Minh bạch sản xuất
Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn đặt vấn đề: Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD. Cũng năm này, tôm nuôi trong nước đạt sản lượng 630.000 tấn, bên cạnh, nhập hơn 250.000 tấn tôm nguyên liệu với trị giá khoảng 1 tỷ USD. Vậy thực tế, tôm nuôi trong nước có bao nhiêu tiêu thụ nội địa, bao nhiêu chế biến xuất khẩu? Năng suất và sản lượng thực tế tôm nuôi nước ta, của tôm sú và tôm thẻ chân trắng, tiềm năng từng loại như thế nào? “Cần thống kê chính xác các số liệu thì mới định hướng được chính sách đúng”, ông Tuấn kết luận.
Vài nét ông Tuấn đưa ra đã khắc họa rõ diện mạo ngành tôm nước ta hiện nay: Cơ bản vẫn là tự phát với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giá thành cao hơn nhiều nước như Ấn Độ, Thái Lan. Cũng vì thế, thiếu các điều kiện để thúc đẩy liên kết, nâng cao giá trị ngành tôm, từ hạ tầng kỹ thuật đến tiêu chuẩn chất lượng. Việc liên kết hợp tác nuôi tôm đã ít ỏi mà trong số hợp tác xã và tổ hợp tác đã có, theo ông Tuấn, chỉ khoảng 30% sản xuất có hiệu quả.
Để thoát ra khỏi tình trạng ấy, ý kiến của doanh nghiệp cũng như nhà quản lý là phải minh bạch hóa đầu vào của sản xuất để thực thi các giải pháp nâng cao chất lượng. Về quản lý nhà nước, cần đổi mới theo hướng quản lý ngành sản xuất công nghiệp hiện đại. Cụ thể là, chuyển từ kiểm soát chất lượng từng khâu nhỏ lẻ hiện nay sang kiểm soát cả quá trình bằng hệ thống tiêu chuẩn và tổ chức ngành tôm thành ngành sản xuất có điều kiện. Từ sản xuất giống, thức ăn đến nuôi tôm phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước thì mới được tham gia.
Thay đổi quản lý giống
Ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Việt - Úc chia sẻ, nước ta sản xuất một năm khoảng 60 tỷ post, không thể kiểm dịch từng lô hàng mà phải quản lý từ gốc là cơ sở sản xuất giống. Nhà nước cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và cơ sở phải đạt mới được sản xuất giống. Như thế, con giống đưa ra thị trường luôn tốt mà quản lý không phải chạy theo kiểm dịch từng chuyến. “Quản lý vì sự phát triển của toàn ngành, không vì xóa đói giảm nghèo cho một số hộ để gây hại chung”, ông nói.
Đồng quan điểm, đại diện Cục Thú y khẳng định, cần loại bỏ việc kiểm dịch từng lô tôm giống như hiện nay, vì không thể thực hiện được đầy đủ khi ngành đã phát triển lên giá trị hàng tỷ USD. Mà phải quản lý cả quá trình, xét nghiệm suốt quá trình sản xuất giống, cơ sở sản xuất giống nào không đáp ứng được thì cấm hoạt động, chỉ giữ những cơ sở sản xuất giống an toàn dịch bệnh. Được như thế, mọi lô giống sản xuất ra đều đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân thừa nhận, sản xuất giống hiện nay còn nhỏ lẻ và việc mua bán len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, nếu quản lý bằng cách kiểm dịch như lâu nay là không làm được. Nên cần phải xây dựng quy chuẩn, đưa ra điều kiện sản xuất để các cơ sở sản xuất giống chấp hành. Ông cho biết, Tổng cục vừa yêu cầu các địa phương hàng tháng báo cáo hoạt động kiểm tra, “việc này phải làm liên tục mới có kết quả, nếu địa phương nào không báo cáo cũng có nghĩa là không làm việc”.
Chặt chẽ chuỗi sản xuất
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết thực trạng nhức nhối, khoảng 40% tôm nguyên liệu mua về nhà máy khi kiểm nghiệm phát hiện nhiễm kháng sinh. Việc kiểm nghiệm nhiều lô hàng nguyên liệu nhỏ lẻ làm tăng giá lên bình quân 6.000 đồng/kg, chưa kể phí kiểm nghiệm ở thị trường nhập khẩu. Ông khẩn thiết: “Tất cả các khâu trong chuỗi đá bóng về doanh nghiệp chế biến, buộc doanh nghiệp phải làm đủ các chứng nhận chất lượng từ giống, thức ăn, nuôi đến chế biến, vậy cả quá trình không ai kiểm soát?”.
Chung bức xúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng Trần Văn Phẩm kêu lên: “Nhà chế biến rất khổ, muốn bán tôm phải làm hết các chứng nhận”. Ông kể, yêu cầu nhà sản xuất thức ăn, giống, nuôi tôm làm chứng nhận nhưng họ không làm và cũng không bị sao cả. “Trong nhà máy phải tiết kiệm từng tý mới có lời, lại còn phải lo ngoài nhà máy nữa là vượt quá khả năng, mong quản lý nhà nước quan tâm”, ông kiến nghị.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, ông Phạm Thái Nguyên ở Biobest Việt Nam chia sẻ, đang triển khai dự án “nhóm nuôi tôm có trách nhiệm” để xây dựng chuẩn chất lượng. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp trang web cho các hộ nuôi tôm ghi nhật ký điện tử. Tất cả đầu vào được ghi chép đầy đủ, đảm bảo sản phẩm sau này truy xuất được nguồn gốc hàng ngày. Kỳ vọng, xây dựng được quy trình nuôi tôm đạt chứng nhận chất lượng với giá thấp, nông dân có lời sẽ tích cực thực hiện.
>> Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân: Phải liên kết chuỗi thì mới phát triển và quản lý từ gốc để đảm bảo chuỗi an toàn, như kháng sinh phải kiểm soát không cho đến được ao nuôi. Để đạt hiệu quả, cần công - tư kết hợp. Trong đó, quản lý nhà nước xây dựng các quy trình, quy chuẩn và hướng dẫn thực thi. |
Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã