Học tập đạo đức HCM

Nghịch lý tôm tăng giá…

Thứ ba - 02/10/2012 20:24
Như thành thông lệ, khi con tôm được mùa thì mất giá, được giá thì thất mùa. Nghịch lý ấy tồn tại dai dẳng hơn chục năm qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần được các nhà quản lý, doanh nghiệp, người nuôi chung tay giải quyết…

Thu hoạch tôm sú nhà anh Tiếp, đạt sản lượng nhưng gặp lúc giá thấp.

Ngỡ ngàng giá tôm…

Sau hơn một tháng kể từ ngày thu hoạch, 10 đầm nuôi tôm sú công nghiệp của anh Lâm Văn Tiếp (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu) đã xong phần cải tạo. Đang chuẩn bị xử lý phần nước, chọn giống có chất lượng để tái vụ nuôi mới thì bất ngờ anh Tiếp hay tin con tôm sú tăng giá. Anh tiếc hùi hụi bởi nếu dự đoán được tôm tăng như vậy, anh đã chậm thu hoạch số đầm tôm nêu trên... Từng là kỹ sư chuyên ngành, gắn bó lâu năm trong nghề, chỉ dẫn, khuyến cáo nhà nông đủ mọi chuyện cốt sao nuôi tôm, nuôi các loài thủy sản… hiệu quả nhất. Vậy nhưng, khi trực tiếp dấn thân vào nghề, anh Tiếp mới nhận ra nghề nuôi tôm không dễ ăn…"Biết dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi nuôi sú dạng thưa, đỡ tốn chi phí, lỡ có dịch bệnh cũng thiệt hại ít. Tới lúc thu hoạch, tôm đạt sản lượng nhưng giá quá bèo, lời mỏng. Kinh nghiệm cỡ này mà còn bị hớ…" - anh Tiếp bỏ lửng câu nói, mặt buồn xo. 

Cùng cảnh như anh Tiếp, nông dân Nguyễn Văn Đấu, ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) mới bán 4 tấn tôm sú cách nay gần tháng với giá chỉ 112.000 đồng loại 30 con/kg, ngỡ ngàng trong tiếc nuối: "Cũng tôm cỡ đó nhưng 10 ngày sau nó tăng lên 135.000đồng/kg. Biết vậy nán lại ít hôm mới thu hoạch..." .

 

Không riêng trường hợp anh Tiếp và anh Đấu, tiếp xúc với một số nông dân nuôi tôm sú vùng Cà Mau, Sóc Trăng đã thu hoạch xong vụ tôm, ai cũng ngỡ ngàng đến tiếc nuối vì giá tôm bất ngờ tăng - tăng trong thời điểm bà con không còn tôm hoặc còn quá ít để bán. Tại Sóc Trăng-nơi có trên 13.500ha nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp vụ nuôi 2012 nhưng phần lớn đã bị chết buộc tỉnh này phải công bố dịch bệnh. Phần diện tích thả nuôi còn lại (khoảng 15.000ha) theo hình thức luân canh tôm-lúa nhưng hiện tại đã hết vụ tôm, nhà nông đang sạ vụ lúa trên đất tôm. Bạc Liêu cũng trong tình trạng na ná vậy.

Ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục Trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Đầu vụ nuôi tới nay có trên 50% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh bị chết do dịch bệnh, mức độ thiệt hại gần như hoàn toàn. Số còn lại sản xuất cầm chừng dạng thả thưa, sản lượng không nhiều. Riêng các vùng mới chuyển đổi như Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai… luân canh tôm-lúa nhưng đang vào vụ làm lúa, tôm chỉ thu mót.

Tại Cà Mau, tình cảnh cũng không khá hơn khi đầu vụ nuôi tới nay có trên 13.000ha tôm nuôi bị bệnh và còn diễn biến phức tạp. Ngành chức năng cho hay, phần lớn đầm tôm công nghiệp, bán công nghiệp bị bệnh chết, số còn lại cũng vừa thu hoạch xong, hiện đang cải tạo để nuôi nối vụ, canh thu hoạch cận và sau Tết Nguyên đán. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau, riêng loại hình nuôi phổ biến ở Cà Mau là quảng canh, hiện đang trong giai đoạn sên vét, cải tạo ao đầm tập trung, người nuôi tôm hạn chế lấy nước và thu hoạch tôm, sợ nhiễm dịch bệnh qua nguồn nước sông ô nhiễm. Do vậy, lượng tôm thu hoạch trong dân thấp hơn nhiều so với 2 tháng trước đó.

Tìm hiểu được biết, tôm bất ngờ tăng giá không phải do giá tôm thế giới tăng mà do các nước nuôi tôm xuất khẩu lớn cạnh tranh với Việt Nam  (Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc...) đã hết tôm. Trong khi đó, nguồn tôm nội địa bị dịch bệnh kéo dài, hết vụ thu hoạch và đang tái vụ nuôi mới nên nguồn hàng khan hiếm. Trước thực tế ấy, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thu mua theo hướng có lợi cho nông dân. Song, dù có tăng giá nhưng nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Chỉ riêng tại Cà Mau, 32 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản, tổng công suất được thiết kế trên 190.000 tấn thành phẩm/năm. Để có lượng hàng thành phẩm trên cần 280.000 tấn tôm nguyên liệu. Trong khi đó sản lượng tôm nguyên liệu năm 2011 tỉnh này chỉ khoảng 132.000 tấn, chỉ đáp ứng khoảng 50% công suất cho nhà máy chế biến.

Đừng để người nuôi tự "bơi"

Dù hiện tại giá tôm tăng nhưng theo ngành chức năng, mức giá ấy so với cùng kỳ năm 2011 vẫn còn thấp hơn từ 20.000-60.000đồng/kg (tùy kích cỡ tôm).

Theo những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, con tôm chủ yếu xuất khẩu, phải cạnh tranh nên phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Như năm nay, tôm nước ta thất mùa nhưng mấy nước đó trúng đậm nên giá tuột. Tại thời điểm này, các nước hết tôm, ta cũng cạn tôm nên giá mua tăng là đương nhiên chứ doanh nghiệp không đè giá.

Kể từ ngày con tôm được "xuất ngoại", nghề nuôi tôm ĐBSCL không ngừng phát triển và được người dân tôn sùng vì là một trong những nghề mang về ngoại tệ lớn. Song, trước thực tế đã và đang diễn ra cho thấy ngành nghề này từ "giai đoạn chạy" chuyển sang "đi khập khiểng" vì có quá nhiều chuyện bất ổn. Cụ thể, nghề nuôi bộc phát trước quy hoạch nên thủy lợi chưa đồng bộ; nhà máy chế biến thủy sản tràn lan, một số được tập trung vào khu công nghiệp, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường dân cư, sông ngòi, kênh rạch; giá cả con tôm "nhảy múa" liên tục trong khi người trực tiếp làm ra con tôm hầu như thông qua hàng xáo và đại lý chứ họ không định đoạt được giá bán trong khi công tác dự đoán, dự báo chưa thật sự tốt, khó định hướng người sản xuất… Trong tình thế ấy, nông dân là người thiệt thòi nhiều nhất.

Được mệnh danh là "vua tôm sú", ông Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu), đề xuất: "Chúng ta ùn ùn khai thác, tận thu chứ chưa tính tới yếu tố môi trường. Tôi nói hơi bị đụng chạm nhưng thực tế khu nuôi nhà tôi qua thời gian dài cho thấy, môi trường bị ô nhiễm trầm trọng. Cái đó phần lớn do xài thuốc thủy sản. Họ bán thức ăn, bán thuốc thu lời… chứ chưa hề chịu trách nhiệm về tác hại của thuốc đến môi trường. Về lâu về dài, cần thay đổi quan điểm phát triển nghề nuôi tôm từ số lượng sang chất lượng. Theo tôi nên áp dụng nuôi thưa, nuôi theo mô hình sinh thái, gần gũi với thiên nhiên, nuôi luân canh, hoặc kết hợp với cua, sò, cá… vừa khắc phục ô nhiễm - vừa tăng thêm nguồn thu; tăng cường đầu tư chất lượng tôm giống, đầu tư hệ thống thủy lợi đang thiếu và yếu; triển khai rộng rãi bảo hiểm cho người nuôi tôm, gắn kết người nuôi với nhà máy chế biến…

Vùng chuyên tôm ĐBSCL, có không ít người mau chóng đổi đời, tậu xe hơi, cất nhà lầu nhờ con tôm nhưng gần đây, không ít hộ khó khăn thậm chí phá sản cũng vì nghề nuôi này. Đến nỗi một số ngân hàng phải lắc đầu với con tôm bởi rủi ro quá cao. Nhà nông cần cù, chịu khó, chăm bẵm làm theo khuyến cáo, sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Song, đầu ra cho sản phẩm này luôn gặp bất ổn, thiệt thòi…

Nguồn: Báo Cần Thơ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập119
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm117
  • Hôm nay46,643
  • Tháng hiện tại1,013,976
  • Tổng lượt truy cập92,187,705
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây