Học tập đạo đức HCM

Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân

Thứ năm - 14/03/2013 05:56
Những năm gần đây, sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh luôn có sự phát triển, tổng giá trị nông sản năm sau cao hơn năm trước. Cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang dần được thay thế bằng phương thức sản xuất hàng hóa tập trung, sử dụng các giống mới tạo ra những sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt các giống cây rau màu vụ đông có năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cao đã được chú trọng phát triển sản xuất trên diện rộng. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất và diễn biến thị trường nông sản cho thấy ngành Nông nghiệp vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là khâu tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản.


Thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình liên doanh, liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp như: Doanh nghiệp Minh Hiền (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) ký hợp đồng tiêu thụ dưa chuột bao tử với các HTXDVNN của huyện Vụ Bản là Minh Thành (Minh Thuận), Duy Tân (Tân Khánh), Minh Tân; Cty TNHH Bao bì kim loại CFC (TP Nam Định) ký hợp đồng tiêu thụ dưa chuột bao tử, ngô ngọt và cà chua… cho 10 HTX trong tỉnh. Đây được xem là cầu nối giữa nông dân với thị trường thông qua chuỗi liên kết doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân. Tuy nhiên những mối liên kết này chưa bền vững, các bên chưa tuân thủ đúng hợp đồng đã ký kết dẫn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao; còn tình trạng khi giá thị trường lên thì nông dân bán nông sản ra bên ngoài, đến khi giá thấp lại muốn doanh nghiệp nhập theo giá hợp đồng gây khó khăn cho doanh nghiệp thu mua; hoặc không nhập đủ sản lượng như hợp đồng đã ký. Năm 2006, Cty TNHH Hành Quân, xã Hải Tây (Hải Hậu) đã tổ chức tiêu thụ nông sản cho xã viên tại các HTX trên địa bàn huyện như: Hải Tây, Hải Xuân, Hải Thịnh, Hải Hòa… với tổng sản lượng của trên 500ha gồm cà chua và dưa chuột quả nhỡ. Tuy nhiên, trên thực tế Cty chỉ thu mua được khoảng 60-70% so với hợp đồng đã ký.

Không tìm được thị trường tiêu thụ nên nông dân thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) phải bán khoai tây cho tư thương.
Không tìm được thị trường tiêu thụ nên nông dân thôn Nhất, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) phải bán khoai tây cho tư thương.

Từ thực tế trên cho thấy, khó khăn lớn nhất mà nông dân trong tỉnh đã và đang phải đối mặt đó là sự bị động, thiếu ổn định trong khâu tiêu thụ, nên lúc nào cũng canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”. Sở dĩ “đầu ra” cho nông sản luôn khó khăn là bởi trong thời gian qua việc tiêu thụ nông sản còn thả nổi, chưa được quan tâm thỏa đáng. Nhiều mặt hàng nông sản chưa được ký hợp đồng tiêu thụ trước khi sản xuất, nông dân chưa nắm rõ thị trường của loại sản phẩm đó trước khi sản xuất, quá trình sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa thực sự xem nhau như “đối tác”. Có những mặt hàng đã được ký hợp đồng tiêu thụ, nhưng khi có trở ngại khách quan hoặc chủ quan thì doanh nghiệp thường để nông dân tự xoay xở. Ngược lại có lúc do lợi ích trước mắt mà nông dân tự ý phá hợp đồng đem sản phẩm ra ngoài bán vì giá cao hơn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Do hợp đồng thiếu chặt chẽ nên khi xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng thì vẫn thiếu chế tài xử lý đối với bên vi phạm. Bên cạnh đó, khâu chế biến nông sản sau thu hoạch còn hạn chế. Phần lớn nông sản trong tỉnh hiện còn xuất bán ở dạng thô, chưa qua chế biến, chất lượng không đồng đều nên giá thấp, thiếu sức cạnh tranh, chưa tạo được thị trường bền vững. Do chưa có biện pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch nên vào thời điểm thu hoạch rộ, hàng nông sản không những bị thương nhân ép giá mà tỷ lệ hao hụt, biến chất còn cao làm giảm chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đang là nguyên nhân khiến cho ranh giới giữa sản phẩm sạch, chất lượng cao và sản phẩm không sạch, chất lượng thấp chưa được phân biệt rõ khiến nông sản khó tiêu thụ. Ngoài ra, định hướng chiến lược về các loại nông sản chưa được quan tâm đúng mức, người sản xuất thiếu thông tin về thị trường, làm ăn theo kiểu phong trào, dễ dẫn đến cung vượt quá cầu, sản phẩm bị ép giá, khó tiêu thụ, người sản xuất bị thiệt thòi, dễ nản. Nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, cuối năm 2011, UBND tỉnh thực hiện Dự án xây dựng thí điểm mô hình doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Các mô hình thí điểm trong dự án là: Cty CP Lương thực Nam Định liên kết với một số hộ sản xuất kinh doanh và gần 600 hộ nông dân của huyện Giao Thủy; Cty TNHH Bao bì kim loại CFC liên kết với HTXDVNN Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và xã viên. Vụ xuân và vụ mùa năm 2011-2012, Cty CP Lương thực Nam Định đã cung ứng trên 4.700 tấn phân bón các loại và thu mua 300 tấn thóc vụ mùa. Riêng vụ xuân 2012, Cty đã thu mua được 200 tấn thóc với giá theo hợp đồng với các hộ kinh doanh và nông dân.

Cty TNHH Bao bì kim loại CFC đã liên kết với HTXDVNN Nghĩa Bình thu mua 240 tấn cà chua, trong đó có 210 tấn cà chua nhót, 30 tấn cà chua quả to với giá trị 1,1 tỷ đồng; 150 tấn dưa chuột các loại với giá trị 675 triệu đồng. Các đơn vị kinh doanh và xã viên tham gia dự án đều phấn khởi trước hiệu quả của sự hợp tác liên kết mang lại.

Từ thực tế cho thấy, về lâu dài cần mở rộng mô hình liên kết chặt chẽ, gắn sản xuất với tiêu thụ và chế biến nông sản. Các doanh nghiệp cần tổ chức tốt mạng lưới tiêu thụ nông sản cho nông dân, không để tư thương thao túng. Đẩy mạnh việc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp theo tinh thần Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình ký kết hợp đồng, cần chú ý quy định chặt chẽ trách nhiệm của các bên khi tham gia để bảo đảm thực hiện nghiêm túc các cam kết, đồng thời có đủ cơ sở để xử lý khi các bên vi phạm. Để việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, trong quá trình sản xuất, các doanh nghiệp cần tích cực chuyển giao các tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng nông sản, cung cấp thông tin về thị trường để người nông dân lựa chọn sản xuất cái gì và sản xuất như thế nào cho hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người sản xuất phải cùng chia sẻ thông tin, lợi ích và cả rủi ro. Đối với các HTX phải quan tâm tìm kiếm thông tin thị trường, hướng nông dân sản xuất các mặt hàng theo thị trường; đồng thời tìm kiếm đối tác tiêu thụ, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Về phía nông dân cần quan tâm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong quá trình sản xuất phải nâng cao ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định đối với các hợp đồng đã ký. Các địa phương cần có định hướng, quy hoạch cụ thể vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất hàng hóa lớn. Quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật giao thông, thủy lợi, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Có chính sách cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư tại địa phương, xây dựng các nhà máy chế biến nông sản nhằm giảm tỷ lệ thất thoát và nâng cao giá trị sản phẩm; quản lý tốt thị trường, giám sát chặt chẽ chất lượng vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, mở rộng các mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Theo baonamdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập742
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại801,232
  • Tổng lượt truy cập93,178,896
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây