Học tập đạo đức HCM

Nuôi tôm trong ao lót bạt, lươn không bùn…

Chủ nhật - 05/08/2018 01:58
Nuôi lươn trong bể không bùn; tôm trong ao lót bạt; thị trường cá giống bắt đầu sôi động… là những tin tuần qua tại nhiều địa phương.

Hoàng Mai: Nuôi tôm trong ao lót bạt có giá 160.000 đồng/kg

Năm nay, trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), có 535 ha nuôi tôm, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, các hộ nuôi đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch, với niềm vui được mùa, được giá.

 Gia đình ông Vũ Văn Lợi ở khối 2, phường Quỳnh Xuân có 5 ao nuôi tôm với tổng diện tích hơn 9.000 m2.  Trong đó có 2 ao lắng, 1 ao ươm, 2 ao nuôi. Năm nay diễn biến thời tiết khắc nghiệt, song gia đình đã đầu tư trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới lót bạt đen, xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí ô xy cùng với kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch tốt nên tôm phát triển nhanh.

 

ao-tom-999.jpg

 Ông Vũ Văn Lợi, phường Quỳnh Xuân thu hoạch tôm vụ 1

Sau khi mua tôm giống về ông Lợi cho vào ao ươm trong thời gian 1 tháng mới đưa vào ao nuôi. Đến nay, sau 95 ngày nuôi, trọng lượng tôm đạt từ 38 - 40 con/kg, sản lượng đạt 8,5 tấn; với giá bán hiện nay 160.000 đồng/kg ông Lợi thu về hơn 1,3 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Nam Hải, khối 6, phường Mai Hùng lại có phương pháp kỹ thuật nuôi khác với nhiều hộ trong vùng. Với 3.000 m2 diện tích ao nuôi và 2 ao lắng, mỗi năm anh luân hiên nuôi xen kẽ giữa các ao. Nếu vụ này thả tôm thì vụ sau sẽ làm ao lắng, cứ như vậy, các ao nuôi quay vòng cuốn chiếu, đảm bảo thời gian quy trình xử lý ao đầm, nguồn nước.

Bên cạnh đó, anh Nam thả tôm với mật độ vừa phải từ 80 -120 con/m2. Những yếu tố nói trên đã giúp cho diện tích tôm của gia đình anh luôn phát triển tốt. Vụ tôm năm nay do điều kiện mưa bão về sớm nên đã thu hoạch sớm hơn theo dự kiến.


"Khâu cải tạo ao hồ người nuôi phải có những cách để phòng được những dịch bệnh ban đầu. Quá trình chăm sóc cũng phải theo sát hàng ngày như điều kiện môi trường, thời tiết để xử lý kịp thời. Như khi trời mưa nhiều sử dụng các yếu tố về khoáng, vôi để cân bằng hệ thống môi trường ao nuôi cho ổn định sẽ đỡ dịch bệnh" - anh Nguyễn Nam Hải chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đăng Tài - Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Hoàng Mai, năm nay bà con nuôi tôm trên địa bàn chấp hành nghiêm túc lịch thời vụ của Sở Nông nghiệp; tiếp tục đầu tư các tiến bộ khoa học vào sản xuất nên kết quả đạt khá cao. Các hộ nuôi đang tích cực thu hoạch, sản phẩm được thương lái thu mua tại hồ với giá 160.000 đồng/kg loại 38 - 40 con/kg.

Cần Thơ: Nuôi lươn trong bể không bùn

Ông Nguyễn Hồng Dũng làm 4 bể lót bạt nuôi lươn không bùn. Sau 7 tháng nuôi, mỗi bể gia đình ông thu được 2 tạ lươn thịt, lãi 12 triệu đồng, tính chung cả 4 bể số tiền lãi hơn 80 triệu đồng.

luon-can-tho-991.jpg

Nuôi lươn trong bể hộ gia đình ông Dũng

Phong trào nuôi lươn đã và đang phát triển mạnh ở nhiều nơi trên địa bàn Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt,…(Cần Thơ) với đa dạng các hình thức nuôi nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất.

Tuy nhiên, với kiểu nuôi này đã bộc lộ những mặt hạn chế nhất định như khó quản lý về số lượng, thức ăn dư thừa, dịch bệnh và tỷ lệ hao hụt cao,…Đồng thời việc đầu tư một lượng đất khá lớn vào bể nuôi góp phần làm gia tăng giá thành sản phẩm và giảm hiệu quả. Hiện,  xã Thạnh Phú – huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) nhiều hộ nuôi lươn đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi lươn mới (không bùn trong bể lót bạt), kết quả đem lại khá khả quan.

Ông Nguyễn Hồng Dũng, ngụ ấp Phước Lộc là hộ nuôi điển hình thành công với mô hình này. Sau nhiều năm gắn bó với nghề, ông không ngừng mở rộng thêm bể nuôi lươn, đến nay đã được 4 bể với diện tích gần 100m2.

Ông Dũng cho biết: “Trước đây, tôi chủ yếu sống bằng nghề nông chỉ với khoảng 3.000m2 đất canh tác lúa, làm lụng cực khổ, vất vả nhiều năm nhưng thu nhập từ cây lúa không đáng là bao, cuộc sống lao đao, thiếu thốn đủ điều. Khi thấy bà con nhiều nơi nuôi lươn đem lại lợi nhuận khá cao nên tôi đã nảy sinh ý định và từ đó bắt tay vào việc nuôi lươn. Lúc đầu, tuy gặp không ít khó khan, nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ham học hỏi  tay nghề đã nâng lên”.

Lươn nuôi cần phải qua quá trình thuần dưỡng để quen dần với thức ăn. Không nên cho lươn ăn ngay khi vừa thả nuôi, mà phải bỏ đói 2 – 3 ngày. Thức ăn cho lươn chủ yếu bắt từ tự nhiên: cua, ốc, cá tạp, tép,… và thức ăn công nghiệp.

Mỗi ngày cho lươn ăn 1 – 2 lần, lượng cho ăn bằng 5 – 7% trọng lượng lươn trong bể (nếu cho ăn nhiều lươn tham ăn dễ bội thực và chết, cho ăn thiếu lươn chậm lớn), thức ăn cho vào sàn đặt ở vị trí cố định, cho lươn ăn đúng giờ (thường bữa chính từ 16 – 18 giờ).

Sau mỗi lần cho ăn, cần tiến hành vớt bỏ thức ăn thừa, tránh ô nhiễm môi trường nước. Khi trời âm u, mưa, lạnh: phải giảm bớt lượng thức ăn. Đồng thời, thức ăn cho lươn không nên thay đổi một cách đột ngột, phải thay từ từ để lươn thích nghi; giai đoạn đầu khi thả nuôi, thức ăn phải cung cấp đầy đủ, không để lươn đói vì chúng sẽ ăn nhau, giảm tỷ lệ sống. Định kỳ 7 ngày trộn vitamin C, men tiêu hóa vào thức ăn cho lươn/lần.

 Nhận xét về mô hình nuôi lươn không bùn sử dụng giá thể là trà tre và rau trong bể lót bạt của ông Nguyễn Hồng Dũng, chị Phạm Thị Tuyết Anh – Cán bộ Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư Thành phố cho biết: “ông Dũng là người đầu tiên của xã tìm ra cách nuôi lươn mới, đem lại hiệu quả cao và cung ứng sản phẩm lươn sạch cho thị trường. Mô hình của ông đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người nuôi lươn địa phương học hỏi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức  ăn để tăng đề kháng và khả năng tiêu hóa cho lươn

TP. Cần Thơ: Thị trường cá giống bắt đầu sôi động

Thời điểm này, sức mua nhiều loại cá giống trên thị trường Thành phố Cần Thơ  bắt đầu tăng cao. Giá nhiều loại cá giống hiện đã có xu hướng nhích lên.

ca-giog-can-tho-9999.gif

Mua bán cá giống tại phường Thới  Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ.

Giá nhiều loại cá giống trên thị trường như: cá điêu hồng, chép, lóc, trê, rô phi, chim trắng… hiện tăng từ 5.000-10.000 đồng/kg hoặc tăng từ 100-200 đồng/con giống so với cách nay 2 tuần.

Tại nhiều cơ sở sản xuất  kinh doanh cá giống ở TP Cần Thơ,  các loại cá giống như: cá điêu hồng, cá chép, cá hường, sặc rằn, cá rô, rô phi,  mè hoa, mè vinh, trắm cỏ (loại 100-300 con/kg) đang có giá  50.000-75.000 đồng/kg.

Cá giống trê vàng ở mức 95.000-100.000 đồng/kg, loại khoảng 150 con/kg; cá thát lát cườm giống loại 100-300 con/kg có giá từ 1.000- 1.800 đồng/con; cá tai tượng (cỡ từ lồng 14 đến lồng 16) từ 1.800-2.200 đồng/con; lóc giống loại từ lồng 8 đến lồng 14 có giá 500-600 đồng/con…

Giá cá giống tăng do nhu cầu tiêu thụ đang tăng cao, trong khi nguồn cung có phần hạn chế. Theo nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cá giống ở TP Cần Thơ, đầu ra xuất khẩu cá tra có nhiều thuận lợi, giá cá tra thương phẩm và cá giống luôn ở mức khá cao trong một thời gian dài. Do vậy, nhiều người dân và cơ sở cá giống tập trung vào sản xuất cá tra giống và giảm sản xuất các loại cá giống khác nên nguồn cung bị giảm.

Ngoài ra, giá một số loại cá giống tăng còn do ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất đầu vào tăng, cũng như nhờ sự hỗ trợ của giá cá thương phẩm đang ở mức cao.

Ông Nguyễn Đình Bưởi, chủ cơ sở cá giống Hồng Nhung ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Sức mua nhiều loại cá giống hiện tăng hơn 20% so với cách nay vài tuần. Dự đoán, tới khi nước lũ về nhiều tại các tỉnh, thành ĐBSCL, sức mua nhiều loại cá giống có khả năng còn tăng.

Nhiều loại cá giống được sản xuất tại TP Cần Thơ hiện không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của người dân tại chỗ mà còn được cung cấp cho nông dân tại nhiều tỉnh lân cận ở vùng ĐBSCL như: Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang…

Theo bà Đậu Hữu Hưởng, Chủ cơ sở cá giống Hưởng ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, sức mua nhiều loại cá giống tại cơ sở cũng bắt đầu tăng khá so với trước. Thời gian qua, nhiều loại cá thịt như: cá lóc, điêu hồng, tai tượng… có đầu ra khá tốt nên đã và đang kích thích người dân phát triển nuôi.

Đặc biệt, nhiều người dân chọn thả nuôi cá vào thời điểm này và trong một vài tháng tới nhằm tận dụng các loại cua, ốc, cá bổi và các loại thức ăn tự nhiên trong mùa lũ để giảm chi phí nuôi trồng.

Hiện, một số tỉnh đầu nguồn vùng ĐBSCL đã bắt đầu có lũ sớm về. Do vậy, nông dân tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL đang tăng cường mua cá giống để phát triển nuôi trong ao, mương, vèo và thả nuôi trên ruộng lúa trong mùa lũ.

Bà Lâm Thị Hạnh ngụ tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đi mua cá giống tại một cơ sở sản xuất kinh doanh cá giống ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: "Gia đình tôi  giăng  vó trên con sông gần nhà để bắt cá những loại cá bổi rẻ tiền, cùng đầu và xương cá mè được bỏ lại sau khi đã lấy thịt cá làm chả bán. Tôi tìm mua cá trê giống về làm vèo thả nuôi để tận dụng nguồn thức ăn này nhằm có thêm thu nhập".

Theo ông Phan Thành Tâm ngụ xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ,  có các mương vườn trồng cây ăn trái ông đã mua gần 10kg cá giống điêu hồng và trắm cỏ về  thả nuôi. Gia đình hy vọng tới đây nguồn cá nuôi này có thể giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày của gia đình và xuất bán một phần để kiếm thêm thu nhập...

Theo kinhtenongthon.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập813
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm812
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại765,938
  • Tổng lượt truy cập93,143,602
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây