Nhà vườn phấn khởi Năm nay nhà vườn ĐBSCL đón tết trong không khí phấn khởi, nhờ trái cây được giá. Tại Bến Tre, những ngày giáp tết, giá bưởi da xanh tăng mạnh, từ 50.000 - 53.000 đồng/kg, tăng 70% - 80% so với năm trước. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay mà người trồng bưởi bán được tại vườn. Giá bưởi tăng mạnh trong dịp tết do sản lượng giảm và cũng do bưởi là một trong những loại quả được chưng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết. Dù sản lượng giảm mạnh nhưng cơ sở Hương Miền Tây, xã Phước Mỹ Trung (Mỏ Cày Bắc) vẫn đưa ra thị trường tết năm nay khoảng 100 tấn bưởi da xanh, giảm 2/3 so với tết năm ngoái.
Ông Võ Văn Sở (xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre) tâm đắc: “Nhờ trúng 5 công bưởi tết, nhà tôi mua được xe máy tay ga trị giá 70 triệu đồng ăn tết”. Cùng với bưởi da xanh đặc sản, dừa Bến Tre dịp tết này cũng tăng giá mạnh nhờ dừa là một trong năm loại quả trong mâm ngũ quả chưng trong ngày tết của người dân Nam bộ. Dừa lấy cơm có giá từ 36.000 đồng/chục tăng lên 45.000 đồng/chục. Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Năm (ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Hòa, TX Bình Minh) phấn khởi nói: “Năm nay dù bưởi Năm Roi bị sâu gây hại khá nhiều nhưng bù lại nông dân trồng trúng giá bưởi tết. Nhà tôi trồng 8 công bưởi, tết này bán tết được 2 tấn với giá 25.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Do lượng bưởi tết ít trong khi nhu cầu cao nên hộ ở đây còn bán được với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg vào những ngày cận tết. Nhờ 1.300ha bưởi năm roi được giá mà tết này, nông dân chúng tôi ăn tết khá rôm rả”. Trong khi đó, nông dân trồng xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang) cũng trúng lớn mùa xoài tết với giá cao 75.000 - 80.000 đồng/kg, cao hơn tết năm rồi 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nông dân trồng quýt đường Long Trị cũng ăn tết rôm rả nhờ trúng lớn mùa tết. Ông Lê Văn Khải, Chủ nhiệm HTX quýt đường Long Trị (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho biết: Trước tết thương lái đến đặt hàng tết đã nâng giá khá cao, từ 22.000 - 28.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 12.000 đồng/kg so với năm trước và cao nhất từ trước đến nay. Dịp tết này, HTX đã cung ứng 50 tấn quýt đường cho thị trường. Nhờ giá cao, tết này bà con xã viên đạt thu nhập cao kỷ lục, 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều nông dân nuôi cá tra, trồng lúa đón tết không xôm tụ, nhiều ưu tư bởi sản xuất, thị trường còn nhiều điều bất lợi. Ông Nguyễn Văn Dũng, một nông dân nuôi cá tra quy mô lớn ở Cần Thơ, nói: “Cả năm 2012, với 8ha ao nuôi cá tra, tôi lỗ gần 4 tỷ đồng. Tôi co cụm diện tích nuôi lại không tới 2ha, vì không còn vốn để tái đầu tư, cũng không thể vay thêm ngân hàng. Thật sự với tình hình hiện nay, giá cá chỉ dao động 19.000 - 21.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành 2.000 - 4.000 đồng/kg thì mình không dám đầu tư”. Hoa tết: Nơi hút hàng, nơi ứ đầu ra Với những khoảng đất gò cao, bờ kênh trồng lúa trước đây, từ năm 2010 đến nay, nhiều nông dân xã Tân Khánh Đông (TX Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã áp dụng mô hình trồng cúc Tiger trên đất lúa. Nhiều hộ nông dân cho biết, lợi nhuận từ trồng cúc Tiger đem lại cao hơn 6 - 8 lần so với trồng lúa. Vào vụ hoa Tết 2013, nông dân xã Tân Khánh Đông đã trồng khoảng 20ha theo cách này. Anh Trần Thanh Tuyến (ấp Khánh Nghĩa, xã Tân Khánh Đông) cho biết, trước đây với nghề trồng lúa và hoa màu như dưa leo, dưa hấu, thu nhập của gia đình anh chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha, nhưng từ khi áp dụng mô hình trồng cúc Tiger trên đất lúa, anh thu về lợi nhuận khá cao. Trong khi đó, từ trước tết, thương lái đã đổ xô về Tân Phước (Tiền Giang) tìm dứa phụng bày tết với giá 600.000 đồng/cặp (loại đặc biệt), 300.000 - 400.000 đồng/cặp (loại tốt), tăng gần gấp đôi so với năm trước. Nông dân vùng Đồng Tháp Mười, huyện Tân Phước, Tiền Giang, nơi cung ứng dứa phụng cảnh trên thị trường tết hết sức phấn khởi bởi sản phẩm độc đáo này có giá, lợi nhuận cao. Ông Hà Văn Bảy (xã Thạnh Mỹ,Tân Phước) trồng trên 1.000 gốc dứa phụng, thu hơn 30 triệu đồng, đủ ăn một cái tết tươm tất trên miền đất mới Đồng Tháp Mười một thời gian khó. Ông Nguyễn Văn Hứa, trồng hoa ở ấp Tân Hòa, xã Giai Xuân (Phong Điền, Cần Thơ) kể, ông trồng 2.000 giỏ hoa cúc, mới bán được 400 giỏ. “Năm nay tiêu thụ chậm lắm, thua xa năm ngoái”, ông Hứa nói. Ông Năm Bình (Cái Răng, Cần Thơ) có gần 1.000 giỏ hoa cúc bán tại khu vực xây dựng cầu vượt vòng xoay C3 cầu Cần Thơ kể: “Chuyện lời lỗ tính sau, nhưng khổ nhất là việc ăn uống, vệ sinh cá nhân và nước tưới hoa. Người bán hoa phải “tùy cơ ứng biến”, nước tưới hoa nếu gần sông thì múc lên, xa sông thì mua, còn vệ sinh cá nhân, đa phần nhờ cậy bà con xung quanh”. Có lẽ những người trồng hoa như ông Năm Bình đều mơ ước tết năm sau sẽ được bố trí buôn bán ở chợ hoa tập trung, có các dịch vụ phục vụ nhu cầu tối thiểu. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã