Ăn ngủ ở rừng để tầm lan
Sau nhiều năm bôn ba bươn chải ở đất Sài Gòn, anh Hiến trở về nhà làm đồ mỹ nghệ và phụ giúp gia đình làm cà phê...Ngay từ nhỏ anh đã có niềm đam mê với lan rừng. Khi sống ở Sài Gòn anh cũng ao ước có được vườn lan rừng. Tuy nhiên, tại đây anh lại không thể gây dựng vườn lan mà anh ao ước. Sau một thời gian xa nhà, xa gia đình anh quyết tâm trở về quê lập nghiệp. Cũng chính từ đây anh có dịp để sưu tầm, xây dựng vườn lan rừng mà anh hằng ấp ủ.
Giò lan nghinh xuân được nhiều khách hàng mua với giá từ 2-3 triệu nhưng anh Hiến vẫn không bán
Chàng trai trẻ tâm sự: “Sau khi từ Sài Gòn trở về, năm 2010 mình bắt đầu gây dựng vườn lan này. Mình đi rừng và tìm hiểu môi trường sống của từng loài lan rồi bắt đầu đem lan về thuần tại vườn. Có những chuyến đi rừng mất 4 đến 5 ngày trời chỉ tìm hiểu 1 loài lan, ăn ngủ ở rừng rồi bị rắn cắn, vắt chích. Nhưng hôm sau mình lại đi tiếp, bị gia đình ngăn cản nhưng vẫn không bỏ được, dần dần rồi nghiện đi rừng. Giờ một tuần mà mình không đi 2 đến 3 chuyến là lại đứng ngồi không yên”.
Lan thanh đạm cỏ -loài lan anh Phạm Võ Hiến phải mất mấy ngày luồn rừng ở Lâm Đồng mới tìm được.
Diện tích khu vườn lan của anh Hiến chỉ vọn vẻn 72m2, nhưng hiện nay đã có đến 125 loài lan rừng quý hiếm, một số loài lan tiêu biểu như: Giả hạc, hoàng thảo, nghinh xuân, phi điệp....Theo anh Hiến, điều quan trọng nhất khi chơi lan rừng là phải tìm hiểu cặn kẽ môi trường sống của từng loại lan. Mỗi loài lan có một đặc tính khác nhau, môi trường, nhiệt độ thích nghi cũng khác nhau. Không thể đưa một loại lan đang sống ở độ cao hơn 1.000 mét trở về độ cao mấy trăm mét được. Vì vậy trước khi lấy một loại lan trên rừng về vườn nhà chăm sóc phải tìm hiểu nhiệt độ sống của nó, nếu không khi lấy về nó sẽ lụi dần và chết hết.
Lan nhung vẩy ốc, một loài phong lan nhỏ, thân và lá đầy lông thường nở vào mùa xuân có mặt tại vườn lan của anh Phạm Võ Hiến.
“Hồi đó mình phải mất gần 1 tuần mới tìm hiểu được môi trường sống của loài giả hạc. Ban đầu chơi lan cứ tưởng lan rừng khi lấy về sẽ phát triển mạnh vì được chăm sóc kỹ lưỡng hơn, tưới nước bón phân nhiều hơn. Nhưng không phải sau một thời gian chăm sóc kỹ càng, cả vườn lan loài nào loài nấy cứ lụi dần rồi chết. Sau đó được những anh bạn chia sẻ kinh nghiệm chơi lan rừng nên con số lan chết ngày một ít đi và hiện tại thì lan phát triển khá tốt...”, anh Hiến kể lại.
Thuần lan theo cách của...rừng
Tuy mê lan rừng, nhưng loài nào không thuần được anh Phạm Võ Hiến sẽ trả lại rừng chứ không chơi theo kiểu “bắt ép”. Theo anh phải để lan sống theo cách tự nhiên, phát triển theo cách tự nhiên...thì lan mới đẹp, mới có sức sống...Trước khi trồng anh ủ các loại phân bò, phân dê để hoai mục rồi bón và dùng một số chế phẩm sinh học để phun phòng tránh các loại ruồi, muỗi đến phá hoại hoa lan...
Hoa của loài lan cảnh y, giò lan được anh Hiến tìm thấy sâu bên trong rừng Eahleo, tỉnh Đắk Lắk.
Hầu hết các cánh rừng ở mảnh đất Tây Nguyên như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng...đều có dấu chân của anh Phạm Võ Hiến. Chỉ cần nghe đâu có một loài lan mới, lan đẹp là anh lại lên rừng ngay. Điều đặc biết quan điểm chơi lan của chàng trai trẻ cũng rất khác lạ, chỉ sưu tầm lan, tặng và trao đổi các loại lan cho những người yêu thích chơi lan rừng chứ không bán. Toàn bộ diện tích khu vườn lan của chàng trai trẻ đều được lắp đặt hệ thống phun sương tự động, màn lưới che chắn cẩn thận. Từ những loài lan bông nhỏ đến những loại lan bông to, phong lan, địa lan anh đều sưu tầm.
Giò lan hoàng thảo phi hạc được anh Phạm Võ Hiến lấy ở rừng tỉnh Đắk Nông, vào mùa nở hoa bông to, thơm và rất lâu tàn.
Anh Hiến chia sẻ: “Mình rất thích những loài lan lọng, những loài lan bông nhỏ tuy không sặc sỡ như những loài lan bông to nhưng ngược lại mùi rất thơm, nở lâu tàn...Điều đặc biệt ở loài lan rừng là thiếu nước không chết nhưng dư nước sẽ chết ngay, nó có thể chịu hạn nhưng lại không thể chịu được ẩm, mốc...Chính vì vậy nên môi trường sống của các loài lan mình lấy từ rừng về thuần luôn khô ráo, thoáng mát chỉ cần để ẩm, ướt là y như rằng lan sẽ chết ngay”.
Anh Phạm Võ Hiến giới thiệu giò lan hoàng thảo vẩy rồng, giò lan dài từ 10 đến 30 cm, nở từ 5 đến 15 bông hoa
Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Hiến cho hay, sắp tới mình cũng đang có ý định sẽ nhân giống lan bằng cách cấy, ghép từ những mô lan mẹ. Ươm mầm lan từ những quả lan để nhân rộng, phát triển nhiều hơn nữa các loại lan quý hiếm. Khi đó ai cũng có thể chơi lan, bảo tồn và phát triển những loài lan quý, loài lan sẽ không bị cạn kiệt mà ngày càng phát triển mạnh hơn...
Toàn bộ diện tích khu vườn lan rộng 72m2 được anh Phạm Võ Hiến lắp đặt hệ thống phun sương tự động và lưới che đảm bảo độ ẩm để lan phát triển
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;