Phát huy thế mạnh địa phương
Đề án “Mỗi một xã, phường có một sản phẩm” (OCOP) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bắt đầu triển khai từ tháng 6/2017. Đến nay, tại nhiều địa phương ở khu vực miền Trung, đề án đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua OCOP, người dân các vùng nông thôn có thêm điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống của mình.
Mô hình sản xuất đũa tre truyền thống ở Quảng Nam |
Tại Đà Nẵng, thực hiện OCOP, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai đến tận các địa phương, sở, ban, ngành. Về danh mục nhóm sản phẩm, Đà Nẵng lựa chọn các nhóm ngành chính như, thực phẩm, đồ uống, thảo dược, may mặc, lưu niệm, nội thất, du lịch nông thôn...
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, trên địa bàn hiện có một số sản phẩm điển hình như, bánh tráng Túy Loan, bánh khô mè Bà Liễu, rượu cần Phú Túc, nước mắm Nam Ô, nấm linh chi An Hải Đông, tré Bà Đệ, dầu tràm Tiên Ông... Trên cơ sở đó, đề án sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn, đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Tương tự, tại Quảng Nam, chính quyền địa phương cũng đang đẩy mạnh việc thực hiện OCOP. Trên thực tế, Quảng Nam có nhiều sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn. Các cơ quan chức năng ở tỉnh đã khảo sát, chọn lọc, xác định được 130 sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch nông thôn hiện có để hoàn thiện phát triển.
Trong số đó, có đến 30 sản phẩm đã đăng ký công bố chất lượng, nhiều sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong đó, có thể kể đến các sản phẩm nổi tiếng trên thị trường như, sâm Ngọc Linh, quế Trà My, vải thổ cẩm ZaRa, đèn lồng Hội An, rau Trà Quế, gốm Thanh Hà, gà tre Đèo Le, nước mắm Cửa Khe, ớt A Riêu… Những sản phẩm này hầu hết đã khẳng định được vị thế thương hiệu ở thị trường trong và ngoài nước.
Theo đề án OCOP Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2020, ngoài việc xác định, hoàn thiện và nâng cấp 130 sản phẩm có thế mạnh như đã kể trên, địa phương còn phát triển thêm mới 100 sản phẩm; Phát triển từ 3 đến 4 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia đề án OCOP. Ngoài ra, các sản phẩm tham gia chương trình sẽ được trưng bày tại những trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, dự kiến đặt tại TP. Tam Kỳ và TP. Hội An.
Còn gặp nhiều khó khăn
Có thể nói, mục tiêu cốt lõi của đề án OCOP tại các địa phương trong cả nước là tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền. Đồng thời, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn...
Được biết, hiện cả nước có khoảng 4.700 sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Trong đó, nhóm thực phẩm với hơn 2.500 sản phẩm, khoảng 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn... đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP. Bởi vậy, hiệu quả của chương trình không chỉ đơn thuần về hỗ trợ phát triển sản xuất, mà còn hướng đến việc giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo tăng thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Đặc biệt, việc thực hiện đề án còn góp phần hình thành chuỗi tiêu dùng bền vững, giảm bớt được việc phải “giải cứu” nông sản. Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang (Quảng Nam) cho rằng, để tránh tình trạng phải giải cứu nông sản thường xuyên như hiện nay, việc xây dựng và thực hiện OCOP là điều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện OCOP ở khu vực miền Trung cũng như nhiều nơi khác trong cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Theo PGS-TS. Trần Văn Ơn, hiện còn nhiều thách thức và khó khăn khi các địa phương bắt tay vào thực hiện đề án. Những thách thức cơ bản như, các sản phẩm truyền thống đang phải cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập, đặc biệt từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Những sản phẩm nhập ngoại có số lượng lớn, mẫu mã, hình thức đẹp, giá rẻ.
Trong khi, nhiều khách hàng chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước. Ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu những nguồn lực phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm trong và sau quá trình triển khai OCOP.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Đà Nẵng cho rằng, việc xác định sản phẩm chủ lực ở các địa phương vẫn còn những khó khăn, khi các tiêu chí còn khá “thoáng”, chưa tạo được dấu ấn, thương hiệu riêng trên thị trường, hay góp phần giải quyết công ăn việc làm. Chưa kể đến việc, năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế. Trong khi, người tiêu dùng vẫn còn những tâm lý e ngại, băn khoăn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với các sản phẩm truyền thống...
Bởi vậy, để OCOP có được những thành công trong thực tế, theo nhiều chuyên gia, chính quyền các địa phương cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư cho mở rộng, phát triển sản xuất, dịch vụ cho sản phẩm OCOP.
Trong đó, phải xây dựng được kế hoạch chi tiết các sản phẩm chủ lực, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, chế biến nguyên liệu và quản lý chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực thực hiện đề án ngay tại địa phương.
Theo Nghi Lộc/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;