Hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Cần Thơ hôm nay (24-6) với sự tài trợ của dự án cạnh tranh nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới và tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc – FAO.
Để cải thiện năng suất và chất lượng gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân, còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết đồng bộ. Ảnh Ngọc Tùng |
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, trong đó tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL là một hợp phần quan trọng. Với mục tiêu đó, hội thảo được kỳ vọng sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách… và các tổ chức quốc tế cùng ngồi lại trao đổi, bàn luận… tìm ra các giải pháp hữu hiệu trong hoạt động tái cơ cấu ngành lúa gạo ĐBSCL.
Tại hội thảo, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhìn nhận thực tế về diện tích và sản lượng lúa ở ĐBSCL năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng nông dân vẫn cứ nghèo! “Do vậy quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp lần này, mục tiêu chính yếu là cải thiện thu nhập, giúp nông dân tiếp tục bám ruộng”, ông Bảnh bày tỏ.
Đồng tình với ông Bảnh, TS Jong – Ha Bae, trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam, cho rằng tăng trưởng nông nghiệp đã chậm lại, giá trị tăng thêm của lúa gạo Việt Nam là vấn đề cần nghiên cứu thêm, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu. Theo ông Ha Bae, trong điều kiện an ninh lương thực không còn là vấn đề cấp thiết, sản xuất chạy theo số lượng không còn phù hợp nữa, nên phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị là quan trọng hơn cả.
Song, theo đánh giá của ông Ha Bae, với những đặc điểm tự nhiên vốn có, ĐBSCL là nơi sản xuất lúa gạo cạnh tranh nhất thế giới, nhưng xu hướng tiêu dùng gạo đang giảm dần, bình quân giá gạo chỉ tăng gấp đôi trong suốt 10 năm gần đây. “Làm sao để có mức giá tốt hơn, đi theo hướng sản xuất gạo chất lượng cao (như gạo Nhật – Japonica, gạo đồ - Basmati) hay chuyển sang cây trồng khác”, ông Ha Bae gợi ý.
Suy cho cùng, sản xuất lúa gạo muốn đem lại lợi nhuận lớn nhất thiết phải đa dạng hóa. Muốn vậy Chính phủ phải xác định trồng cây gì hiệu quả nhất trên từng vùng sinh thái để từ đó có định hướng đa dạng cây trồng phù hợp. “Sản xuất lúa gạo trong tương lai sẽ là thách thức lớn với nhiều quốc gia, nhưng vùng đất trù phú ĐBSCL sẽ tiếp tục là nơi cung ứng gạo xuất khẩu lớn trong thời gian tới”, ông Ha Bae khẳng định.
Các mục tiêu chiến lược, theo ông Ha Bae, trước tiên là tăng năng suất và giá trị dinh dưỡng của gạo một cách bền vững để đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường; tăng chuỗi giá trị thông qua cải tiến chất lượng và an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; tiếp đến là nâng khả năng thích ứng của người trồng lúa với biến đổi khí hậu và cải thiện năng lực ứng phó rủi ro cho nông dân… đảm bảo tính bền vững trong sản xuất lúa gạo trong đó có cả việc mở rộng nhiều vấn đề chuyên sâu bao hàm cả vấn đề môi trường và di sản gạo.
Triển vọng thị trường gạo chất lượng cao vẫn rất lớn, trong đó có sự tham gia của các loại gạo thơm như gạo Hom Mali (Thái Lan), Campuchia, Việt Nam; gạo Basmati của Ấn Độ, Pakistan; gạo Japonica của Nhật… Tuy nhiên, TS Samarendu Mohanty, Chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), bày tỏ sự thận trọng. Ông Mohanty cho rằng, cần thông qua việc tạo nền tảng ứng dụng công nghệ thực hành tốt nhất cho nông dân với các chương trình quản lý, kiểm soát dịch hại bằng các liệu pháp sinh học, nâng khả năng thích ứng cho vùng trồng lúa; tạo ý thức cộng đồng trong bảo tồn đa dạng sinh học, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng lợi nhuận. Từ đó mới có thể tính tới chuyện sản xuất đại trà gạo chất lượng cao, tăng năng suất và giá trị dinh dưỡng của lúa gạo.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng IPSARD, cho rằng cung lúa gạo Việt Nam tăng mạnh nhưng cầu thế giới tăng chậm; nhập khẩu của các thị trường truyền thống như: Philippines, Malaysia, Indonesia không ổn định. Tỷ trọng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng từ 5,32% - năm 2011, lên 36,7% trong năm 2013 nhưng thị trường này luôn bất ổn. Ông Tuấn dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới và Thái Lan trở lại là nước xuất khẩu gạo số một trong năm tới, gạo Việt có bước tăng trưởng nhẹ trong khi Ấn Độ sẽ sụt giảm sản lượng gạo xuất khẩu.
Với đặc thù là vùng sản xuất lúa, tỉnh Đồng Tháp quyết tâm đi tiên phong trong mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ việc quy hoạch lại sản xuất, cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng tạo nhiều nhóm sản phẩm giá trị gia tăng thông qua các mô hình cánh đồng liên kết. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh này cũng bày tỏ những băn khoăn khi nền nông nghiệp địa phương này (nói riêng) vẫn còn nhiều vướng mắc về hạn điền, thu hút đầu tư, các chính sách thu mua – tạm trữ - tiêu thụ…
Vướng mắc lớn nhất theo ông Đoàn Ngọc Phả, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh An Giang, là Việt Nam chưa có một quy chuẩn gạo xuất khẩu ràng buộc dẫn tới việc doanh nghiệp xuất khẩu mua không theo khung giá nào, miễn phù hợp yêu cầu chế biến gạo của họ. Thực tế này khiến nhà quản lý sản xuất khó khuyến cáo nông dân ngay từ khâu giống, bên cạnh đó nông dân cũng mất phương hướng trong việc chọn giống gì để gieo trồng.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, thừa nhận rằng tới thời điểm này nông dân ĐBSCL chỉ mới sử dụng 35% giống xác nhận.
Ngọc Tùng
Nguồn thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã