Năm 2015, sau hai năm theo học tại Trường Cao đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Bắc (TP. Thái Nguyên), anh Triệu Quang Tú tốt nghiệp. Với sở thích chăn nuôi, anh đã tích cực xem nhiều chương trình dạy nuôi dế trên tivi và đọc các bài viết về khuyến nông.
Tú nhận thấy mô hình dế có thể áp dụng ngay tại trang trại gần nhà, anh quyết định làm thử. Anh liên hệ và đặt mua 5 bọc trứng dế nuôi trong thùng xốp. Sau 7 ngày, trứng nở ra hai thùng dế con.
Khi đó, mô hình nuôi dế tại Bắc Kạn chưa phát triển, Tú gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm tài liệu, chăm sóc. Thời gian đầu, anh cũng có thất bại. Khi nắm chắc kỹ thuật chăm sóc và quá trình sinh sản của dế, Tú biến mảnh vườn nhà mình tại xã Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn thành trang trại dế rộng 1000m2 với 100 thùng dế được làm bằng gỗ.
Bước đầu thành công, tuy nhiên anh lại gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Tú tự mình đi giới thiệu đến các điểm bày bán sản phẩm Ocop, các quán nhậu, tới từng khách hàng gần xa. Năm 2019, cơ sở Triệu Quang Tú đã có một sản phẩm “Dế mèn đóng hộp” chứng nhận ba sao, được bày bán tại các gian hàng ở tỉnh.
Lâu dần, khách hàng tìm đến và đặt mua ngày càng đông. Ít tháng sau, món dế mèn trở thành quen thuộc với nhiều người dân Chợ Đồn. Ngoài phục vụ các quán nhậu, anh còn tiêu thụ sang các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội . . .
Dế thương phẩm còn được khách hàng đặt làm thức ăn cho chim. Trứng dế được Tú bán với giá mỗi khay là 100-200 nghìn đồng.
“Dế là loài vật sống thành đàn, thức ăn dễ kiếm. Tôi có thể trồng thức ăn như sắn, mía ngay tại vườn, vòng đời ngắn, có thể xoay vốn nhanh. Sau một tháng, sẽ có khoảng 50-60 kg dế thành phẩm, thu nhập trên 10 triệu đồng. Muốn cho đàn dế phát triển nhanh, năng suất chất lượng cao, tránh được dịch bệnh, người nuôi phải chú ý đến chuồng trại cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ, tránh nơi mưa gió”, ông chủ 29 tuổi của trang trại dế nói.
Tú cho biết thêm, trước khi chế biến, người nuôi phải cho dế nhịn ăn 3 ngày để thải các chất không tốt ra khỏi cơ thể. Sau đó, dế được cho ăn bột đậu xanh rồi nhịn tiếp 3 ngày. Trước khi bỏ vào tủ lạnh bảo quản, dế được rửa bằng nước muối loãng.
Ngoài nuôi dế, năm 2019, anh Tú còn mở thêm mô hình nuôi tắc kè. Đến nay, anh đã nhân rộng mô hình và hướng dẫn các hộ gia đình ở xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn nuôi loài bò sát này. Tú cũng đang hoàn thiện mô hình nuôi chim cảnh vì có sẵn nguồn thức ăn cho chim từ dế.
Mô hình nuôi dế của anh Triệu Quang Tú được xem là một mô hình chăn nuôi mới tại địa phương với đầu ra ổn định, phù hợp với các nông hộ có diện tích đất ít, có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi tăng thu nhập cho người dân.
https://nongnghiep.vn/de-men-dong-hop-3-sao-gay-chu-y-d296534.html
Theo Tâm Tình - Văn Việt/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã