Học tập đạo đức HCM

Hà Giang: Bừng sáng những ý tưởng khởi nghiệp

Chủ nhật - 07/06/2020 10:39
Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn quan tâm tới vấn đề khởi nghiệp, một số chính sách, chương trình được ban hành, triển khai; nhiều ước mơ đã được thắp sáng, mang lại niềm tin cho mọi người, tạo động lực cho các ý tưởng bùng lên.

Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp

Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) tỉnh Hà Giang được thành lập và đi vào hoạt động từ cuối năm 2018; với mục đích hỗ trợ, nâng cao năng lực khởi sự kinh doanh cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (KN); hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong quá trình hoàn thiện, phát triển dự án.

Ông Phạm Thanh Hòa, Phó ban Thường trực Vườn ươm DNKN tỉnh, cho biết, nhiều bạn trẻ khi thực hiện ý tưởng kinh doanh gặp không ít khó khăn do chưa đủ kiến thức, kinh nghiệm,... Do vậy, chúng tôi thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn, kết nối với các nhà đầu tư và các cố vấn giàu kinh nghiệm để trang bị kiến thức cho các KN viên; đồng thời, giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện ý tưởng và mang sản phẩm tiếp cận với thị trường một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, Vườn ươm DNKN còn đẩy mạnh chương trình Cà phê KN; chương trình được tổ chức hàng quý theo các chủ đề khác nhau, tại đây, các doanh nhân thành đạt sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, các kỹ năng quản trị kinh doanh, kinh nghiệm tiếp cận thị trường. Qua đó, tạo cơ hội đối thoại trực tiếp, tháo gỡ những vướng mắc giúp các đoàn viên, thanh niên định hướng và hoàn thiện các ý tưởng, dự án KN.

đoàn-viên-thanh-niên-tiếp-cận-kiến-thức-khởi-nghiệp-tại-tủ-sách-vườn-ươm-doanh-nghiệp-khởi-nghiệp.jpg
Đoàn viên, thanh niên tiếp cận kiến thức khởi nghiệp tại tủ sách Vườn ươm Doanh nghiệp khởi nghiệp.

Là một trong những dự án đang được hỗ trợ, ươm tạo tại Vườn ươm DNKN, năm 2019, dự án nuôi gà xương đen của anh Dương Văn Nghị (xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn) được vay 200 triệu đồng với lãi suất 0,5%/năm. Nhờ trang bị kiến thức kết hợp với nguồn lực của gia đình, anh thường duy trì nuôi trên 1.200 con gà đen giống địa phương; với giá bán 180.000/kg, lợi nhuận thu được khoảng 70-80 triệu đồng/năm.

Quản Bạ nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

Với vai trò chăm lo, định hướng, giáo dục đoàn viên, thanh niên (ĐVTN), thời gian qua, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên huyện Quản Bạ đã có nhiều giải pháp, tổ chức các hoạt động, mô hình sáng tạo nhằm hỗ trợ, động viên ĐVTN khởi nghiệp, như: Diễn đàn khởi nghiệp, các hoạt động ngoại khóa tìm hiểu các chính sách giải quyết việc làm, xây dựng các chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn,... tạo điều kiện cho ĐVTN có ý chí, khát vọng lập nghiệp và làm giàu chính đáng, tập hợp để giao lưu, học hỏi kiến thức, tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.

huyện-quản-bạ-tư-vấn-nghề-nghiệp-cho-đoàn-viên-thanh-niên.jpg
Huyện Quản Bạ tư vấn nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên

Quản Bạ có trên 260 mô hình khởi nghiệp hiệu quả và bền vững; góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho ĐVTN, người lao động nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Trên tổng số 260 mô hình khởi nghiệp, có 234 mô hình kinh doanh cá thể được tập trung vào các lĩnh vực: Chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, du lịch…

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều mô hình của các khởi nghiệp viên được đánh giá hiệu quả và mang lại thu nhập cao, như: Nuôi ong, chăn nuôi bò vỗ béo, nuôi chim bồ câu, nuôi thỏ, gà, lợn đen... Các mô hình đã giúp cho mỗi ĐVTN và các khởi nghiệp viên có thu nhập ổn định; nhiều mô hình đã đem về doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, nhiều mô hình đã khẳng định được tính bền vững cũng như hiệu quả cao, như: Mô hình trồng Hồng không hạt tại xã Nghĩa Thuận; trồng Ấu tẩu nấu cao tại xã Cao Mã Pờ; trồng, chế biến dược liệu tại xã Quản Bạ, thị trấn Tam Sơn; trồng rau sạch tại xã Quyết Tiến… Bên cạnh đó, nhiều Khởi nghiệp viên đã chịu khó học hỏi, sáng tạo và mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ du lịch, mạnh dạn đầu tư dịch vụ nhà lưu trú homestay, dịch vụ tắm lá thuốc, nhà hàng, quán ăn,... Các mô hình khởi nghiệp đã mang lại cho những Khởi nghiệp viên nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần tạo động lực, cổ vũ ĐVTN, người lao động mạnh dạn khởi nghiệp.

Tạo niềm tin cho những khát vọng làm giàu

Sinh năm 1986, chàng trai khuyết tật Vương Quốc Trường (thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, Quản Bạ) luôn có ý chí, nghị lực vượt lên chính mình, làm giàu cho gia đình và xã hội. Từ lúc 5 tuổi, gia đình phát hiện anh bị bệnh xương thủy tinh ở 2 chân, cứ hoạt động mạnh là gãy, do gãy nhiều lần đến nay chân anh bị teo, đi lại rất khó khăn. Đến tuổi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng chạy nhảy vui chơi, trong khi bản thân phải nhọc nhằn lê từng bước nên anh Trường quyết định nghỉ học ở nhà, tự mày mò học tập và giúp gia đình chăm sóc vườn rau.

anh-vương-quốc-trường-kiểm-tra-dịch-bệnh-cho-thỏ.jpg
Anh Vương Quốc Trường kiểm tra dịch bệnh cho thỏ.

Khi trưởng thành, anh tiếp tục làm vườn, làm nông nghiệp, phát huy nghề trồng rau của gia đình. Quá trình sản xuất, tiêu thụ, anh nhận thấy: Rau Ngũ gia bì là một loại rau được khách hàng rất ưa chuộng, anh đã nhân rộng được hơn 0,4 ha; mô hình trồng rau này đã được anh chăm sóc bài bản hơn, không còn lẻ tẻ như trước đây gia đình anh thường trồng nên thu nhập ngày một cao. Ngoài việc trồng rau, anh Trường còn tiến hành chăn nuôi, từ những năm 2012, anh đã đầu tư nuôi hơn 10 con thỏ New Zealand, tích cực tìm hiểu và có cách chăm sóc phù hợp nên đàn thỏ của gia đình anh đã nhân lên nhanh chóng, có lúc cao điểm có tới nghìn con. Mỗi tháng trung bình vợ chồng anh bán 200 con thỏ giống (giá 250.000 - 300.000 đồng/đôi); thỏ thịt bán ít hơn, giá khoảng 120.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Trường thu được trên 100 triệu đồng từ bán thỏ, rau và tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương.

Anh Triệu Văn Hiệp (tổ 15, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên) đã xây dựng mô hình trồng hoa, rau quả sạch. Mô hình của anh đã đoạt giải Nhất tại Cuộc thi “Khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Hà Giang năm 2020”. Anh Hiệp cho biết, giữa tháng 5/2018, với số vốn hơn 1 tỷ đồng, vợ chồng anh đầu tư xây dựng 5.000 m2 nhà vườn mang tên “Thiên đường hoa Thu Liễu”, chuyên trồng các loại hoa và rau quả sạch. Các loại hoa hồng có mức giá từ 20 – 25.000 đồng/bầu chiết cành, nhiều loại hoa hồng cổ, hoa hồng ngoại được trồng và tạo hình có giá lên đến 5 – 7 triệu đồng/chậu; các loại hoa thảm có giá từ 10 – 35.000 đồng/bầu, từ 200 – 300.000 đồng/chậu treo. Bình quân mỗi năm, anh Hiệp xuất bán khoảng 5.000 cây hoa hồng và nhiều loại hoa giống khác. Năm 2019, sau khi tham quan, nghiên cứu, học tập kiến thức từ nhiều nhà vườn ở các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nội, Lâm Đồng…

mô-hình-nhà-vườn-trồng-hoa-rau-quả-sạch-của-anh-triệu-văn-hiệp-phải-tổ-15-thị-trấn-vị-xuyên-vị-xuyên-ảnh-tư-liệu.jpg
Mô hình nhà vườn trồng hoa, rau quả sạch của anh Triệu Văn Hiệp (phải) tổ 15, thị trấn Vị Xuyên (Vị Xuyên). Ảnh tư liệu.

Anh Hiệp đầu tư công nghệ thực hiện chiết xuất, tạo ra các sản phẩm sạch từ nguồn hoa hồng sẵn có tại nhà vườn, như: Trà hoa hồng; nước hoa hồng; bột đắp mặt hoa hồng nguyên chất. Cùng với đó, vợ chồng anh còn trồng thêm dâu Tây và nho đen không hạt trong nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt và hoàn toàn sử dụng các loại thuốc sinh học và phân bón hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, nhà vườn còn làm địa điểm du lịch sinh thái, đón khách đến tham quan, chụp ảnh. Nhờ đó, thu nhập bình quân của gia đình anh Hiệp bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.

Vợ chồng chị Bàn Thị Nhớ (thôn Bản Đén, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên) đã thoát nghèo và từng bước làm giàu với mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp, mỗi năm gia đình chị thu về gần 200 triệu đồng. Cuối năm 2017, với số vốn tích cóp khoảng 100 triệu đồng, vợ chồng chị đầu tư vào chăn nuôi lợn đen bản địa, trâu sinh sản và vịt thương phẩm. Hiện nay, gia đình chị Nhớ luôn nuôi 3 con lợn nái, đàn lợn thịt lên đến gần 50 con/lứa (mỗi năm được gần 2 lứa), hơn 150 con vịt thịt và 6 con trâu nuôi sinh sản, vỗ béo. Đầu năm 2019, vợ chồng chị quyết định mở rộng sản xuất và phát triển thêm mô hình chăn nuôi gà Mía với 400 con giống.

Khởi nghiệp bất chấp tuổi tác

Nắm được xu thế phát triển của khoa học và công nghệ hiện nay, anh Nguyễn Văn Chiến đã mạnh dạn đầu tư, thành lập Công ty TNHH giải pháp Công nghệ Hà Giang (số 74, đường Nguyễn Thái Học, Tp Hà Giang), chuyên tích hợp một số giải pháp công nghệ thông minh cho các ngôi nhà và lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái cung cấp cho điện lưới Quốc gia.

lắp-đặt-hệ-thống-điện-năng-lượng-mặt-trời-áp-mái-cho-khách-hàng.jpg
Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái cho khách hàng

Anh Chiến chia sẻ: Xuất thân từ dân công nghệ đã về nghỉ hưu, mặc dù chưa làm kinh doanh nhưng với sự hậu thuẫn của gia đình, bạn bè và kỹ thuật của các chuyên gia cùng đội ngũ người lao động công ty nên các giải pháp thiết kế, tư vấn, lắp đặt các thiết bị thông minh cho một ngôi nhà như camera an ninh, chuông báo, điện thông minh, cửa từ…, tôi đều làm chủ được. Đến nay, công ty chúng tôi đã triển khai trên 10 dự án, trong đó 7 dự án đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng, các dự án còn lại đang tiếp tục triển khai.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tuyên truyền thông tin tới bà con để phòng, chống dịch là rất cần thiết, chúng tôi đã tư vấn với lãnh đạo thành phố Hà Giang, thiết kế và lắp đặt hệ thống loa phát thanh không dùng dây tại 5 phường với 48 điểm phát. Hệ thống loa phát thanh của công ty lắp đặt đã giúp thành phố Hà Giang tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; hệ thống loa phát thanh không dây đã phần nào giúp người dân ý thức hơn trong việc phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Trong lĩnh vực khởi nghiệp, những năm qua, Hà Giang đã gặt hái được một số thành công, có dự án đã dành giải cao trong cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn như Dự án Green Blessing “Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm” của nhóm tác giả đến từ Hà Giang đã đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ nhất” do Trung ương Đoàn tổ chức. Hy vọng, thời gian tới, nhiều ý tưởng khởi nghiệp sẽ tiếp tục được thắp sáng, được bùng lên, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, từng bước đưa Hà Giang ngày thêm đổi mới hơn.

Theo  Đình Hợi (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay45,722
  • Tháng hiện tại973,039
  • Tổng lượt truy cập92,146,768
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây