Những con tàu vỏ thép được đóng mới từ Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là một chủ trương lớn của Nhà nước, hướng tới xây dựng đội tàu cá hiện đại hoạt động ở vùng biển xa bờ. Ngư dân kỳ vọng vào những con tàu đủ sức vượt qua sóng gió, vừa tham gia phát triển kinh tế biển, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thế nhưng, việc hàng chục con tàu vỏ thép tại tỉnh Bình Định mới đóng đã hỏng phải nằm bờ đã và đang gây ra “cơn bão” trong dư luận xã hội. Qua những dấu hiệu sai phạm cho thấy, các tổ chức, cá nhân có liên quan đã lợi dụng chủ trương này làm ăn gian dối, cùng nhau kiếm tiền trên nỗi đau ngư dân.
Công an đã vào cuộc điều tra, thu thập nhiều chứng cứ làm ăn sai trái. Đã đến lúc cần xem xét và xử lý trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật, nghiêm trị những kẻ cố tình trục lợi từ chính sách của Nhà nước.
Bình Định là địa phương có nghề cá phát triển mạnh với đội tàu và số lượng ngư dân đánh bắt xa bờ rất lớn. Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, ngư dân Bình Định kỳ vọng sẽ có một đội tàu cá hiện đại, vươn khơi, bám biển. Chỉ trong một thời gian ngắn, địa phương này đã có 47 tàu vỏ thép được đóng mới.
Nhưng chỉ sau vài chuyến biển, 17 tàu mới đóng đã hỏng, ngư dân rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”, hàng loạt tàu sản xuất không hiệu quả, vỏ tàu bị gỉ sét, máy tàu thường xuyên trục trặc, trang thiết bị tiền tỷ cũng không hoạt động.
Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm của các cơ sở đóng tàu. Các chủ tàu gửi đơn kiến nghị, tố cáo doanh nghiệp làm ăn gian dối. Sau khi đe dọa bóng gió không thành, doanh nghiệp “âm thầm” mang tiền đưa các chủ tàu, năn nỉ rút đơn khiếu nại.
Ngư dân Trần Đình Sơn, chủ tàu ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù đại diện Công ty Nam Triệu (Bộ Công an) có gặp và đưa tiền nhưng sau đó ông đã trả lại.
“Họ đưa chúng tôi 100 triệu đồng mục đích để ngư dân rút đơn, không còn khiếu kiện. Ngư dân đóng được con tàu mong muốn đi hành nghề nhưng tàu bị hỏng nên cuộc sống rất khó khăn không biết tìm cách nào để tháo gỡ. Vốn vay ngân hàng không biết đến ngày nào mới trả được”, ông Sơn nói.
Đã có một số chủ tàu rút đơn kiện nhưng việc thẩm định tàu cá vẫn được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo phải tiến hành khẩn trương, khách quan. Báo cáo của Tổ thẩm định cho biết, đã phát hiện nhiều sai phạm và đề nghị Công ty Nam Triệu thuộc Bộ Công an thay toàn bộ 10 máy chính bằng máy thủy mới của chính hãng Mitsubishi; thay máy Doosan mới cho tàu ông Trần Đình Sơn; khắc phục và sửa chữa máy phụ hư hỏng.
Đối với vỏ tàu, 2 công ty đóng tàu phải đưa toàn bộ các con tàu lên đà để đánh giá tổng thể. Với những con tàu có phần thép vỏ không đúng mác A phải thay cho đúng chủng loại, làm sạch các phần gỉ sét và sơn lại đúng quy trình kỹ thuật. Đối với vỏ tàu đã thay thép Hàn Quốc/Nhật Bản thành thép Trung Quốc nhưng đảm bảo cấp A, cơ sở đóng tàu phải trả lại phần tiền chênh lệch cho ngư dân.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho biết, toàn huyện hiện có 4 tàu vỏ thép vừa được thẩm định. Thời gian vừa qua, tàu bị hư hỏng, chủ tàu rất khốn đốn còn ngư dân thì mất việc làm. Đã vậy, thời gian trả nợ ngân hàng đang đến gần, nhiều chủ tàu không biết lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng trả nợ vay. Ông Hà Ngọc Tân đề nghị làm rõ hành vi lừa đảo của các đơn vị đóng tàu.
“Thép đóng tàu, máy tàu không đảm bảo, ngay cả nhà sản xuất máy tàu cũng khẳng định điều này. Đây là hành vi lừa đảo, lợi dụng sự ít hiểu biết của ngư dân, các cơ quan chức năng phải vào cuộc để xử lý chỗ này. Doanh nghiệp gây hậu quả rất nghiêm trọng cho ngư dân, tàu hỏng thiếu nguồn thu, không những ngư dân bị áp lực trả tiền cho ngân hàng mà còn lâm vào cảnh thất nghiệp”, ông Tân nêu rõ.
Kết quả thẩm định cho thấy, các đơn vị có liên quan đã lợi dụng chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển đểtrục lợi cho riêng mình. Nếu những con tàu vỏ thép này không khắc phục triệt để sự cố hỏng hóc, đành phải nằm bờ, sớm muộn cũng trở thành sắt vụn. Đến lúc đó, không chỉ ngư dân thất nghiệp, đổ nợ mà còn làm “gỉ sét”, “xói mòn” niềm tin của cộng đồng ngư dân đối với chương trình tàu vỏ thép.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, có quá nhiều dấu hỏi được đặt ra như: Vì sao, số tàu vỏ thép bị hư hỏng lại tập trung vào 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (tỉnh Nam Định) và Công ty TNHH MTV Nam Triệu thuộc Bộ Công an?
Hoặc là giải thích thế nào việc Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản cũng “nhắm mắt làm ngơ” cho các cơ sở đóng tàu làm ăn gian dối, qua mặt ngư dân? Và những cơ quan nào đã đưa 2 doanh nghiệp này vào danh sách các cơ sở được phép đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, trách nhiệm ra sao???
Ông Võ Thiên Lăng đề nghị, cần khởi tố vụ án để làm rõ những khuất tất trong vụ tàu vỏ thép mới đóng đã hỏng phải nằm bờ tại tỉnh Bình Định.
“Đây là hành động quá liều lĩnh. Không thể ngờ có những đơn vị trình độ đóng tàu quá yếu kém mà vẫn được Bộ cho phép đóng, lừa dối ngư dân. Dứt khoát phải khởi tố về tội cố ý làm trái. Đăng kiểm bỏ qua tất cả những sai sót này cũng là có vấn đề, có sự thông đồng với nhau hạ thấp thực tế giá thành của tàu để hưởng lợi”, ông Lăng nhận định.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, UBND tỉnh tiếp tục có những buổi họp để nghe báo cáo cụ thể, đầy đủ về tàu vỏ thép nằm bờ và sớm đưa ra hướng giải quyết phù hợp, tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân.
“Hợp đồng đóng tàu thực chất vấn đề là mua một một con tàu mới, theo giá trị tương đối cao để cho vận hành khai thác xa bờ nên ngư dân yêu cầu các cơ sở đóng tàu phải có chất lượng. Đối với các cơ sở đóng tàu cần phải có lương tâm, vì đây là một nghị định rất lớn của Chính phủ cho vay để đóng mới các tàu cá, vừa đảm bảo chủ quyền, vừa phát triển kinh tế của ngư dân cũng như của cả nước”, ông Châu khẳng định.
Ngư trường miền Trung đang vào mùa đánh bắt, nhưng hàng loạt con tàu trị giá hàng chục tỷ đồng từ nguồn vay ưu đãi của Nhà nước lại đang phải nằm bờ, hỏng máy, rỉ sét và xuống cấp. Chủ tàu đang đối mặt với nguy cơ phá sản, ngư dân thất nghiệp, trách nhiệm này thuộc về ai?./.
Tàu cá nằm bờ: Doanh nghiệp đóng tàu phải đền bù cho ngư dân