Khu Kinh tế Vũng Áng cần được đánh giá mức chịu tải về môi trường để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, Vũng Áng được đánh giá là một trong những khu kinh tế (KKT) dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, với 156 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 77 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp (49 dự án trong nước và 28 dự án nước ngoài) với tổng mức đăng ký đầu tư 37.357 tỷ đồng và 10,96 tỷ USD. Bên cạnh những tín hiệu tích cực, quá trình thi công, vận hành dự án cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần được xử lý.
Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng, với quy mô lớn trong phạm vi không gian hẹp, cần được xem xét, điều chỉnh phù hợp hơn với khả năng chịu tải của môi trường, nhất là môi trường biển và không khí xung quanh KKT. Thực tế, trong quá trình hoạt động, với việc vận hành thử nghiệm các tổ hợp nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã gây ra sự cố môi trường biển, gây thiệt hại lớn về KT-XH của tỉnh và nhiều hệ lụy về an sinh xã hội toàn khu vực; đây là một trong những nguyên nhân tạo nên sự tăng trưởng âm trong năm 2016.
Bên cạnh đó, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020, xét đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Vũng Áng sẽ trở thành trung tâm điện lực nhiệt điện với 5 nhà máy, tổng công suất 6.300 MW. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, các dự án nhiệt điện đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường. Do đó, cần xem xét, đánh giá kỹ khả năng chịu tải của môi trường tại KKT Vũng Áng và vùng phụ cận. Ngoài ra, mặc dù được xác định là một trong những KKT ven biển trọng điểm của cả nước, tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng tại KKT Vũng Áng còn yếu kém, hệ thống giao thông, điện, nước, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung… chưa được đầu tư đồng bộ, không theo kịp tốc độ phát triển tại đây.
Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Hà Tĩnh) Đặng Tiến Bình cho biết, ngoài dây chuyền công nghệ sản xuất đơn giản, lỗi thời, công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, việc kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chưa hiệu quả, nhất là sau sự cố môi trường do Công ty FHS gây ra. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải.
“Đơn cử, trong tổng số 22 cụm công nghiệp trên địa bàn, mới chỉ có 3 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo quy định, đặc biệt là đối với chất thải nguy hại; một số cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, ứ đọng chất thải rắn, thải khí độc hại nhưng chưa được xử lý có hiệu quả” - ông Bình nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho biết, trên cơ sở nhìn nhận một cách thấu đáo thực trạng phát triển một số ngành công nghiệp như: Thép, nhiệt điện..., Hà Tĩnh đang thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KT-XH nhằm tạo sự cân bằng trong phát triển, trong đó, tập trung điều chỉnh quy mô, công suất phù hợp và lộ trình triển khai hợp lý đối với các dự án công nghiệp trọng điểm bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn môi trường, an sinh xã hội sau khi đã đánh giá khả năng chịu tải của môi trường.
“Song song với việc xây dựng các giải pháp về thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng công nghiệp, tăng cường ứng dụng KH&CN hiện đại vào sản xuất, tỉnh sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm phát triển sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh theo hướng bền vững, hiện đại” - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Theo Bá Tân/baohatinh.vn