Học tập đạo đức HCM

Trọng tâm nông nghiệp là nông dân, không phải nền hành chính

Thứ ba - 03/04/2012 07:23
"Thứ nhất, nông dân Việt Nam cần được hưởng phần thưởng từ việc tăng chất lượng của nông sản, như người trồng lúa ở Thái Lan đang được hưởng, hay người trồng cà phê ở Kenia được hưởng, tức là thu nhập của họ phải tăng gấp đôi mà không nhất thiết phải tăng năng suất nông nghiệp. Thứ hai, phần còn lại của nền kinh tế phải tham gia vào quá trình chuyển đổi nông nghiệp, để trả lại món nợ mà họ đã “vay” của nông nghiệp trong hai thập kỷ qua." - GS Timmer.
>> Đã hết thời của một nền nông nghiệp giá rẻ
Cách đây 20 năm, khi từ vị trí một nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực, Việt Nam được ví như cô thôn nữ đến tuổi dậy thì, đang ốm nhom trở nên phổng phao, xinh đẹp. Các chàng trai trên tỉnh đều ngắm nhìn cô đầy ngưỡng mộ, và cô thôn nữ rất hãnh diện vì sắc đẹp của mình một cách hồn nhiên.
Có điều, trong 20 năm qua cô thôn nữ đã trở thành thiếu phụ đó vẫn chỉ có niềm tự hào duy nhất về cái vẻ đẹp hồn nhiên của cái tuổi 17 đó, thay vì nghĩ rằng người thiếu phụ ở tuổi đó hấp dẫn đàn ông nhiều hơn ở sự đằm thắm và hiểu biết.
Trong nông nghiệp, "sự đằm thắm và hiểu biết" đó chính là "hàm lượng kỹ thuật cao, bao gồm cả chế biến, để tạo ra giá trị gia tăng cao".
Phóng viên Huỳnh Phan: Giáo sư đánh giá thế nào về nền nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là quá trình hoạch định chính sách nông nghiệp?
GS Timmer: Các bạn có một bộ trưởng nông nghiệp có học hành bài bản, người đã làm việc cùng tôi trong hai năm ở Harvard. Các bạn có một người đứng đầu cơ quan tham mưu chính sách (Tiến sĩ Đặng Kim Sơn- NV) mà tôi đánh giá là một trong những bộ óc tốt nhất về chiến lược nông nghiệp và phát triển nói chung ở toàn khu vực Đông Nam Á. Mỗi khi đến đây, tôi đều có thể trao đổi và tranh luận trực tiếp và thẳng thắn với họi, và thu nhận được điều gì đó bổ ích từ họ.

 
Thế còn nền nông nghiệp của Việt Nam, trong sự so sánh với nước có nền kinh tế xuất phát từ nông nghiệp khác?
Chúng ta có thể so sánh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, và miền Nam Trung Hoa, để thấy rõ Việt Nam thế nào. Có hai câu trả lời, tuỳ theo góc nhìn dài hạn, hay ngắn hạn.
Xét về dài hạn, nhất là kể từ hai thập kỷ trở lại đây, Việt Nam có một thành công đáng khâm phục, khi từ một nước bị đói và phải nhập lương thực, trở thành một nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, hay cà phê. Nói tóm lại, Việt Nam đã có một hệ thống sản xuất nông sản hàng hoá tốt.
Còn về ngắn hạn, vào thời điểm hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương. Chúng ta đang nói về nạn khô hạn, khi mực nước của sông Mekong xuống tới mức thấp nhất trong vòng 85 năm trở lại đây. Vấn đề nhiễm mặn trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết, khiến sản lượng lương thực bị ảnh hưởng đáng kể. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với hạn hán và lũ lụt là những thách thức cực kỳ nghiêm trọng.
Thế nhưng, trong cái rủi có cái may. Thị trường nông sản thế giới lại đi theo chiều hướng thuận lợi cho các nhà xuất khẩu gạo, cà phê, ca cao... Tức là Việt Nam có những cơ hội tốt để thay đổi. Nói cách khác, đây là thời điểm hết sức thuận lợi để Việt Nam chuyển sang một nền nông nghiệp năng suất cao hơn và hiệu quả hơn.
Và đây cũng chính là lúc mà chính phủ Việt Nam phải thể hiện được những sáng kiến của mình. Rất cần có những sáng kiến ở cấp chính phủ để tăng năng suất và tính hiệu quả của những mặt hàng nông sản mà tôi đã kể trên, nhất là liên qua tới thị trường.
Xin Giáo sư nói rõ hơn.
Theo tôi nhà nước cần giảm bớt sự can thiệp vào thị trường, và "bật đèn xanh" cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia hình thành hệ thống cung ứng nối tới tận người nông dân. Tức là đảm bảo làm sao nông sản đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng, và phần lợi tức tăng thêm từ việc tăng chất lượng phải quay trở về túi người nông dân.
Việt Nam hiện đang đứng ở nhất nhì thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu và điều. Giáo sư có nhận xét gì về cuộc sống của một bộ phận lớn dân số đóng vai trò chính trong việc khiến Việt Nam "nở mày nở mặt" với thế giới?
Đó chính là câu hỏi quan trọng nhất trong câu chuyện này. Việt Nam hiện giờ có vị thế của một nước xuất khẩu hàng nông sản giá rẻ. Điều đó có nghĩa là làm nông nghiệp vẫn cứ nghèo thôi, bởi người nông dân phải cạnh tranh trong một phân khúc thấp nhất của thị trường thế giới.
Tất nhiên, so với 10 năm hay 20 năm trước đây, cuộc sống của họ có khá hơn. Chẳng hạn chuyện học hành của con cái họ khá hơn hẳn so với lần đầu tiên tôi đặt chân lên mảnh đất này cách đây 22 năm. Đi về nông thôn bạn không còn thấy nạn đói nữa.
Thế nhưng, nông dân vẫn nghèo, theo cả nghĩa tuyệt đối và tương đối, tức là so sánh với các tầng lớp khác trong xã hội. Vì thế, cơ hội của họ rất hạn chế.
Giáo sư có gợi ý gì về giải pháp giảm nghèo không?
Có hai việc cần làm.
Thứ nhất, nông dân Việt Nam cần được hưởng phần thưởng từ việc tăng chất lượng của nông sản, như người trồng lúa ở Thái Lan đang được hưởng, hay người trồng cà phê ở Kenia được hưởng. Tức là người nông dân phải được hưởng tỷ lệ lớn hơn trong phần chi trả của người tiêu dùng. Nói một cách cụ thể, thu nhập của người nông dân phải tăng gấp đôi mà không nhất thiết phải tăng năng suất nông nghiệp.
Điều thứ hai khó hơn, nhất là với những người ra quyết sách nông nghiệp. Đó là tạo việc làm ở đô thị cho những nông dân hoặc nghèo, hoặc được chia quá ít đất canh tác. Đó là sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp và cách mà nhiều nước đã trở nên phồn vinh. Phần còn lại của nền kinh tế phải tham gia vào quá trình này, để trả lại món nợ mà họ đã "vay" của nông nghiệp trong hai thập kỷ qua.
Ông có nghĩ rằng để giúp cho người nông dân nhận được phần hơn trong chuỗi giá trị, một công ty tư nhân có thể làm được, khi mà đối với doanh nghiệp ưu tiên cao nhất là lợi nhuận? Nhiều người, nhất là nông dân, có thể nghi ngờ ý nghĩa tốt đẹp của câu chuyện này?
Trước hết, phải đặt câu hỏi theo cách khác: Nếu không phải khu vực tư nhân, vậy là khu vực nào? Nhà nước chăng?
Không. Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ trong việc đào tạo, cung cấp tri thức cho nông dân, giới thiệu những kỹ thuật mới, hay cải thiện hạ tầng nông thôn thôi.
Những việc còn lại, nhất là tạo sự kết nối trực tiếp với nông dân để hiện đại hoá nông nghiệp và giảm chi phí trung gian, thì lịch sử nông nghiệp thế giới đã chứng kiến nhiều ví dụ tốt về vai trò của các doanh nghiệp tư nhân.
Theo những gì tôi nghiên cứu, nhà nước, hay khu vực công, không biết cách thúc đẩy thị trường, thực hiện sản xuất nông sản, hay thậm chí tạo công ăn việc làm cho nông dân. Còn doanh nghiệp tư nhân biết làm cái công việc kết nối nông dân với người tiêu dùng, bởi họ biết người tiêu dùng cần gì, để hướng người nông dân đáp ứng điều đó và nhận phần chia xứng đáng.
Tức là để kiếm thêm tiền từ người tiêu dùng, doanh nghiệp tư nhân biết họ và những người nông dân cần làm gì để cùng hưởng lợi chính đáng. Đó là con đường hai chiều mà doanh nghiệp tư nhân có thể tạo ra.
Trên thế giới, tuỳ theo lịch sử, văn hoá, hay thể chế chính trị, mà sự tham gia của nhà nước, hay tư nhân, có vai trò quan trọng hơn hay kém. Mức độ tách bạch của sự phân công cũng khác nhau. Ở Việt Nam, dường như vai trò của khu vực công, hay sự can thiệp của nhà nước, là quá nặng nề, nhất là trong tiếp thị và xuất khẩu.

 
Ví dụ?
Gạo thì khỏi nói luôn, bởi chúng ta đã chứng kiến màn trình diễn không mấy ấn tượng của các tổng công ty nhà nước trong lĩnh vực này. Còn trong lĩnh vực cà phê, Vinacafe là một tay chơi lớn trên thị trường xuất khẩu cà phê. Nhưng trên thực tế, thị trường cà phê thế giới lại cần những thương hiệu riêng nổi bật.
Việt Nam cần phải chuyển đổi từ vị trí mà lịch sử đã xác lập cho quốc gia này để chuyển sang một vị thế hiệu quả hơn, năng động hơn. Và điều quan trọng nhất là chuyển sang một nền nông nghiệp lấy người nông dân, chứ không phải nền hành chính nhà nước, là trọng tâm. Thực lòng mà nói tôi chả mấy tin rằng nền hành chính của nhà nước có thể bảo vệ lợi ích của người nông dân.
Nước Mỹ có một nền nông nghiệp thuộc vị trí hàng đầu trên thế giới. Chính phủ Mỹ có vai trò gì trong chuyện này?
Để trả lời câu hỏi của anh, tôi xin kể một câu chuyện. Tôi lớn lên trong một nông trại, và hai người em của tôi là những nông dân thực thụ, hệt như những người nông dân Việt Nam mà anh đã gặp. Có lẽ, điều khác biệt lớn nhất là họ đều tốt nghiệp đại học về chuyên ngành nông nghiệp của những đại học danh tiếng.
Phòng Nông nhiệp của cái huyện nơi họ sống, cánh tay nối dài của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, về lý thuyết, có vai trò hỗ trợ những nông dân như họ bằng những kỹ thuật mới, và kiến thức thị trường. Thế nhưng, nếu cứ răm rắp nghe theo toàn bộ những gì mà Phòng Nông nghiệp huyện hướng dẫn, có lẽ hai người em của tôi đã chết từ lâu rồi.
Giáo sư không đùa đấy chứ?
Thật mà. Bởi kiến thức của mấy ông khuyến nông nhà nước này chỉ bằng một phần mười so với những hiểu biết và kinh nghiệm của mấy người em tôi. Vậy vai trò của phòng nông nghiệp là gì? Tôi có thể nhận xét bằng hai chữ "tiêu cực".
Như tôi đã nói ở trên, nhà nước chỉ có hai việc để làm thôi. Đó là phát triển hạ tầng nông thôn, và tạo ra những trường đại học có thể cung cấp những kiến thức hiện đại nhất về công nghệ nông nghiệp.
(Còn tiếp...)

 
Theo Vietnamnet
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập725
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại742,613
  • Tổng lượt truy cập93,120,277
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây