Học tập đạo đức HCM

Muối mặn đời diêm dân

Thứ bảy - 27/10/2012 07:28
"Một người làm cho cả nghìn người ăn nhưng cả nghìn người không nuôi nổi một người”- câu nói khái quát đặc trưng nghề muối này chưa bao giờ lại đúng với diêm dân Nam Định đến vậy. Lao động cực nhọc nhưng đồng công quá rẻ mạt khiến nhiều diêm dân nơi đây đã và đang dần từ bỏ cái nghề "cha truyền con nối” bao đời…

 
Nhiều diêm dân Hải Hậu (Nam Định)
chỉ mong thoát được khỏi nghề muối 
 
Chát mặn đời diêm dân
 
Trở lại Hải Triều-một trong 7 xã ven biển nổi tiếng với nghề muối của huyện Hải Hậu, chúng tôi những tưởng sẽ được gặp lại những hình ảnh thân quen của đồng muối. Nhưng đến nơi thì chưng hửng khi nhận ra nhiều cánh đồng muối đã "mất tích” tự lúc nào. Thay vào đó là những dãy ao hồ vừa được cải tạo để nuôi trồng thủy hải sản. Cả buổi trưa, len lỏi khắp mấy cánh đồng xã Hải Triều, chúng tôi mới tìm được một vạt muối rộng chừng vài sào còn "sót lại” giữa những ao tôm. Nắng đẹp nhưng vạt ruộng không một bóng người. Trong ngôi nhà tuềnh toàng gần đó, bà Đỗ Thị Mơ - người còn sót lại của đồng muối Hải Triều đang mải miết ngồi đan lưới. Bà kể, sáng nay, toan ra đồng làm muối nhưng trời đổ mưa. Dẫu chỉ kéo dài mươi phút nhưng trận mưa vô duyên đầu ngày khiến bà đành phải vác tang lên bờ. Kinh nghiệm của người cả đời gắn với đồng muối cho bà biết, trời mưa-ruộng nhạt, dẫu có làm cuối ngày cũng chẳng có muối. Chỉ còn cách phơi ruộng đợi đến hôm sau.
 
Ngồi nghe bà kể chuyện mới thấm thía sự mặn chát của đời diêm dân. Bà bảo, hôm nào trời không mưa, nắng đều từ sáng đến chiều bà làm được 2 phương muối (mỗi phương khoảng 20 kg muối ướt). Như giá đại lý thu mua hơn 1.000 đồng/kg hiện nay 2 phương muối của bà được trên dưới 50 ngàn đồng. Tiền đong gạo và đủ thứ chi tiêu khác bà trông cả vào đó. Khốn nỗi, mưa nắng lại thất thường. Mùa này mưa rền nên cả tuần qua bà mới chỉ ra đồng được có 2 ngày. Thu nhập từ làm muối quá ít ỏi lại phập phù nên thời gian gần đây bà nhận thêm việc đan lưới thuê, nhưng đã 60 tuổi, tay chậm, mắt mờ nên bà không thể đan nhanh được. Mỗi ngày cố lắm cũng chỉ đan được 1kg sợi, được trả công 20 nghìn đồng, chẳng bõ bèn gì! Nghèo khổ là vậy nhưng chẳng hiểu thế nào mà ông bà sinh đến 10 người con. Hơn 10 năm trước, chồng bà lại đổ bệnh mất sớm, gánh nặng đời người dồn cả lên vai bà. Đến nay đàn con tuy đã được dựng vợ, gả chồng nhưng cũng đông con, cũng thất học, cũng nghèo túng như bà nên chẳng giúp được gì. Cách đây ít lâu người con trai thứ bỗng dưng mắc bệnh động kinh. Cùng quẫn, bà phải mang sổ đỏ ngôi nhà đang ở đi thế chấp ngân hàng để vay 24 triệu đồng lo điều trị. Cảnh nhà thế này, bà thở dài: "Chẳng biết đến bao giờ mới trả được!”… 
Ông Trần Văn Viện - cán bộ địa chính xã Hải Triều cho biết, nghề làm muối bao đời nay là nghề kiếm cơm chính của người dân trong xã bên cạnh nghề đi biển. Lúc cao điểm diện tích làm muối của xã lên đến hơn 70 ha. Nhưng do thu nhập quá thấp nên những năm gần đây diêm dân trong xã ồ ạt bỏ nghề. Nhà nào có điều kiện thì tự huy động vốn đầu tư cải tạo thành ao đầm để nuôi thủy sản. Nhà nào không có điều kiện thì bán ruộng đi làm thuê. Giá bán cũng rất rẻ mạt, chỉ 3-40 triệu/sào. Chính vì vậy diện tích làm muối của xã những năm gần đây giảm rất mạnh, hiện cả xã chỉ còn 29 ha, nằm rải rác ở các xóm. Những hộ còn "bám trụ” với nghề muối đa phần không có điều kiện chuyển đổi và cũng chẳng biết làm nghề gì khác để kiếm sống.
 
Còn ông Mai Hồng Lê-Bí thư Đảng ủy xã cho biết, mới đây thực hiện quy hoạch sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã cũng chỉ quy hoạch 18 ha cho sản xuất muối. Nhưng ông thừa nhận với tình hình diêm dân không còn thiết tha với ruộng muối như hiện nay chẳng biết 18 ha này xã có giữ được không? Nhiều khả năng chỉ vài năm nữa nghề muối truyền thống ở Hải Triều sẽ bị "xóa sổ”.
 
Nằm liền kề, đời sống của diêm dân xã Hải Chính cũng chẳng khá hơn. Mới đầu giờ chiều chúng tôi đã gặp chị Nguyễn Thị Tuyết đang quần quật trên cánh đồng muối của xóm Nam Ninh. Vừa cào tang, xúc cát chạy đua với nắng chị Tuyết vừa chia sẻ những nỗi mặn chát của đời diêm dân. Chị cho biết, do là người xã khác lấy chồng về Hải Chính nên chị không có ruộng, 3 đứa con chị sinh ra cũng không có ruộng. Cả nhà chỉ có một xuất ruộng muối rộng 240m2 của chồng. Mình chị xoay sở lo kinh tế cho cả nhà vì chồng thường xuyên ốm đau. Đứa con thứ ba mới được 3 tháng tuổi chị đã phải mang đi gửi để ra đồng. Chị bảo, hôm nay nếu "chót lọt” (ý nói trời không mưa) chị sẽ có 60 ngàn đồng. Thu nhập chỉ có vậy nên đầu năm học vừa qua, cố xoay sở chị cũng chỉ lo được 500 nghìn đồng đóng học cho 2 đứa con đầu, trong khi giấy báo thu của nhà trường lên đến 5,2 triệu đồng. Số còn lại, chị bảo vẫn phải "khất” vì chưa biết trông vào đâu.
 
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chính buồn rầu cho biết, dân nghèo nên xã cũng nghèo. Thu ngân sách của xã mỗi năm chưa được 200 triệu đồng, phần lớn chi tiêu của xã dựa chủ yếu vào nguồn điều tiết của ngân sách cấp trên. Mới đây xã quy hoạch chuyển đổi 20 ha trong tổng số 102 ha đất làm muối của xã sang nuôi trồng thủy sản, trồng màu những mong mở hướng làm ăn mới cho người dân. Một số hộ cũng đã đăng ký chuyển đổi. Nhưng bắt tay vào thực hiện mới thấy khó vô cùng. Bao đời nay dân Hải Chính chỉ thạo làm muối, đã biết gì về trồng màu, nuôi thủy sản đâu. Vả lại, muốn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản cần lượng vốn lớn, cả trăm triệu đồng để cải tạo đồng ruộng. Lấy đâu ra? Thành thử đăng ký là đăng ký vậy thôi, trên thực tế 70% số hộ trong tổng số 1.145 hộ dân trong xã vẫn đang ngày ngày vật lộn trên những cánh đồng muối để đổi lấy đồng công rẻ mạt… 
 
Tương lai nào cho nghề muối?
 
Không cần sổ sách, ông Trần Văn Hồng-Phó phòng Nông nghiệp huyện Hải Hậu vẫn nhớ vanh vách những số liệu nói lên sự "teo tóp” nhanh chóng của nghề muối ở Hải Hậu những năm qua.
 
Theo ông Hồng, cách nay hơn chục năm, diện tích sản xuất muối của huyện vẫn còn đến trên 500 ha, tập trung ở các xã Hải Chính, Hải Lý, Hải Đông, Hải Triều, Hải Hòa. Sản lượng muối của xã khi đó lên đến hơn 50.000 tấn/năm. Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích sản xuất muối của huyện giảm mạnh, hiện tại chỉ còn 260 ha. Diện tích giảm nên sản lượng muối hàng năm của huyện cũng giảm theo, như những năm gần đây chỉ còn khoảng 26.000 tấn/năm. Ở một số xã như Hải Triều, Hải Hòa, Hải Xuân diện tích sản xuất muối còn lại trên thực tế không đáng bao nhiêu. Theo ông Hồng, từ lâu nhiều xã đã "đòi” huyện cho chuyển đổi 100% diện tích sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản, làm màu. Nhưng căn cứ vào thực tế huyện không cho. Huyện chủ trương cho chuyển đổi nhưng phải có lộ trình và không được chuyển hết. Hải Hậu quyết tâm giữa được khoảng 180 ha đất muối. Lý do muối là sản phẩm thiết yếu, tuy cho thu nhập thấp nhưng nghề muối vẫn đang tạo được nhiều việc làm, nhất là cho lao động nữ. Chuyển đổi sản xuất, số lao động dôi dư rất khó kiếm được nghề khác. Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng, muốn duy trì được nghề muối, Nhà nước phải có chính sách thiết thực hỗ trợ diêm dân. Trên thực tế lâu nay diêm dân chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước dù khó khăn không phải bây giờ mới có. Nếu để diêm dân "tự bơi” như hiện nay thật khó có thể giữ được nghề muối nhiều đời của cha ông. Vừa qua huyện Hải Hậu có triển khai chương trình hỗ trợ diêm dân ứng dụng công nghệ sản xuất muối sạch để nâng cao giá thành. Nhưng đến nay cũng mới chỉ áp dụng được trên khoảng 10 ha diện tích. Đặc biệt, theo ông Hồng,  trong khi Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thì cũng đừng có những chính sách làm ảnh hưởng đến diêm dân. Như chủ trương cho nhập khẩu muối vừa qua đã làm cho diêm dân vốn đã lao đao càng thêm lao đao vì giá muối giảm thê thảm. Họ đã khổ lắm rồi! Đừng làm họ khổ thêm nữa! 15 kg muối mới đổi được 1kg gạo thì diêm dân sống làm sao?
Nhập khẩu hơn 143.000 tấn muối
 
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, lượng muối nhập khẩu ước đạt 143.149 tấn, chủ yếu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Đáng chú ý là lượng nhập theo hạn ngạch thuế quan chỉ là 184 tấn. Lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất thời điểm 18-10-2012 khoảng 70.482 tấn, bằng 35,3% so với cùng kỳ. Trong đó, lượng tồn ở Miền Bắc khoảng 11.309 tấn, ở Miền Trung 47.896 tấn; và ở đồng bằng sông Cửu Long 11.277 tấn. Sản lượng muối tính đến 18-10 đạt khoảng 762.035 tấn, bằng 99,9% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, muối sản xuất thủ công đạt 540.068 tấn, bằng 91,3% so với cùng kỳ, muối sản xuất công nghiệp đạt 221.967 tấn, bằng 129,7% so với cùng kỳ.
D.P
Trần Duy Hưng
(
http://daidoanket.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập397
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại843,793
  • Tổng lượt truy cập93,221,457
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây