Bắc Ninh: Xây dựng mô hình "Nông dân đô thị"
Gắn phát triển kinh tế với xây dựng đô thị văn minh là nhiệm vụ được Hội Nông dân phường Trang Hạ (thị xã Từ Sơn) tập trung thực hiện, góp sức cùng địa phương hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng rau màu xanh mướt nằm kề bên những ngôi nhà cao tầng khang trang, ông Vũ Công Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân phường Trang Hạ vui mừng cho biết: “Hiện nay, Trang Hạ có 830 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 2 chi hội. Tận dụng lợi thế giao thương thuận lợi, Hội Nông dân phường tích cực thực hiện các phong trào thi đua do cấp trên và địa phương phát động giúp hội viên phát triển kinh tế hộ. Trong đó, nổi bật nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với xây dựng nông thôn mới-đô thị văn minh”. 5 năm qua có hơn 2.350 lượt hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương có 30 lượt hộ, tỉnh 246 hộ, còn lại là cấp huyện và phường”.
Hội Nông dân phường phối hợp với các ban, ngành, tổ chức cho hội viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình sản xuất - kinh doanh giỏi; mời các công ty phân bón về tư vấn, tổ chức hội thảo chăm sóc các loại cây trồng; tạo điều kiện cho hội viên mua phân bón trả chậm, vay vốn đầu tư sản xuất...
Giai đoạn 2015 - 2019, phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội giải ngân cho hội viên vay vốn, tổng dư nợ đến nay gần 4,1 tỷ đồng; thực hiện 2 dự án sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với 22 hội viên được tiếp cận nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp... Nhờ đó, hội viên rút kinh nghiệm, nắm bắt thêm tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.
Ngày càng xuất hiện nhiều hội viên, nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đưa vào thử nghiệm và nhân rộng mô hình mới. Điển hình như hội viên Trần Văn Tường nuôi gần 15.000 gà bố mẹ đẻ trứng theo mô hình chuồng nuôi khép kín và đầu tư khu ấp nở 14 máy ấp, trong đó 1 máy của Hà Lan công suất 57.000 quả trứng/mẻ; 13 máy thanh đảo Trung Quốc sản xuất, công suất 19.200 trứng/mẻ. Hàng năm cơ sở ấp nở xuất ra thị trường khoảng 1 triệu con già giống, tạo việc làm cho 15 lao động. Ông Tường cho biết: “Được sự vận động và khích lệ kịp thời của Hội Nông dân phường, chúng tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và đưa vào thử nghiệm, nhân rộng các loại cây, con giống mới... Qua đó, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương”.
Hội Nông dân Trang Hạ còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền xây dựng đô thị văn minh, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Tổ chức ký cam kết “nói không với thực phẩm bẩn” với những hội viên sản xuất kinh doanh thực phẩm. Phối hợp với các ngành tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất gắn với bảo vệ môi trường…
Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên cũng như các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường và quy định về quản lý đô thị tạo diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp… góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phường trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, chung tay xây dựng thị xã Từ Sơn sớm trở thành thành phố trong thời gian tới.
Hưng Yên: Lúa nếp thơm mang lại triển vọng cho nhiều tỉnh, thành phố
Nếp thơm Hưng Yên là giống lúa do Sở Nông nghiệp và PTNT chọn tạo và năm 2015 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia. Sau nhiều năm gieo cấy tại tỉnh, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên đã khẳng định được thương hiệu và trở thành giống lúa chủ lực trong cơ cấu vì đây là giống lúa chất lượng cao, năng suất ổn định, chống chịu tốt với các đối tượng sâu bệnh hại và biến đổi khí hậu.
Nhằm quảng bá và giới thiệu mở rộng diện tích sản xuất giống lúa Nếp thơm Hưng Yên trong phạm vi cả nước, trước hết là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, vụ xuân năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao đơn vị trực thuộc liên hệ với các đơn vị chuyên môn thuộc sở chuyển thóc giống để gieo cấy thử nghiệm với tổng diện tích 27ha tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình. Qua theo dõi, đánh giá, lúa Nếp thơm Hưng Yên có nhiều triển vọng để mở rộng trên các địa phương trong cả nước.
Tại thành phố Hải Phòng, mô hình sản xuất lúa Nếp thơm Hưng Yên kết hợp quản lý dịch hại tổng hợp với quy mô 5ha được thực hiện tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Hải Phòng, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên được gieo cấy trên diện tích sản xuất lúa tập trung có ứng dụng cơ giới hóa, chân đất hơi trũng. Qua theo dõi, đánh giá, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên được gieo cấy ở vụ xuân năm 2020 trên địa bàn xã Ngũ Phúc có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày, phù hợp với cơ cấu trà lúa xuân muộn của địa phương; lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, thời gian trỗ tập trung và trỗ thoát nhanh, khả năng chống chịu với sâu bệnh khá tốt, cho năng suất dự kiến đạt 53 - 55 tạ /ha, cao hơn lúa đối chứng từ 3 - 5 tạ/ha.
Giống lúa Nếp thơm Hưng Yên có tính ưu việt so với một số giống chất lượng đang được gieo cấy tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đã giảm được lượng giống, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Từ kết quả sản xuất tại mô hình, cần tiếp tục nhân rộng mô hình trình diễn trong các vụ tới.
Tại xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện (Hải Dương), mô hình trình diễn giống lúa Nếp thơm Hưng Yên đang ở giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, ruộng nào bông lúa cũng nặng trĩu hạt.
Đồng chí Dương Đức Hồng Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Ninh cho biết: Mô hình được thực hiện với quy mô 5ha ở xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành. So với những giống lúa gieo cấy đại trà ở địa phương, lúa Nếp thơm Hưng Yên có ưu điểm nổi bật là thấp cây, khả năng chống đổ tốt; trỗ bông đều, bông dài, tỷ lệ hạt chắc/bông cao, hạt to, nấu xôi dẻo, thơm, thóc dễ bán, dự kiến năng suất đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào nhưng giá bán, lợi nhuận cao hơn so với thóc tẻ và một số loại thóc nếp đang gieo cấy tại địa phương. Đây là giống lúa có nhiều triển vọng để mở rộng diện tích, thay thế những giống lúa hiệu quả kinh tế thấp ở tỉnh Bắc Ninh, đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Sau một thời gian triển khai sản xuất, mới đây, Sở Nông nghiệp Hưng Yên đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực tiếp tham quan, đánh giá hiệu quả mô hình. Kết quả, cơ quan chuyên môn và người tham gia mô hình đều khẳng định giống lúa nếp thơm Hưng Yên tại các địa phương sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung, trỗ thoát, trỗ tập trung. Số nhánh hữu hiệu trung bình đạt từ 8-10 nhánh/khóm, hầu như không có nhánh vô hiệu, số nhánh hữu hiệu tối đa có thể đạt 14 nhánh/khóm; tỷ lệ hạt chắc đạt trên 85%. Thời gian này, các tỉnh, thành phố đã, đang và chuẩn bị thu hoạch lúa trong mô hình, dự kiến năng suất bình quân ước đạt trên 62 tạ/ha, tương ứng với 69 tạ thóc tươi/ha trở lên. Tại một số địa phương, thương lái, doanh nghiệp thu mua thóc tươi tại ruộng với giá từ 8,8 nghìn đồng/kg trở lên, cao hơn lúa Bắc thơm số 7 từ 1,3 - 1,5 nghìn đồng/kg.
Từ kết quả trình diễn tại các mô hình, hy vọng rằng, giống lúa Nếp thơm Hưng Yên sẽ được nông dân tiếp nhận và đưa vào gieo cấy trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố trong cả nước ở những vụ tới.
Vĩnh Phúc: Xúc tiến thương mại cho nông sản
Với nhiều nỗ lực của các cấp, ngành chức năng và một số tổ chức cá nhân trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), một số mặt hàng nông sản của tỉnh đã chinh phục được thị trường lớn, khó tính trên thế giới như Úc, Malaysia, Nga, Nhật Bản... Qua đó, không chỉ giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập mà còn là tiền đề để tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao theo hướng bền vững, hội nhập sâu rộng kinh tế thế giới.
Nhiều cơ chế, chính sách mới thúc đẩy phát triển sản xuất, XTTM, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản được tỉnh ban hành như: Nghị quyết 201 của HĐND tỉnh về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 19 về việc hỗ trợ giống lúa chất lượng cao cho người trồng lúa; Nghị quyết số 86/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Cụ thể hóa chương trình XTTM của ngành, Sở NN&PTNT chủ động xây dựng và ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động như: Kế hoạch thực hiện chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, chương trình kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh…
Nhằm tạo môi trường đầu tư và SXKD thuận lợi, Sở NN&PTNT nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, cải cách tổ chức, bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hiệu quả, đúng pháp luật; thường xuyên đề xuất bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm thực hiện tốt việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực ngành quản lý.
Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền được ngành nông nghiệp quan tâm triển khai, lồng ghép trong các chương trình giới thiệu và quảng bá thành tựu phát triển KT – XH của tỉnh, chương trình MTQG về xây dựng NTM....
Đồng thời, trung tâm phối hợp với các công ty, đơn vị cung ứng máy nông nghiệp thực hiện chuyển giao, hỗ trợ các hộ dân tham gia chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp bao gồm máy làm đất, máy cấy, máy gặt… tạo vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Phối hợp với các tổ chức, đơn vị của các tỉnh bạn chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả vào sản xuất tại tỉnh như: Các giống lúa của Thái Bình; giống cây ăn quả của Hải Dương, Hưng Yên; giống rau màu của Hà Nội; giống thủy sản của Bắc Ninh; giống gà, lợn, bò cao sản của Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hưng Yên…
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối các doanh nghiệp kinh doanh nông sản của Hà Nội đến Vĩnh Phúc khảo sát vùng nguyên liệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh trực tiếp đưa sản phẩm đi chào hàng, thâm nhập thị trường thành phố Hà Nội; tổ chức 3 quầy hàng lưu động trực tiếp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản an toàn tới người dân trên địa bàn tỉnh và 2 hội nghị kết nối sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của hơn 100 cơ sở SXKD nông sản an toàn...
Các hoạt động XTTM đã góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến như: Mật ong Tam Đảo, su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ Lập Thạch, rượu rắn Vĩnh Sơn, cá thính Lập Thạch, na Bồ Lý...
Tuy nhiên, hiện nay trong thời điểm ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh từ thị trường, yêu cầu về sản phẩm cũng ngày càng khắt khe hơn nên việc đưa sản phẩm nông sản của Vĩnh Phúc lên một tầm cao mới là việc làm cần thiết.
Thời gian tới, để hoạt động XTTM cho nông sản đạt hiệu quả cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Vĩnh Phúc, bảo đảm an toàn, sản lượng ổn định, ngành nông nghiệp nói riêng và tỉnh nói chung tiếp tục tăng cường hoạt động dự báo thị trường; khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và từng bước xuất khẩu.
Xây dựng mạng lưới tiêu thụ nông sản phẩm rộng khắp, đa dạng loại hình và quy mô, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng nông sản, bảo vệ người tiêu dùng./.
Theo Thanh Tâm (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã