Khi người dân sở hữu đất đai với số lượng và thời gian dài hơn sẽ là yếu tố quan trọng để giảm tình trạng ly nông diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. |
Điều kiện thuận lợi hơn
Thời hạn giao đất nông nghiệp được kéo dài đến 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay là một trong những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Tuy nhiên, hạn mức giao đất nông nghiệp trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn giữ nguyên so với hiện hành. Mỗi hộ gia đình, cá nhân được giao không quá 3 héc ta đất trồng cây hàng năm, đất làm muối và đất nuôi trồng thủy sản, không quá 10 héc ta đất trồng cây lâu năm ở đồng bằng và 30 héc ta ở vùng núi, trung du. Dự thảo luật giao Chính phủ quy định cụ thể về hạn mức giao đất nông nghiệp cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ.
Bên cạnh việc kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp, một điểm mới khác trong dự thảo luật này là cho phép các cá nhân, gia đình được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp gấp 10 lần so với hạn mức giao đất, thay vì chỉ là hai lần theo luật hiện hành. Phần vượt hạn mức, người sử dụng đất phải chuyển sang hình thức thuê đất.
Theo ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên gia cao cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những quy định mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, không những giúp nông dân tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, mà còn giúp hình thành những vùng chuyên canh lớn, đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Chính phủ. “Thời gian qua, thật ra người dân đã lách luật để tích tụ ruộng đất thông qua những hợp đồng cho thuê lại vượt hạn mức đất được giao. Việc luật hóa những quy định này sẽ giúp người dân mạnh dạn tích tụ ruộng đất và đầu tư công sức nhiều hơn cho nông nghiệp”, ông Tụng phân tích. Việc nâng thời hạn giao đất và tăng mức chuyển nhượng phù hợp với quy luật phát triển hiện tại. Bởi với xu hướng công nghiệp hóa, trong vài thập niên tới, chỉ còn khoảng hơn 30% người dân sống ở nông thôn và gắn với nghề nông. Ngoài ra, ông Tụng cũng cho rằng, khi người dân sở hữu đất đai với số lượng và thời gian dài hơn sẽ là yếu tố quan trọng để giảm tình trạng ly nông diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua.
Đồng tình với việc nâng thời hạn giao đất cho người dân, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng những điểm mới của dự thảo Luật Đất đai sẽ giúp nông dân tích tụ ruộng đất nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Bích cũng bày tỏ sự lo ngại là không phải nông dân nào cũng có khả năng tích tụ ruộng đất. Như vậy, khi mất đi phương tiện sản xuất là đất đai trong quá trình tích tụ ruộng đất, sẽ có một bộ phận không nhỏ nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Ông Bích lưu ý, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này nhằm hình thành một nền sản xuất lớn - đây cũng là định hướng lâu dài để phát triển ngành nông nghiệp. Nhưng ai có khả năng tích tụ đất đai nhiều nhất vẫn là vấn đề cần được những nhà hoạch định chính sách cân nhắc. “Thực tế khả năng doanh nghiệp hay những cá nhân có vốn liếng, tài sản mới có thể tích tụ được nhiều đất đai. Do vậy, nếu làm không khéo trong vấn đề này, việc phát canh thu tô… lại có thể tái diễn”, ông Bích phân tích.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này giao Chính phủ quy định cụ thể về hạn mức giao đất nông nghiệp cho phù hợp với đặc điểm của từng vùng và từng thời kỳ. Theo ông Bích, đây là quy định hợp lý và khả thi. Bởi thực tế, ở những vùng, miền và khu vực chuyên canh khác nhau cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chậm khác nhau, thì hạn mức giao đất cho người dân cũng phải phù hợp với từng vùng, miền. Cụ thể, hiện ở khu vực ĐBSCL, nơi được coi là vựa lúa của cả nước, mỗi hộ nông dân với bốn nhân khẩu tính trung bình chỉ canh tác trên 1 héc ta, một diện tích quá nhỏ. Ngược lại, với 1 héc ta được giao cho nông dân ở những vùng khác chỉ chuyên trồng rau, màu thì lại quá lớn. Vì vậy, theo ông Bích, nên dựa vào những kết quả điều tra xã hội học về nông nghiệp để đưa ra mức giao đất phù hợp”.
Nên có kiểm soát...
Để tránh tình trạng nông dân bị tổn thương trong quá trình tích tụ ruộng đất, theo ông Tụng, dự thảo luật phải có những quy định cụ thể để kiểm soát quá trình tích tụ ruộng đất theo hướng tích cực. Nhà nước cần có những quy định cụ thể để quản lý, điều tiết việc giao đất nông nghiệp cho người dân.
Ông Tụng cho rằng, những tập thể, cá nhân được giao đất phải có nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ với tỷ lệ phù hợp để phân chia lại lợi ích cho nông dân và đảm bảo công bằng xã hội. Khi những quy định về việc giao đất càng cụ thể và minh bạch, Nhà nước dễ dàng điều tiết được lợi ích từ việc giao đất cho tổ chức, tập thể cá nhân canh tác. Ngoài ra, việc đưa ra những quy định và chế tài cụ thể còn giúp cho Chính quyền ở cấp cơ sở quản lý và điều tiết đất đai cho người dân dễ dàng hơn.
Ở giác độ doanh nghiệp, cũng ủng hộ những quy định mới của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho rằng với vùng nguyên liệu có diện tích lớn thì nông dân, doanh nghiệp có điều kiện tổ chức sản xuất tốt hơn. “Kinh nghiệm từ việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn trong thời gian qua đã cho thấy chi phí sản xuất được tiết kiệm hơn khoảng 10% so với lối canh tác cũ và việc kiểm soát chất lượng cũng như quản lý sản xuất hiệu quả hơn nhiều”, ông Thòn nói. Còn những mặt tiêu cực trong quá trình tích tụ ruộng đất, theo ông Thòn, hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;