Mất tiền tỷ vì cả tin
Người ta có thể đặt nhiều câu hỏi xung quanh những vụ việc xảy ra với thương lái Trung Quốc. Nông dân Việt từ xưa đến nay chỉ biết chăm chỉ làm ăn, việc trao đổi nông sản, hàng hóa dựa trên mức độ tin cậy, thân tình. Và nhiều đời nay thương lái Việt Nam cũng giao dịch với bà con mình dựa trên cái thuyết trọng tình như thế. Có lẽ lợi dụng điều này, thương lái Trung Quốc đã "làm mưa làm gió" ở nhiều vùng quê. Nhưng nhìn vào cách làm của họ, người ta sẽ không tin điều đó đơn giản chỉ vì lợi nhuận kinh tế.
Nhiều nhà vườn, tiểu thương ở Tiền Giang đang "ngồi trên lửa" vì bán trái cây cho thương lái Trung Quốc mà không có hợp đồng.
Sự việc bắt đầu cách đây hơn 2 tháng khi thương lái Trần Thị Ngọc Loan từ xã Hàm Minh (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) tìm đến xã Quơn Long (Chợ Gạo - Tiền Giang) đặt vấn đề thu mua trái thanh long với giá cao để xuất sang Trung Quốc. Ban đầu bà này thu mua, trả tiền sòng phẳng với giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Sau vài chuyến đầu, bà Loan yêu cầu các thương lái gom hàng với số lượng lớn, nhưng khất sẽ trả tiền sau và cuối cùng là mất hút. Cho đến giờ, ông Nguyễn Văn Phong, chị Nguyễn Thị Ngọc Liên và rất nhiều thương lái ở Quơn Long vẫn chưa hết bàng hoàng vì bị mất số tiền lớn (có thể lên đến gần 1 tỷ đồng). Ông và những nạn nhân khác chỉ còn biết nhờ đến sự can thiệp, giúp đỡ của chính quyền địa phương và ngành chức năng.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 5, nông dân Cà Mau cũng điêu đứng vì có một nhóm thương lái Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du kịch đi thu gom cua, cá, sau đó quỵt nợ, trong đó đối tượng A Kiều bị dân tố cáo nợ hơn 10 tỷ đồng tiền mua cua. Được biết, A Kiều đã tham gia thu mua cua ở thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) 4 - 5 năm nay, ban đầu ông ta thanh toán tiền rất đúng hạn, thậm chí còn trả trước, sau đó cứ khất lần và cuối cùng là bỏ trốn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện Năm Căn có khoảng 20 thương lái Trung Quốc đến thu gom nông sản (đó là chưa kể những đối tượng không trình báo); thậm chí lúc cao điểm có thể lên đến 60 - 70 người. Họ không đăng ký kinh doanh mà "núp bóng" các vựa cua ở địa phương để trốn thuế một cách an toàn. Tuy nhiên, khi được hỏi về thực trạng này, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau trả lời: "Chưa nghe báo cáo về vụ việc".
Hệ lụy
Chưa bao giờ "vựa" dừa Bến Tre lại khó khăn đến thế, bởi trong vài tháng gần đây, giá dừa giảm mạnh nhưng vẫn rất khó bán, trong khi thương lái Trung Quốc, vốn là những người nhiệt tình "săn" dừa mấy vụ trước chẳng thấy bóng dáng đâu. Nông dân chán nản, chặt bỏ vườn dừa được gây dựng bằng mồ hôi nước mắt, chặt bỏ cả những khát khao, mơ ước làm giàu từ loài cây truyền thống này, chặt bỏ cả một thương hiệu được gây dựng từ ngày mở cõi. Dường như cây dừa khó tìm được chỗ đứng ngay cả ở nơi được coi là "xứ sở của dừa". Phải chăng, đây mới là cái đích mà thương lái nước ngoài hướng đến?
Thời điểm này, giá dừa chỉ còn khoảng 800 đồng/trái, bèo bọt đến mức có bán cả chục dừa (12 trái) bà con cũng không mua nổi 1kg gạo. Vậy thì giữ lại những rặng dừa làm gì khi cuộc sống cơm áo gạo tiền đang thúc ép. Tại xã Phong Mỹ (Giồng Trôm - Bến Tre), người làm nghề đốn cây đang làm không hết việc vì nhiều người kêu đốn dừa. Theo anh Trần Văn Tiển, một người làm nghề, thời gian gần đây, anh đã đốn cả ngàn cây dừa của 200 hộ dân trong xã.
Người trồng thì "dứt tình" với dừa, còn các chủ vựa thì ôm một đống hàng chất cao như núi và phần lớn đã lên mộng. Nguyên nhân được Sở Công Thương Bến Tre lý giải là do nguồn cung lớn nhưng sức mua các sản phẩm từ dừa trên thế giới giảm. Cụ thể, năm 2012, sản lượng dừa trái của các nước tăng 20%, trong khi giá các sản phẩm từ dừa giảm mạnh, chẳng hạn, giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu giảm từ 2.730 USD/tấn hồi tháng 9/2011 xuống còn 1.150 USD/tấn hiện nay. Nhưng có một lý do ai cũng hiểu mà không muốn nói ra là lâu nay việc tiêu thụ dừa phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thời còn "mặn mà", thương lái Trung Quốc đưa tàu vào tận TP.Bến Tre mua hàng triệu trái dừa/ngày nhưng hiện nay sản lượng dừa Trung Quốc thu mua giảm tới 70%. Không những thế, họ còn chi phối cả các sản phẩm làm từ dừa khiến nhiều hộ sản xuất ở Bến Tre phải ngừng hoạt động. Tại xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre), có ngày lãnh đạo xã phải ký trên 30 đơn xin tạm nghỉ kinh doanh của các hộ sản xuất thạch dừa. Hiện, chỉ còn 20/67 cơ sở duy trì hoạt động.
Nguồn cơn của tình trạng này có lẽ cũng bắt đầu từ việc thu mua ồ ạt của thương lái Trung Quốc. Nhưng sau khi thống lĩnh thị trường, sau khi biết có đến 90% sản lượng thạch dừa trong tỉnh Bến Tre do thương lái Trung Quốc bao tiêu thì họ bắt đầu hạ giá, từ 3.950 đồng/kg thạch thô xuống còn 1.300 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết, không chỉ thu mua, người Trung Quốc còn đến Bến Tre thuê đất, trực tiếp điều hành sản xuất thạch dừa theo quy trình của họ. Vấn đề là quy trình sản xuất của họ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu thạch dừa Bến Tre.
Sau bao bài học khi làm ăn với thương lái Trung Quốc, nông dân Việt vẫn bị lừa, vì tâm lý hám lợi trước mắt hay vì những lời đường mật? Nhưng nhìn động thái chưa thực sự chủ động của các cấp chính quyền, với câu trả lời chung chung: "Không rõ", "không nắm được" thì có thể những vụ việc như thế sẽ còn tiếp diễn. Hậu quả trước mắt nông dân gánh chịu, còn hệ lụy lâu dài thì không thể đong đếm được trong ngày một ngày hai.
Khánh Nguyên
Nguồn:kinhtenognthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã