Học tập đạo đức HCM

Trăn trở cùng cây mía

Chủ nhật - 11/03/2018 09:20
Những năm gần đây, hiệu quả cây mía ngày càng thấp, khiến nhiều nông dân quyết định bỏ mía để trồng các loại cây trồng khác. Niên vụ mía 2017 - 2018, toàn tỉnh giảm khoảng 1.000ha mía, con số này sẽ không dừng lại mà tiếp tục tăng, bởi cây mía đang lép vế trước nhiều cây trồng khác.
 

 

Niên vụ mía 2017 - 2018, nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ, bởi ảnh hưởng của cơn bão số 12.

Niên vụ mía 2017 - 2018, nhiều nông dân rơi vào cảnh thua lỗ, bởi ảnh hưởng của cơn bão số 12.


Bỏ mía trồng cây khác


Gạt những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt xạm đen, ông Hoàng Ngọc Sơn - người trồng mía ở Cam An Bắc, huyện Cam Lâm nói: “Trồng mía mất cả năm mà thu chẳng được bao nhiêu. Gia đình tôi có 2,6ha mía, nhờ có nước nên năng suất đạt đến 60 tấn/ha, nhưng thương lái lấy lý do nhà máy mua thấp nên chỉ ra giá 25 triệu đồng/ha, mới đủ chi phí đầu tư”. Hỏi ông Sơn tại sao không bán cho nhà máy (ít nhất cũng được hơn 45 triệu đồng/ha), ông cho rằng: “Vẫn biết bán trực tiếp cho nhà máy đường giá sẽ cao hơn, được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Lâu nay, những hộ trồng diện tích ít thường phải bán thông qua đầu nậu, bởi như thế sẽ không gặp trục trặc gì”. Hỏi thêm mới biết, các đầu nậu thường là những người có tiền, có mối quan hệ, họ có diện tích mía không lớn, thậm chí có người chẳng trồng cây mía nào nhưng trên cơ sở thỏa thuận thu mua mía với các hộ có diện tích nhỏ, họ đăng ký để bán mía vào nhà máy. Chính vì thế, các chính sách nhà máy đưa ra, người trực tiếp trồng mía không được hưởng mà đầu nậu đứng ở khâu trung gian được hưởng. “Bán mía thông qua đầu nậu là điều phổ biến ở nhiều địa phương, không chỉ ở Cam Lâm. Hiệu quả cây mía đã thấp, bán qua đầu nậu càng thấp hơn. Vì vậy, không chỉ tôi mà nhiều hộ khác sẽ bỏ mía để chuyển sang trồng xoài, hoặc mì”, ông Sơn nói.

 

1

Ở huyện Cam Lâm, nhiều diện tích xoài đã mọc lên thay diện tích mía.

 
Tại huyện Diên Khánh, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa, nhiều nơi mía nằm lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái; có nơi, cây keo, cây cao su đang lấn mía. “Nói cho công bằng thì người dân xã Diên Xuân khấm khá lên cũng nhờ cây mía. Thế nhưng, trong xu thế hiệu quả các cây trồng khác rất cao, còn cây mía vẫn dậm chân tại chỗ nên nông dân bỏ mía là điều dễ hiểu”, ông Phan Văn Thật - người trồng mía ở xã Diên Xuân (huyện Diên Khánh) tâm sự.


Ngồi nghỉ mệt dưới tán keo đã 2 năm tuổi tiếp giáp với ruộng mía đang thu hoạch, ông Nguyễn Văn Tiến (xã Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa) cho hay: “Trước đây gia đình tôi có 7,6ha mía, do không hiệu quả nên 2 năm trước, tôi đã chuyển đổi 3ha sang trồng keo. Năm nay, cơn bão số 12 khiến năng suất mía giảm, trong khi giá nhân công cao, chi phí tăng; giá thu mua mía lại thấp nên người trồng mía càng thấm thía vị đắng của cây mía. Tôi quyết định sau khi thu hoạch xong sẽ cày bỏ 3,6ha mía còn lại để trồng xoài”. Câu chuyện của ông Tiến không phải là hiếm ở Ninh Tân. Theo ông Nguyễn Trung Chánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, hiện nay, Ninh Tân có 1.300ha mía, nhưng sau vụ mía này, dự kiến có khoảng 400ha được người dân chuyển sang trồng keo, cây ăn quả, thậm chí trồng mì.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, niên vụ 2014 - 2015, thị xã Ninh Hòa có 12.260ha mía, niên vụ này còn 11.200ha. Diện tích mía giảm chủ yếu ở những khu vực đồi cao, đất lâm nghiệp, không thích hợp để phát triển cây mía. Các địa phương có sự chuyển đổi mạnh từ mía sang trồng các loại cây trồng khác là: Ninh Tân, Ninh Tây, Ninh Sơn… Trong khi đó, tại Cam Lâm, năm 2007 có 2.500ha mía, đến năm 2013 giảm còn 1.600ha, đến nay chỉ còn 1.397ha và sau niên vụ mía này diện tích sẽ tiếp tục giảm, bởi nhiều hộ đang tiếp tục bỏ mía để trồng xoài.


Ông Đinh Công Thuận - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn xác nhận: “Niên vụ mía 2017 - 2018, toàn tỉnh chỉ còn 18.000ha mía, giảm 1.000ha so với niên vụ trước, diện tích này được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, cây keo... Các địa phương có sự chuyển đổi nhiều là: Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh”.


Nguyên nhân vì sao?


Lý giải về nguyên nhân nông dân không mặn mà với cây mía, ông Đặng Cửu - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa nhận định: “Chủ yếu vẫn do cây mía mang lại thu nhập thấp”. Theo phân tích của ông Cửu, các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ cây mía trong khoảng 4 năm qua diễn biến theo hướng bất lợi cho nông dân. Cụ thể, chi phí đầu tư tăng hơn 30%, tăng cao nhất là chi phí nhân công; ảnh hưởng thời tiết nên năng suất không cao, trung bình hàng năm chỉ khoảng 50 tấn/ha (năm nay chỉ khoảng 45 tấn/ha). Giá thu mua mía giảm, hiện chỉ khoảng 800.000 đồng/tấn mía có chữ đường 10CCS… đã khiến rất nhiều nông dân rơi vào cảnh từ hòa đến thua lỗ, rất ít có lãi.

 

Việc bán mía thông qua đầu nậu sẽ khiến cho thu nhập của nông dân càng thêm thấp.

Việc bán mía thông qua đầu nậu sẽ khiến cho thu nhập của nông dân càng thêm thấp.


Trong khi đó, ông Lê Đình Cường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm cho biết: “Người nông dân Cam Lâm có rất nhiều lựa chọn về cây trồng, ngoài cây mía còn có các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp khác. Đặc biệt, trong xu thế cây xoài cho thu nhập rất cao, trong khi cây mía ngày càng giảm nên rất nhiều nông dân bỏ mía theo xoài”.


Ở góc nhìn của doanh nghiệp thu mua mía nguyên liệu, ông Đỗ Thành Liêm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đường Việt Nam cho rằng: Người trồng mía hiện chia thành 2 nhóm, nhóm có diện tích lớn và nhóm có diện tích nhỏ lẻ. Nhóm có diện tích lớn thì áp dụng khoa học công nghệ, chịu khó tìm tòi, học hỏi để nâng cao năng suất, chất lượng mía; họ vươn lên làm giàu bằng chính cây mía, tích lũy được vốn, mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập. Còn nhóm có diện tích đất nhỏ lẻ thì ngược lại, không chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng mía; do đó, năng suất thấp, thu nhập thấp. Họ đổ lỗi cho chính sách, giá cả thu mua của nhà máy đường đưa ra không khuyến khích, nên họ tự ý chuyển đổi sang cây trồng khác. Từ đó, họ tự rơi vào vòng luẩn quẩn nay trồng cây này, mai trồng cây kia. 

   
Cần sự liên kết


Theo quan điểm của ông Liêm, việc nông dân chuyển đổi từ mía sang trồng các loại cây khác sẽ ảnh hưởng đến vùng nguyên liệu khoảng 18.000ha của nhà máy (trong đó địa bàn Khánh Hòa khoảng 11.000ha). “Nhưng nhà máy không thể áp đặt hay trồng mía thay cho họ được. Nhà máy chỉ đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người trồng mía, nếu họ không chịu khó áp dụng thì nhà máy đành chịu. Hiện nay, chính sách thu mua mía của nhà máy không thấp, hiện chưa có đơn vị nào thu mua mía với giá cao hơn chúng tôi. Nông dân đừng nên trông chờ vào chính sách của nhà máy mà hãy vươn lên bằng chính sức lực của mình, một khi nâng cao được sản lượng cây mía thì thu nhập sẽ cao lên. Muốn vậy, nông dân cần từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu lâu nay, đồng thời ứng dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía mà nhà máy đã tập huấn; từ bỏ tập quán trồng mía xuống rồi không chăm sóc; bỏ tình trạng trồng 1 mùa tơ, 2 mùa gốc mà hướng tới trồng 1 vụ tơ, 4 vụ gốc thì mới tăng được lợi nhuận”, ông Liêm nói.


Theo ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, định hướng của thị xã là duy trì diện tích mía khoảng 9.200ha, chủ yếu ở các vùng đất phù hợp. Để cây mía có thể phát triển trên đất Ninh Hòa, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng mía, khuyến khích nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư hệ thống tưới. Hiện nay, Ninh Hòa đang thực hiện nhiều mô hình liên quan đến cây mía như: cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Tây, Ninh Thượng; mô hình sản xuất mía năng suất cao ở Ninh Sơn; hay đang vận động người dân để xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía… Các mô hình này thí điểm thành công sẽ được nhân rộng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả sản xuất mía cho nông dân. “Điều khiến tôi suy nghĩ nhiều là trên địa bàn tỉnh có đến 2 nhà máy chế biến đường với công suất lớn, đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển cây mía, vậy mà nông dân vẫn từ bỏ mía, rõ ràng là giữa nông dân và doanh nghiệp có vấn đề. Muốn ổn định vùng sản xuất mía cần có trợ lực từ Nhà nước nhưng quan trọng hơn là doanh nghiệp và nông dân phải bắt tay, hợp tác với nhau để cùng phát triển. Nếu khi khó khăn doanh nghiệp đẩy phần thiệt về nông dân; còn khi cây trồng khác hiệu quả hơn, nông dân lại từ bỏ mía thì rất khó để phát triển bền vững”, ông Minh chia sẻ.   


BÍCH LA  - VĂN GIANG/baokhanhhoa.vn

vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập971
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm970
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại789,533
  • Tổng lượt truy cập93,167,197
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây