Sản xuất nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng không kém gì sản xuất công nghiệp, theo nghiên cứu mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) về sản thách thức ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, Trung Quốc và Philippines. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra một viễn cảnh đầy hy vọng với các giải pháp kỹ thuật sẵn có và ý chí chính trị mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề này.
Xử lý ô nhiễm nông nghiệp không phải là một nhiệm vụ đơn giản |
“Tăng trưởng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực và đưa hàng triệu người thoát nghèo đói ở khu vực Đông Á trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với cái giá cao là dẫn đến ô nhiễm đất, nước và không khí”, bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch về Phát triển bền vững của WB phát biểu.
Nghiên cứu của WB cho biết, tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính nếu không muốn nói là hàng đầu làm ô nhiễm đất, không khí và nước. Hàm lượng thuốc hoặc hóa chất quá mức trong thực phẩm cũng ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế. Ô nhiễm trang trại thường lan truyền rộng và vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ngay cả khi tình trạng này đang gia tăng.
Bởi vậy, đầu tư vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm là quan trọng nhằm đảm bảo rằng lợi ích thu được từ phát triển trong nông nghiệp là bền vững. Báo cáo cũng đưa ra phương thức để khu vực công có thể cải thiện vấn đề này và hướng nguồn lực tới các ưu tiên xử lý ô nhiễm; bắt buộc và tạo động lực cho nông dân có quy mô sản xuất và năng lực khác nhau sản xuất theo các cách hiệu quả hơn; hỗ trợ đổi mới sáng tạo và học hỏi để kiểm soát được thách thức ô nhiễm và cấu trúc lại khu vực nông nghiệp để tăng trưởng bền vững hơn.
“Việc định hướng lại chính sách công và chi tiêu cho kiểm soát ô nhiễm có thể mang lại lợi ích cho cả nông dân và người tiêu dùng. Ngân hàng Thế giới cam kết giúp các nước thực hiện cam kết này”, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB khẳng định.
Với sứ mạng là chấm dứt nghèo đói, một phần hoạt động của WB là hỗ trợ cho các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp ở khu vực Đông Á và trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, nguồn tài chính của WB sẽ giúp nhân rộng các thực tiễn tốt và sáng tạo về nuôi trồng thủy sản giúp nâng cao năng suất tôm, đồng thời giảm ô nhiễm nước cho khoảng 100.000 ha trong vòng 5 năm tới ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nâng cao sinh kế và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu của nông dân.
Việt Nam cũng đang nhân rộng việc áp dụng bể phân hủy khí sinh học (biogas) trong hoạt động chăn nuôi và thúc đẩy việc sử dụng phân bón và hóa chất nông nghiệp hợp lý hơn trong nhóm nông dân trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Linh Linh//thoibaonganhang.vn