Hệ thống bảo đảm cùng tham gia - PGS (Participatory Guarantee System) đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay. |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho rằng mục tiêu đầu tiên và cụ thể cho nghị định này tạo hành lang pháp lý cho sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ (thực phẩm, dược liệu, mỹ phẩm, tức có liên quan tới trồng trọt và chăn nuôi) chứ không chỉ đơn thuần là rau cải hữu cơ. Đó là điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phù hợp Luật Đầu tư, đảm bảo tính đặc thù của sản xuất hữu cơ; tiêu chuẩn hữu cơ áp dụng tại Việt Nam phù hợp với thế giới, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, tạo mặt bằng thống nhất về chất lượng cho tiêu thụ trong nước; sản phẩm hữu cơ phải được chứng nhận, trong đó Nhà nước chấp nhận hệ thống chứng nhận PGS (có sự tham gia của người sản xuất - người bán hàng - người tiêu dùng); quy định về ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc; kiểm tra, giám sát.
Tất nhiên, Nhà nước sẽ là người ban hành “Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ” (tạm gọi là TCVN) nhưng ai, tổ chức nào đánh giá một sản phẩm hay một trang trại đạt chuẩn TCVN. Thời gian qua có hai quan điểm khác nhau, một Nhà nước chấp nhận phương thức đánh giá, chứng nhận của PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia -Participatory Guarantee System) và Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (hiện đang hoạt động) quản lý việc thành lập và hoạt động của các PGS.
Hai là Nhà nước chấp nhận phương thức đánh giá, chứng nhận của PGS nhưng các PGS phải đăng ký hoạt động với cơ quan có thẩm quyền. Cách này chỉ một số ít quốc gia trên thế giới áp dụng như Ấn Độ, Brazil…
Hiện phần lớn các chuyên gia nông nghiệp nghiêng về hướng giao cho Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam quản lý vì hiện tổ chức này đang quản lý hoạt động PGS Việt Nam và được người sản xuất, tiêu dùng, thị trường đánh giá tốt trong thời gian qua.
Hiện trên thế giới có hàng chục hệ thống đánh giá nông nghiệp hữu cơ phục vụ nông dân và người tiêu dùng. Đa số các nước, nông dân và người tiêu dùng đã xây dựng hệ thống PGS để sau đó hệ thống này phục vụ lại chính họ. Tất nhiên, hệ thống PGS ở các nước có sự khác nhau về phương pháp và quy trình vì chúng được điều chỉnh cho thích nghi với điều kiện thực tế của địa phương (cộng đồng, địa lý, chính trị và thị trường). Tuy nhiên, trong các hệ thống PGS khác nhau thì các nguyên tắc cơ bản đều khá nhất quán. |
Từ 2008 đến nay, PGS Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam với sự hỗ trợ tài chính, chuyên gia của ADDA (Thụy Điển), thành lập và điều phối hoạt động của 3 liên nhóm nông dân Thanh Xuân - Sóc Sơn, Lương Sơn -Hòa Bình, Trác Văn - Hà Nam gồm 298 hộ nông dân. Diện tích được cấp chứng nhận PGS là 27,8 ha, sản lượng cung cấp ra thị trường Hà Nội là 714 tấn rau hàng năm và đã kết nối với một số cửa hàng, bước đầu hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.
Theo phương án này, Nhà nước sẽ thông qua 1 đầu mối là Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tuy vậy không ai không biết các hiệp hội hiện nay thường hạn chế về tài chính, con người trong khi hoạt động quản lý và điều phối PGS là tự nguyện, không lợi nhuận. Một khi nền nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh, đi đến các làng xã, thôn bản, liệu khi ấy một hiệp hội có đủ sức làm đầu mối quản lý hệ thống đánh giá nông nghiệp hữu cơ hay không?
Ai, tổ chức nào có đủ sức quản lý hay đánh giá đủ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ cho một trang trại, doanh nghiệp hay một sản phẩm cụ thể trên thị trường vẫn chưa có câu trả lời và chờ nghị định của Chính phủ ban hành.
Hồng Ngọc/thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã