Trong khi thực tế, nông nghiệp chỉ có thể phát triển khi gắn liền với công nghiệp chế biến.
Chưa gắn với công nghiệp chế biến
Theo tiến sĩ (TS) Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), một chuỗi sản xuất cơ bản gồm có đầu vào, sản xuất và đầu ra. Tuy nhiên khâu đầu vào và đầu ra lại không do ngành nông nghiệp quản lý nên gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, đầu vào gồm giống, phân bón, thuốc, máy móc thiết bị nhưng phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu. Hiện chúng ta chỉ có phân đạm là thừa công suất trong khi các loại khác như NPK, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc đều phải nhập khẩu. Máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp cũng là nhập khẩu hàng đã qua sử dụng từ các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp chưa hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển. Đây là vấn đề cần phải thay đổi trong quá trình tái cơ cấu.
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế (ĐH Nông Lâm TP.HCM), cũng cho rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của nông nghiệp VN là thiếu liên kết cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Liên kết dọc là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) đang rơi vào tình trạng các DN ngại đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Vì vậy, nhà nước và các bộ ngành phải phối hợp để xây dựng chính sách, tạo cơ chế để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản. Có chính sách thông thoáng thì mới tạo được cơ hội gắn sản xuất với chế biến. Vì muốn xuất khẩu được, xuất khẩu mang lại giá trị cao thì phải đẩy mạnh công nghiệp chế biến, tạo ra những sản phẩm tốt, chất lượng cao thì mới cạnh tranh và tiêu thụ được ở nước ngoài.
Lấy Ấn Độ làm minh họa, một chuyên gia trong ngành phân tích, để kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp trong nước, Ấn Độ đã xây dựng 30 khu “siêu công viên thực phẩm” (Mega Food Park) là các khu vực kết nối giữa sản xuất và chế biến thực phẩm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Các khu "siêu công viên thực phẩm" được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông hoàn chỉnh, nhân công và mọi thứ khác đã sẵn sàng. Các nhà đầu tư chỉ việc đưa máy móc thiết bị, công nghệ đến là có thể bắt tay ngay vào sản xuất, thủ tục đầu tư có thể đăng ký trực tuyến mà không cần phải trực tiếp đến Ấn Độ. Đặc biệt khuyến khích các DN đầu tư vào chế biến nông sản xuất khẩu. Thậm chí đối với các nhà đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu họ còn cam kết hỗ trợ vốn. Nhiều DN, tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực chế biến nông sản đã tìm đến Ấn Độ. Tháng 6 vừa rồi, họ cũng mang mô hình này tới TP.HCM kêu gọi đầu tư.
Mong muốn tạo ra những “quả đấm mạnh” trong nông nghiệp nhưng TS Đặng Kim Sơn cũng thừa nhận, tái cơ cấu nông nghiệp chỉ mới dừng lại ở nội ngành mà chưa tạo được sự gắn kết với các bộ ngành khác. Thể hiện rõ nhất là khi các bộ ngành khác cũng chưa xây dựng được đề án tái cơ cấu. Bản thân đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng cho rằng, để thành công phải có sự hợp sức của 9 bộ ngành và địa phương nhưng lại chưa đề cập đến cơ chế phối hợp, vì vậy sẽ khó thực hiện được. “Việc xây dựng đề án tái cơ cấu nông nghiệp mà không gắn với chế biến, tiêu thụ mà phải chờ gắn với đề án của các bộ ngành khác thì xem ra “quả đấm mạnh” mà ngành nông nghiệp hy vọng có thể sẽ đấm vào “hư không”, một chuyên gia đề nghị không nêu tên nói.
|
Gọi vốn ngoại cho nông nghiệp
Theo TS Sơn, nông nghiệp nông thôn là nơi tạo việc làm cho 1/2 lao động và cư trú của 70% dân số, tuy nhiên đầu tư của toàn xã hội trong những năm gần đây giảm mạnh. Nếu năm 2000 tỷ lệ khoảng 14%, năm 2008 thì chỉ còn 6,2%. Chi tiêu công cho nông nghiệp so với tổng chi tiêu công cũng rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với Philippines.
Từ một góc nhìn khác, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, nhận xét chúng ta có 2 cái dở trong vấn đề bảo hộ. Thứ nhất, tỷ lệ bảo hộ thực tế cho nông nghiệp thấp hơn rất nhiều tỷ lệ bảo hộ cho công nghiệp chế biến thể hiện sự phân bổ nguồn lực chưa hợp lý. Hay nói cách khác, đầu tư vào nông nghiệp chưa tương xứng. Thứ hai là một số ngành nông nghiệp VN có sức lan tỏa rất tốt, có hệ số thúc đẩy xuất khẩu rất cao, nhập khẩu không lớn và là ngành duy nhất còn xuất siêu nhưng bảo hộ thực tế bằng 0. Đặc biệt, chúng ta chưa bao giờ sử dụng hết các biện pháp kỹ thuật cũng như tài chính hỗ trợ cho nông nghiệp. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép 10% nhưng chúng ta chỉ sử dụng nhiều lắm là 2-3%.
Với mức độ đầu tư thấp, bảo hộ ít như nói trên, muốn phát triển nông nghiệp đòi hỏi phải thu hút đầu tư của khu vực tư nhân và nước ngoài vào lĩnh vực này. Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cách đây khoảng 30 năm Hàn Quốc đã biết thu hút đầu tư vào nông nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đứng đằng sau các viện nghiên cứu của họ luôn có một tập đoàn lớn. Giờ đây PPP là chủ trương chung của thế giới vì nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước thì không đủ. Ở Việt Nam đó chính là quá trình cổ phần hóa, nhưng cũng mới chỉ thành công ở lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Còn nông nghiệp thì chưa có mô hình, vẫn còn rất yếu. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư từ nguồn vốn ODA, FDI cho nông nghiệp cũng rất thấp (FDI chưa được 10%, còn ODA chỉ có 0,6 - 0,8%). Nguyên nhân là do chính sách PPP trong nông nghiệp của mình chưa rõ nên nước ngoài họ cũng không muốn đầu tư. Vì vậy, cần phải có một chính sách rất rõ để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Theo TNO |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;