Sản phẩm gạo sạch của một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh |
Điều kiện cần đã có, nhưng…
Hồi tháng 4-2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam dành cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo bước ngoặt cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, là những điều kiện ràng buộc để sản phẩm được cấp chứng nhận hữu cơ.
Ông Võ Minh Khải, Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau), nhận xét: “Bộ tiêu chuẩn này giúp nhà sản xuất biết mình cần đáp ứng những tiêu chí nào để được mặc chiếc áo hữu cơ”. Nhưng ông còn băn khoăn: “Liệu những tiêu chuẩn mà Việt Nam mới ban hành này có được thế giới công nhận hay không?”. Vì nếu không, nó sẽ “không có ý nghĩa” đối với những người làm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hướng đến xuất khẩu. “Còn ở phạm vi tiêu thụ trong nước thì không có vấn đề, chỉ cần thuyết phục được người tiêu dùng”, ông Khải nói.
Vì vậy, ông Khải gợi ý bộ tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam cần có sự ràng buộc công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và thế giới. “Chẳng hạn, Thái Lan hay Indonesia đều có tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, giữa Việt Nam với các nước này cần có sự ràng buộc công nhận lẫn nhau”, ông nói.
Trong khi đó, vấn đề nguồn vốn cho việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ dường như vẫn chưa được giải quyết, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vốn, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ông Khải cho biết, đến nay, doanh nghiệp của ông vẫn chưa thể tiếp cận các nguồn vốn vay. “Chính sách hỗ trợ thì nhiều nhưng thực tế có hay không lại là vấn đề khác”. Như mới đây, Chính phủ tiếp tục có Nghị định 57/2018 khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. “Nếu việc thực hiện được đúng như tinh thần của nghị định thì sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Nhưng vấn đề là việc vận dụng nghị định này như thế nào trong thực tiễn”, ông Khải tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn.
Về vấn đề này, ông Trần Hữu Hiệp, một nhà nghiên cứu kinh tế ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho rằng việc ban hành một chính sách nào đó cần được cân đối nguồn lực để thực hiện. Ví dụ với Nghị định 210/2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhưng được giao về cho địa phương tự cân đối nguồn lực. Thực tế là có tới 12/13 địa phương trong vùng không đủ lực bù lãi suất cho vay. Theo ông Hiệp, việc khuyến khích sản xuất nông sản sạch, nông sản hữu cơ cần có chính sách giống như khuyến khích ứng dụng công nghệ cao. Và ngoài vấn đề tính toán, cân đối, bố trí nguồn lực cho một chính sách được ban hành còn cần phải chú ý đến công tác rà soát, đánh giá việc thực thi.
Xu hướng tất yếu nhưng còn chậm
Ông Hồ Quang Cua, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho rằng nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tiêu dùng tất yếu trên thế giới hiện nay và trong tương lai, nhưng việc thúc đẩy phát triển ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Điểm hạn chế đầu tiên nằm ở mức độ chấp nhận của thị trường tiêu dùng còn thấp nên những người tiên phong sản xuất hữu cơ ít nhiều đều phải chấp nhận “hy sinh”. “Khi nào khâu truyền thông giúp nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về nông nghiệp hữu cơ thì nhà đầu tư mới dám đầu tư mạnh hơn”, ông nhận định.
Còn theo ông Võ Minh Khải, Công ty Viễn Phú, điều căn bản của sản xuất là nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng. “Tùy vào nhu cầu của người tiêu dùng mà mỗi nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ của mỗi nước đi nhanh hay chậm”, ông chia sẻ suy nghĩ của mình.
Cũng theo ông Khải, nền nông nghiệp Việt Nam đã chuyển sang thâm canh, năng suất cao, gia tăng sản lượng từ hai ba chục năm trước. Hạ tầng phục vụ sản xuất, từ kênh mương, thủy lợi, đến vật tư đầu vào… đều định hướng cho nhu cầu đó. Nay muốn chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phải thay đổi hạ tầng sản xuất và nhiều yếu tố liên quan khác. Việc này cần chi phí lớn và cần thời gian.
Để “kích hoạt” nông nghiệp hữu cơ
Ở góc độ của người làm nông nghiệp hữu cơ từ cách nay 10 năm và sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, ông Võ Minh Khải cho biết cần có một nguồn tài chính rất lớn cho việc thay đổi hạ tầng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, ngoài chính sách về vốn, Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích cụ thể liên quan đến đất đai, chuyển đổi hạ tầng, giống, vật tư đầu vào… Muốn nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững thì cần vẽ nên một bức tranh tổng thể và có kế hoạch cho từng giai đoạn, chẳng hạn mục tiêu chuyển đổi trong vòng 5-10 năm như thế nào; vùng nào chuyển trước, vùng nào cần bước chậm hơn…
Còn theo ông Trần Hữu Hiệp, do nền nông nghiệp Việt Nam đã một thời gian dài đi theo mô hình tăng trưởng chiều rộng, sử dụng nhiều vật tư, phân bón, nên việc thay đổi “quán tính” cần một thời gian dài. Ông Hiệp cho rằng có một số việc cần thực hiện để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Thứ nhất, cần sự nhận thức đúng về nông nghiệp hữu cơ trên nền tảng truyền thống (tức sản xuất theo tự nhiên như người xưa từng làm) cộng với những xu hướng tiêu dùng mới. Về điều này, người nông dân sớm có nhận thức thì việc chuyển đổi mới nhanh hơn được. Thứ hai, khi đã có bộ tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ rồi thì cần đặt ra nhiệm vụ làm thế nào để áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn đó.
Kế đến là việc thực hiện chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch. Ông Hiệp cho rằng việc đặt vấn đề quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cần thiết, nhưng nếu chỉ quy hoạch sản xuất thôi thì chưa giải quyết được vấn đề, vì quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tác động đến nhiều thứ. Chẳng hạn việc sản xuất lúa gạo sạch hay các mặt hàng nông sản sạch khác phải gắn với quá trình chế biến, tồn trữ…
Như vậy, để có được những nông sản hữu cơ, nông sản sạch có giá trị cao, cần áp dụng vận hành chuỗi giá trị sản phẩm. “Chính những tiêu chuẩn quốc gia và những yêu cầu của thị trường sẽ tác động vào sự vận hành của chuỗi, từ khâu giống, khâu tổ chức sản xuất cho đến chế biến, phân phối”, ông Hiệp nói.
Theo Trung Chánh/thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;