Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hầu hết các ngành sản xuất
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn duy trì mức tăng khá, song đã có dấu hiệu chững lại, kể từ tháng 3 khi mà một số ngành chủ lực như: Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học... phải hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên vật liệu đầu vào. Chỉ số sản xuất 4 tháng vẫn tăng 7,7%, song ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Khó khăn của doanh nghiệp phần lớn đến từ việc thiếu nguyên liệu và các khâu trong sản xuất kinh doanh, đơn hàng bị cắt giảm, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tình hình tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn do nhu cầu sử dụng nông sản của các khu du lịch, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, các nhà máy, khu công nghiệp, trường học giảm; thị trường xuất khẩu nông sản gặp khó khăn do các nước phong tỏa đóng cửa biên giới để phòng chống dịch, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Dịch bệnh đã tác động mạnh đến tâm lý mua sắm của người dân, hoạt động mua sắm tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại giảm sâu (doanh thu tại các siêu thị giảm 30%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 4 tháng năm 2020 ước đạt 8.890 tỷ đồng, giảm 6,8% so cùng kỳ. Giá trị xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn giảm mạnh, đặc biệt kể từ tháng 4/2020.
Kết quả thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài đều giảm so với cùng kỳ về cả số dự án và số vốn đăng ký. Tính đến hết 29/4/2020, số dự án đầu tư trong nước cấp mới là 20 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 330,5 tỷ đồng (bằng 87% về số dự án và bằng 80,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019). Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm đến nay, 13 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký đạt 228,893 triệu USD (chỉ bằng 50% số dự án và bằng 73% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019).
Dịch bệnh đã làm đảo lộn sinh hoạt của người dân. Hầu hết các hộ kinh doanh vừa và nhỏ đóng cửa, không có nhu cầu thuê lao động theo thời vụ hoặc ngày công như xe ôm, làm thuê, bốc vác... Nhiều lao động trong các hộ nghèo, hộ cận nghèo bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc nguồn thu nhập bị giảm sút đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống. Bên cạnh đó, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến các hoạt động văn hóa, du lịch, giáo dục, y tế.
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Để kịp thời ứng phó với tác động của dịch Covid-19, bảo đảm duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo ứng phó với tác động của dịch Covid-19 để xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tập trung thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Để thực hiện tốt “mục tiêu kép”, tỉnh Bắc Giang triển khai các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu (như thị trường Nga, châu Mỹ, châu Phi), giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc; hướng dẫn doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy cách, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất và chuẩn bị tốt các điều kiện cho công tác tiêu thụ vải thiều năm 2020.
Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông sản; triển khai các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác; nghiên cứu cơ hội và chuyển đổi phương thức kinh doanh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của địa phương. Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm, về vốn sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ổn định và duy trì phát triển sản xuất, đời sống cho người lao động trong các doanh nghiệp.
Chủ động triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tập trung cao cho thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thu ngân sách. Đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Với những giải pháp quyết liệt, phù hợp cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp chính quyền, tỉnh Bắc Giang đang vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.
Theo An Nhiên/bacgiang.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;