Lợi nhuận của nông dân trồng lúa ngày càng “teo tóp”, dù năng suất năm sau tăng cao hơn năm trước. Trong ảnh là nông dân hoạch lúa hè thu tại ĐBSCL - Ảnh: Trung Chánh |
Sâu bệnh bủa vây
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết: “Diện tích xuống giống lúa hè thu tại các tỉnh phía Nam đạt trên 1,9 triệu héc ta, trong đó, ĐBSCL đạt gần 1,65 triệu héc ta, Đông Nam bộ khoảng 142.000 héc ta và hơn 172.000 héc ta ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ”.
Theo ông Dư, về cơ bản việc xuống giống vụ hè thu vẫn theo khuyến cáo của Cục trồng trọt. Thế nhưng, lịch xuống giống né rầy, gieo sạ tập trung vẫn chưa được nông dân ở nhiều địa phương tuân thủ, làm dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo của Cục bảo vệ thực vật (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chỉ riêng bệnh đạo ôn (hay còn gọi là bệnh cháy lá và khô cổ bông), vụ hè thu năm nay khu vực ĐBSCL có khoảng 189.000 héc ta nhiễm, tăng 72.000 héc ta so với cùng kỳ 2011, tức khoảng 26%.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa hè thu nhiễm sâu bệnh lớn nhất ĐBSCL, trong đó, bệnh đạo ôn tăng 184%; nhện gié tăng 261% so với cùng kỳ năm ngoái… Tính đến giữa tháng 6, tổng diện tích lúa bị sâu bệnh gây hại tại An Giang là 143.000 héc ta, tăng 27.000 héc ta so với cùng kỳ 2011.
“Thời tiết thay đổi thất thường, mưa nắng xuất hiện rải rác trong một khoảng thời gian dài cộng thêm việc lạm dụng phân bón làm ruộng lúa nhiễm bệnh nặng hơn”, ông Huân cho biết.
Thu nhập “teo” dần
So với năm 2011, lợi nhuận của người nông dân thu được thấp hơn rất nhiều, dù năng suất lúa tăng cao. “Chi phí sản xuất tăng cao do ảnh hưởng bời sâu bệnh cộng thêm giá bán lúa quá thấp làm thu nhập của nông dân giảm mạnh”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết.
Tính đến đầu tháng 7, diện tích lúa hè thu đã thu hoạch tại Vĩnh Long đạt gần 55.200 héc ta, năng suất gần 6 tấn/héc ta, tăng 8,5% so với vụ hè thu 2011, đây cũng là năm đầu tiên năng suất lúa đạt cao nhất.
Ông Quốc cho biết tại nhiều địa phương, giá thành sản xuất vụ hè thu năm nay tăng 740 đồng/kí lô gam so với năm ngoái. Cụ thể, giá thành sản xuất đối với lúa chất lượng cao là 4.680 đồng/kí lô gam, lúa thường 4.324 đồng/kí lô gam.
Tuy nhiên, hiện giá lúa hàng hóa tại các tỉnh ĐBSCL dao động từ 4.200 – 4.300 đồng/kí lô gam đối với lúa IR 50404 tươi và 4.900 – 5.250 đồng/kí lô gam đối với lúa khô. Với giá bán này, nông dân có lãi rất ít, không đủ tái đầu tư sản xuất cho vụ tiếp theo.
Theo phản ánh của nhiều đại biểu tham dự hội nghị, lợi nhuận của nông dân vẫn chưa đạt mức tối thiểu 30% như yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết chính sách mua tạm trữ 500.000 tấn quy gạo do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vẫn chưa phát huy được tác dụng, thu nhập của nông dân vẫn rất thấp.
“Nếu giá thành sản xuất là 4.000 đồng/kí lô gam để bảo đảm nông dân có lãi 30% thì giá thu mua phải 5.300 - 5.400 đồng/kí lô gam. Thế nhưng, hiện nông dân bán với giá rất thấp, chỉ 4.200 – 4.300 đồng/kí lô gam (lúa tươi)”, ông nói.
Trung Chánh
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã