Song với quyết tâm cao độ, toàn ngành đã cán đích ngoạn mục, tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế và đẩy mạnh phát triển. Tiếp đà nỗ lực, năm 2021, ngành hướng đến khát vọng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, chủ động và hiệu quả với những “con số” kỳ vọng mới, thành công mới.
Phóng viên Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường xung quanh chủ đề khát vọng phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại và đâu là “chìa khóa” của nền nông nghiệp mới?
Năm 2020 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp, song toàn ngành đã nỗ lực biến “nguy” thành “cơ” và chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó như thế nào thưa Bộ trưởng?
Nhận định về những khó khăn, thách thức, ngay từ đầu năm 2020, toàn ngành đã xác định rõ: Thách thức lớn, khó khăn nhiều nhưng với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, bám sát thực tiễn…, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần bình tĩnh, nhận dạng kỹ, chính xác từng vấn đề để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp vốn đã nỗ lực, nay phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là biến “nguy” thành “cơ”; linh hoạt phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, để vừa chuẩn bị các điều kiện phục vụ sản xuất, vừa phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế.
Quán triệt tinh thần này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như: Tổ chức họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành trên cả nước, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp bàn giải pháp phát triển sản xuất; Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan họp bàn đề tháo gỡ khó khăn đối với một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực; Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng theo lĩnh vực được phân công cũng thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời chỉ đạo, chung tay hành động cùng với doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, thách thức;
Đồng thời, chỉ đạo các cục, vụ chức năng phối hợp xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp, nắm bắt thông tin về thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc…, để phân tích, đánh giá, dự báo về nhu cầu, những diễn biến của thị trường nông sản trước tác động của dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, tạo điều kiện tích cực nhất phục vụ sản xuất và sẵn sàng tập trung phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2020.
Với những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và toàn ngành, Bộ trưởng có thể chia sẻ những dấu ấn về kết quả đạt được trong năm 2020?
Trong bối cảnh khó khăn, ngành Nông nghiệp và PTNT đã vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống tốt dịch bệnh... Nhờ vậy, năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%. Đây là một dấu ấn đặc biệt giữa bối cảnh khó khăn chung này.
Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tiếp tục tăng trưởng, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục mới với 41,25 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì được 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.
Thứ ba, năm 2020 được đánh giá là năm “Bứt phá trong công tác hội nhập”, khi Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14.
Việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục từ các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu, ngành nông nghiệp đã tận dụng các thế mạnh và đẩy nhanh xuất khẩu, thị trường rộng mở.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nam Hightech ứng dụng hệ thống công nghệ nhà màng, điều khiển lưu lượng tưới, dinh dưỡng qua smartphone. Ảnh: Minh Quyết
Bên cạnh đó, nhiều dấu ấn khác như đa dạng các sản phẩm OCOP với hơn 3.200 sản phẩm OCOP, thúc đẩy các chuỗi liên kết mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).
Tiếp tục phát huy vai trò của ngành trong năm mới 2021, với khát vọng hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, chủ động và hiệu quả, Bộ trưởng có chia sẻ về những nhóm giải pháp sẽ được ưu tiên để thực hiện được mục tiêu đề ra, thưa Bộ trưởng?
Năm 2021, ngành xác định 2 nhóm chương trình lớn vẫn phải tiếp tục đó là tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, về hướng này tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị từ phát triển nguyên liệu, tập trung chế biến đến tổ chức thương mại, phải hình thành được những chuỗi này và trên cơ sở đồng bộ cả 3 nhóm sản phẩm chủ lực.
Đó là nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, bao gồm các mặt hàng mà chúng ta có giá trị xuất khẩu 1 tỷ đô la Mỹ trở lên cùng với đó phải đồng bộ các nhóm nông sản có lợi thế và thế mạnh như: nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Bắc Giang, những nhóm nông sản này từng tỉnh có những lợi thế chúng ta phải tập trung.
Các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương gọi là phong trào OCOP “mỗi xã một sản phẩm”. Như vậy, đồng hành cùng một lúc 3 trục sản phẩm này chúng ta đều phải tập trung chỉ đạo phát triển theo hướng hàng hóa hiệu quả trên cơ sở ứng dụng khoa học tốt nhất công nghệ 4.0 vào từng quy mô, từng khu vực, từng ngành hàng.
Chương trình thứ hai phải tập trung là, không ngừng đổi mới công tác quản trị trên nền tảng của công nghệ số, công nghệ 4.0 để làm sao có được những hình thức quản trị phù hợp nhất, đặc biệt là các hình thức tổ chức sản xuất dưới một nền nông nghiệp thông minh.
Chúng ta cũng phải hướng đến hội nhập, theo đó, phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Do đó, nhánh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đặc sản cần chú ý hơn để làm sao từng bước trở thành phổ biến trong đời sống sản xuất.
Một điểm nữa là, tập trung nỗ lực các nhóm giải pháp để mời gọi được nhiều doanh nghiệp tham gia hơn nữa và trở thành nòng cốt hạt nhân trong chuỗi liên kết để cùng với việc thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới cùng với các hộ nông dân, chúng ta hình thành được liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã của mình với doanh nghiệp thành một trục liên kết nhuần nhuyễn hoàn thiện trong các quy mô sản xuất, cấp độ ngành hàng thì chúng ta mới có thể đảm bảo được mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập, chủ động, hiệu quả.
Trong năm mới 2021, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ được Bộ tiếp tục quan tâm như thế nào? Đâu là “chìa khóa” tạo ra nền nông nghiệp hiện đại, thưa Bộ trưởng?
Đánh giá thành công của việc tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn trong những năm qua cho thấy một nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp phát triển, gắn kết chặt chẽ với hợp tác xã để trở thành hạt nhân trụ cột trong liên kết với bà con nông dân.
Đây là một trong những nhân tố, nhóm giải pháp rất quan trọng, thậm chí quyết định đến chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, hội nhập. Do đó, cần tiếp tục các giải pháp tổng thể để khuyến khích nhiều hơn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói riêng , khu vực nông thôn nói chung. Với vai trò quản lý, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương tạo điều kiện thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư.
Không chỉ với doanh nghiệp, cần hỗ trợ người nông dân đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, bởi bản thân doanh nghiệp không thể “với tay” đến từng hộ gia đình mà phải thông qua các hợp tác xã kiểu mới này. Có như vậy, mới hình thành được trục sản xuất doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân thành một thể thống nhất. Điều này hết sức phù hợp với Việt Nam. Đó là đi lên từ những mảnh ruộng nhỏ nhưng vẫn có nền sản xuất lớn, tập trung, quy mô hàng hóa, phù hợp với đặc thù từng ngành, từng khu vực. Trụ cột liên kết “doanh nghiệp - hợp tác xã - bà con nông dân” là chìa khóa tạo ra nền nông nghiệp hiện đại.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã