, bố là một ngư dân giỏi và gắn với biển bởi tình yêu máu thịt. Tôi đang cho thế hệ trẻ thấy, nghề biển hoàn toàn có thể mang lại một cuộc sống khấm khá, đàng hoàng. Hiện nay, bản thiết kế đóng tàu vỏ thép lưới rê đã hoàn thành và sang năm, con tàu lớn vững chãi sẽ đưa chúng tôi đến những ngư trường lớn. Tôi hy vọng, sau này, con trai sẽ lựa chọn nghề truyền thống để lập nghiệp và rồi, mỗi chuyến biển sẽ thấm sâu vào trái tim tuổi trẻ tình yêu biển đảo quê hương”.

Những câu chuyện nghề máu thịt nhưng không còn là phổ biến ở những địa phương vùng biển đang đặt ra yêu cầu cần coi trọng việc giữ nghề, giữ tình yêu biển trong các gia đình ngư dân và mỗi làng biển, đồng thời, có chính sách khuyến khích thế hệ trẻ mạnh dạn lập nghiệp bằng nghề của cha ông. Nhìn ở một giải pháp bền vững thì để thu hút lao động vào nghề biển, cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ cả về đào tạo nghề, phát triển dịch vụ hậu cần, hoàn thiện hạ tầng các vùng biển.

Như cách làm mà Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh - Bùi Quang Hoàn chia sẻ: “Huyện đang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các điểm du lịch biển, hình thành các khu nghỉ dưỡng phục vụ các nhà đầu tư ở Khu kinh tế Vũng Áng. Qua đó, sẽ thúc đẩy các hoạt động đánh bắt, thu mua, chế biến thủy, hải sản, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm của ngư dân”.

Hay như khẳng định của Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Trần Xuân Hoàng: “Cùng với tiếp sức cho ngư dân đóng tàu lớn và hiện đại hóa nghề biển, cần tập trung nguồn lực lớn hơn cho công tác đào tạo nghề, phát triển sôi động hệ thống dịch vụ hậu cần ở các cảng cá trong tỉnh; nạo vét, khơi thông luồng lạch để tàu thuyền cập bến thuận lợi. Ngư dân cần điểm tựa vững vàng để giữ ngọn lửa nghề trước bão táp biển khơi, làm giàu cho gia đình, quê hương và góp sức giữ từng tấc biển thiêng liêng của Tổ quốc...”.

H. Trung – N. Oanh – M .Thủy
Theo Baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập305
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại875,777
  • Tổng lượt truy cập92,049,506
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây