Học tập đạo đức HCM

Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp

Chủ nhật - 07/01/2018 06:01
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 của ngành NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay năm 2017, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt những mục tiêu quan trọng. Đặc biệt so với năm 2016 là vượt cao. Ngành nông nghiệp đã đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, thông tin về xuất khẩu tôm, về thị trường nông sản phục vụ Tết cũng khiến nông dân thêm phấn khởi.

Ngành nông nghiệp đóng góp rất quan trọng

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao thành tựu của ngành nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 của ngành NNPTNT sáng ngày 4.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay năm 2017, ngành nông nghiệp đã hoàn thành và vượt những mục tiêu quan trọng. Đặc biệt so với năm 2016 là vượt cao. “Ngành nông nghiệp đã đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017 dù có nhiều khó khăn về thời tiết và thị trường nhưng ngành nông nghiệp đã về đích, hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao, có chỉ tiêu hoàn thành xuất sắc, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung.

Về mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản, Chính phủ đề ra là 32-33 tỷ USD, ngành đã đạt con số 36,37 tỷ USD, vượt tới hơn 4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và thặng dư tuyệt đối của ngành đạt 8,55 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có 2.884 xã đạt chuẩn, đạt 32,3% - vượt kế hoạch được giao là 31%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 41,45%, số vụ vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng giảm 23% và thiệt hại do phá rừng, cháy rừng giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm 2017 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong việc xoay trục phát triển các mặt hàng nông sản chủ lực, xác định những ngành hàng có lợi thế. Trước đây, chúng ta coi trọng sản xuất lúa gạo là hàng đầu, nhưng nay chuyển sang ưu tiên phát triển những ngành hàng có giá trị cao như thủy sản, rau quả, đồ gỗ...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của tư lệnh ngành nông nghiệp cũng như toàn hệ thống ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, mặc dù đạt được nhiều thành tựu, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, không được ngủ quên trên cành nguyệt quế. Hiện, tái cơ cấu chưa mạnh mẽ, trồng trọt theo thói quen vẫn phổ biến ở nông thôn. Vi phạm trong lâm nghiệp, thuỷ sản còn lớn. Việc đánh bắt thuỷ hải sản trái phép dẫn đến bị EU cảnh báo rút thẻ vàng vẫn diễn ra. Tình trạng phá rừng, rừng phòng hộ vẫn tiếp diễn. Năng suất lao động còn thấp kéo theo năng năng suất lao động của đất nước xuống thấp.

Thủ tướng định hướng, thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tạo chuyển biến rõ nét hơn trong cơ cấu nền nông nghiệp, tập trung sản xuất hàng hoá quy mô lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, đẩy mạnh xây dựng NTM, nâng đời sống vật chất của người dân.

“Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai nhằm tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế lâm nghiệp. Xây dựng thương hiệu lúa gạo và các sản phẩm nông sản. Nghiên cứu, dự báo thị trường để sản xuất hiệu quả. Chủ động phòng chống ứng phó thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu bền vững nông nghiệp. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chính là nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Càng về sau xây dựng NTM càng khó khăn nhưng chúng ta phải kiên trì, quyết tâm thực hiện” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Xuất khẩu tôm khởi sắc

Xuất khẩu tôm khởi sắc.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016. Được biết, nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tiêu thụ chính (EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) tăng cao phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm làm tăng nhu cầu tôm từ các nhà cung cấp.

Tính tới tháng 11/2017, xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều tăng trưởng tốt trừ Mỹ. Thị trường EU vươn lên vị trí số 1 trong khi Mỹ tụt xuống vị trí thứ 4. Trong số các thị trường nhập khẩu chính, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất 60,2%.

EU vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm 2016. Hà Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam trong khối EU. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Hà Lan, Anh và Đức), xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh nhất 70,5% đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 5,9%.

Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt Nam với 60,2% đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1/2018.

Riêng thị trường Trung Quốc đang có triển vọng lạc quan. Sản lượng sản xuất tôm nội địa Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh và mưa lụt. Nhu cầu trong nước ngày càng tăng do tầng lớp trung lưu và lượng khách du lịch tăng khiến gia tăng nhu cầu tiêu thụ hải sản trong đó có tôm tại các nhà hàng. Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi, thanh toán tốt, đồng NDT ổn định đã kích thích nhu cầu nhà nhập khẩu Trung Quốc. Từ 1/12/2017, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi Trung Quốc quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh.

Vasep dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng cuối cùng của năm 2017 dự báo vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu tôm cả năm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2016.

Nhộn nhịp thị trường cây cảnh tết

Vận chuyển mai vào thị trường phía Nam.

Chưa qua hết tháng 11 âm lịch nhưng thị trường mai và quất cảnh ở tỉnh Phú Yên đã khá nhộn nhịp vì thương lái khắp nơi đổ về thu mua.

Thường mỗi năm vào đầu tháng chạp, thương lái mới đổ xô về làng hoa cảnh xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) để thu gom mai và quất cảnh, nhưng năm nay thì sớm hơn, không chờ đến khi nhà vườn lặt lá mai xong. Những ngày này, xe tải nối đuôi nhau trên đường Mậu Thân chờ vận chuyển mai cảnh. Ông Lê Văn Hưng, người trồng hoa ở xã Bình Kiến, cho biết: “Mặc dù ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 12 nhưng năm nay mai cảnh vẫn bán được, tuy không bằng mọi năm. Thương lái đến đây mua rất đông, chủ yếu ở các tỉnh phía nam.

Mấy năm trước, họ mua mai lớn nhưng năm nay mai cỡ trung với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng/cây lại được thương lái ưa thích”. Theo ông Hưng, việc mai cảnh trúng tết hay không còn phụ thuộc vào thương lái vận chuyển về, lặt lá mai khi nào. “Vì người ta mua cây mai còn nguyên lá nên không thể biết có kịp tết hay không. Sau khi mua về, họ sẽ theo dõi thời tiết để lặt lá mai cho đúng ngày”, ông Hưng chia sẻ. Năm nay thương lái về mua mai cảnh ở Phú Yên chủ yếu từ TP.HCM, Tiền Giang…

Cũng do ảnh hưởng thời tiết, nụ trên cây mai rất ít nên giá cả cũng giảm theo. Ông Nguyễn Văn Quốc, chủ nhà vườn ở xã Bình Kiến, nói: “Thời tiết năm nay khiến cây mai không đạt lắm. Cũng phân thuốc như mọi năm, nhưng nụ ra không nhiều”. Vườn nhà ông Hưng có hơn 2.000 chậu mai và đã xuất bán hơn 400 chậu, thu gần 350 triệu đồng. “So với mọi năm, giá mai cảnh giảm từ 100.000 - 200.000 đồng/cây”, ông Hưng nói.

Bên cạnh cây mai, thị trường quất cảnh ở Phú Yên cũng khá sôi động. Hai cha con anh Đoàn Trọng Nghĩa ở Lâm Đồng đi xe máy xuống Phú Yên để dạo mua. Trong khi thương lái mua mai trả đủ tiền và vận chuyển ngay, thì quất họ chỉ đặt cọc. “Quất năm nay không đạt bằng mọi năm. Tìm vườn nào ưng ý thì đặt cọc, chờ đến tháng chạp sẽ bốc hàng”, anh Nghĩa bộc bạch. Theo các chủ vườn, dù quất không đẹp bằng mọi năm nhưng giá vẫn bằng năm ngoái. Giá hiện nay các thương lái đặt cọc dao động từ 150.000 - 400.000 đồng/chậu tùy theo lớn/nhỏ.

Khánh Nguyên (tổng hợp)/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập762
  • Hôm nay65,234
  • Tháng hiện tại801,344
  • Tổng lượt truy cập93,179,008
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây