Lãnh đạo xã Phú Linh (Vị Xuyên) kiểm tra vườn cây ăn quả của gia đình chị Hoàng Thị Xuyến, thôn Làng Lầu.
Chúng tôi rất bất ngờ khi bước vào “trang viên” của gia đình chị Xuyến. Nói là “trang viên” mới đủ diễn tả về sự bố trí khoa học, hài hòa cảnh quan, nhà, bếp, vườn cây ăn quả, ao cá, chuồng trại chăn nuôi của gia đình. “Trang viên” của chị Xuyến ngăn cách với các hộ lân cận bằng cánh cổng sắt, xây trụ gạch, bê tông chắc chắn. Con đường dẫn vào ngôi nhà sàn – nơi sinh hoạt của gia đình 3 thế hệ đã được đổ bê tông sạch sẽ, rộng rãi, hai bên là vườn cây ăn quả tươi tốt… Dưới tán cây là thảm cỏ xanh mơn mởn được cắt có chủ đích. Xung quanh ngôi nhà trồng nhiều loại hoa, cùng mấy đống củi dự trữ được xếp gọn gàng mang lại cảm giác yên bình. Sau ngôi nhà là hai ao cá đã được kè bê tông kiên cố, nước nguồn chảy róc rách quanh năm. Khu chuồng trại được xây dựng cách xa nhà và bố trí hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Bếp lửa truyền thống trên nhà sàn đã được chuyển sang gian bếp xây cấp 4 chắc chắn, sạch sẽ vừa gắn kết truyền thống với hiện đại.
Vườn táo của gia đình chị Xuyến cho thu nhập mỗi năm 40 - 50 triệu đồng.
Được biết, trước đây khuôn viên khu vườn cây ăn quả của gia đình chị Xuyến hoàn toàn là vườn tạp; khi thì trồng sắn, bí, ngô và vài cây chuối, khi thì bỏ không dây leo, cây cỏ cao ngập đầu, rậm rạp, không cho thu nhập. Từ năm 2016, gia đình chị quyết định phá bỏ vườn tạp để chuyên tâm trồng cây ăn quả, chỉnh trang lại, với hy vọng mảnh vườn sẽ cho nguồn thu ổn định. Hiện tại, có 160 cây táo đã cho quả 2 năm; 100 cây ổi, 50 cây bưởi và mấy chục cây chanh, xoài, mít; 1.000 m2 mặt nước nuôi cá; duy trì 5 con lợn nái sinh sản và gà, ngan, rau xanh đảm bảo thực phẩm hàng ngày. Vườn táo đã cho thu mỗi năm khoảng 2 tấn; ổi và bưởi bắt đầu cho thu hoạch; mỗi năm gia đình xuất bán được 10 lứa lợn giống… Nguồn thu của gia đình những năm gần đây khoảng trên 150 triệu đồng. Từ hiệu quả trên mảnh vườn, gia đình đang nhận làm địa chỉ cung ứng giống cây ăn quả cho bà con trong xã, chia sẻ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ.
Nói về kinh nghiệm để có được hiệu quả trong cải tạo mảnh vườn của mình, chị Xuyến cho biết: Nguồn thu của gia đình chủ yếu là từ trồng trọt, chăn nuôi, vì vậy để chắc chắn trong cải tạo vườn gia đình làm theo hướng “lấy ngắn nuôi dài”. Trước khi lựa chọn trồng loại cây gì, tôi đều trồng thử 1, 2 cây xem có phù hợp với khí hậu và ra quả hay không. Hiện tại, gia đình vẫn dành khoảng gần 300 m2 đất để trồng thí điểm các loại cây. Với lợi thế về nguồn nước nên gia đình lựa chọn trồng cây và chăn nuôi theo hướng “vườn – ao – chuồng”: Cỏ dưới tán cây ăn quả được cắt thường xuyên để cho cá ăn, phân chuồng dùng bón cho cây, nước từ ao có thể tưới cho cây trong thời điểm nắng nóng, khô hạn.
Chủ tịch UBND xã Phú Linh Nguyễn Văn Chuyên cho biết: Mô hình kinh tế của gia đình chị Xuyến là một trong những điển hình của xã. Những năm qua, xã rất khuyến khích và giới thiệu các hộ học tập để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho bà con. Thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, xã đã lựa chọn 2 hộ làm thí điểm. Ngoài ra có một số hộ chủ động thực hiện nhưng chúng tôi mong muốn và hướng các hộ đến nghiên cứu, nghe chia sẻ kinh nghiệm của gia đình chị Xuyến để cải tạo vườn tạp thực sự hiệu quả.
Theo Duy Tuấn/hagiang.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã