Theo Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ mới được Chính phủ ban hành, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ: Điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chính phủ cũng hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ do Tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại); về hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
Ngoài ra, Chính phủ cũng hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ theo TCVN, định mức hỗ trợ chi phí giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đối với mô hình trồng trọt; chi phí giống, thức ăn hữu cơ, thuốc thú y được phép sử dụng đối với mô hình chăn nuôi, thủy sản và chi phí nhân rộng mô hình theo quy định của Chính phủ về khuyến nông.
Tại Diễn đàn Quốc tế Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Phát triển và hội nhập diễn ra cuối năm 2017, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt những năm gần đây có sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái gắn với nông nghiệp hữu cơ.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng gặp nhiều thách thức như đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ chưa ổn định. Bên cạnh đó, số ít các doanh nghiệp được chứng nhận quốc tế, sản xuất hữu cơ của nhiều hộ nông dân dựa trên cơ sở tự nguyện, chưa có hệ thống giám sát chất lượng, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo.
Đặc biệt, thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ là thiếu khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận.
Hệ thống bảo đảm cùng tham gia - PGS (Participatory Guarantee System) đang áp dụng tại Việt Nam hiện nay - Ảnh: TL |
Hiện nay, trong nước có hai mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ là mô hình doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Doanh nghiệp tư nhân chủ yếu áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của các nước tiên tiến như EU, Mỹ, Nhật Bản để sản xuất sản phẩm phục vụ xuất khẩu và một phần tiêu thụ tại các thành phố lớn trong nước. Hình thức thứ hai là các nhóm hộ nông dân, chủ yếu sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) và tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Các nhóm hộ này sản xuất dựa trên cơ sở tự nguyện, không có đơn đặt hàng tiêu thụ trước, chưa đăng ký để được chứng nhận bởi các tổ chức được chỉ định hay tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, do đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều bấp bênh, giá thấp do chưa nhận được sự tin cậy của người tiêu dùng trong nước.
Do đó, Nghị định 109/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15-10-2018 có riêng một chương quy định về chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản…..
Những quy định mới có thể là điều kiện nhằm giảm tình trạng “tự phong” sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại thị trường nội địa thời gian qua.
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã