Tham dự hội thảo có TS. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cùng đại diện Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một số trung tâm nghiên cứu gia cầm, doanh nghiệp, trang trại trên địa bàn cả nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2017, tổng giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi đạt khoảng 210 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi gia cầm chiếm vị trí thứ 2 sau chăn nuôi lợn, đạt 43 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2005 - 2017, chăn nuôi gia cầm vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 5,0%/ năm về đầu con, 8 - 10% về sản lượng thịt, trứng; cơ cấu giống, phương thức sản xuất thay đổi theo hướng tích cực; đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến; sản phẩm gia cầm đã được xuất khẩu vào thị trường chính ngạch và một số thị trường khó tính.
Bởi vậy, tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp phát triển ngành Chăn nuôi gia cầm theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn mới.
Theo đó, các giải pháp được các đại biểu đề xuất tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: Quy hoạch hệ thống sản xuất giống gia cầm, giải pháp quản lý; chính sách, đầu tư; giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi; Các biện pháp an toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi gia cầm; tổ chức lại sản xuất.
Đề xuất những giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm trong đàn vật nuôi, đến nay, tổng đàn gia cầm của Nghệ An đã đạt gần 22,5 triệu; tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt trên 28,9 nghìn tấn (đứng thứ 3 cả nước).
Nghệ An sẽ rà soát lại các vùng chăn nuôi gia cầm gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường; Tiếp tục chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi sử dụng các giống gia cầm có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất; Khuyến khích phát triển các giống gia cầm bản địa, giống đặc sản chất lượng cao; Hướng dẫn người dân phát triển sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại chăn nuôi; liên kết trực tiếp với DN hoặc thông qua tổ hợp tác HTX.
Theo TS. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm ở nước ta theo nhu cầu thị trường; chú trọng các dòng sản phẩm chất lượng cao, các loại giống đặc sản của địa phương.
Cùng với đó, tập trung tổ chức lại sản xuất, mô hình sản xuất theo chuỗi; xem xét lại các mô hình chăn nuôi gia công có sự giám sát chặt chẽ, tránh gây thiệt hại, rủi ro cho người chăn nuôi và đảm bảo vệ sinh môi trường, đồng thời thúc đẩy các loại hình sản xuất khác gắn với DN và HTX; cần rà soát, sửa đổi các quy định, chính sách mới về chăn nuôi; Tăng cường phổ biến các tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân.
Các đơn vị nghiên cứu khoa học cần kết nối chặt chẽ hơn nữa với các DN, HTX, hộ nuôi, theo hình thức liên kết 4 nhà kịp thời hỗ trợ chăn nuôi hiệu quả hơn; trước mắt cung ứng nguồn giống chất lượng tốt, ổn định./.
Theo baonghean.vn