Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, trong những năm qua, Thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2013, Hà Nội đã tiên phong ban hành “Quy trình kỹ thuật tạm thời về sản xuất rau hữu cơ”.
Đến năm 2014, 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ đã được Hà Nội xây dựng trên nguyên tắc 6 “không” (Không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa học, không thuốc diệt cỏ, không giống biến đổi gen, không kích thích sinh trưởng, không thuốc bảo quản). Tại các địa phương, phong trào sản xuất hữu cơ phát triển nhanh chóng.
Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, được nhiều tỉnh, thành phố quan tâm, đến thăm quan học tập như trang trại chăn nuôi Bảo Châu (50 tấn thịt lợn/năm), Trang trại Hoa Viên (150 tấn rau củ quả/năm), Hợp tác xã lúa gạo xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (170 tấn gạo/năm), Chuỗi sản xuất rau hữu cơ xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (500 tấn/năm)…Tuy nhiên về sản xuất lúa hữu cơ, hiện nay, Hà Nội có 170 ha sản xuất lúa hữu cơ trong tổng số gần 200.000 ha gieo cấy lúa hằng năm. Trong đó, mới chỉ có duy nhất sản phẩm của mô hình lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ được chứng nhận là gạo hữu cơ.
Đánh giá về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho rằng, sản xuất lúa hữu cơ cần có sự tham gia của doanh nghiệp cũng như việc ứng dụng công nghệ cao vào canh tác và hình thành thị trường tiêu thụ. Song, yếu tố này dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Mặt khác, cơ chế cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa được cụ thể hóa đã trở thành những rào cản khiến mô hình sản xuất lúa hữu cơ khó nhân rộng.
Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết.
Bên cạnh đó, quy trình sản xuất lại khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao. Do đó, Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng với các sản phẩm ưu tiên, có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất.
Ngoài ra, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người tiêu dùng nâng cao nhận thức về ATTP, trong đó chú trọng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sử dụng sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, dựa vào lợi thế của mỗi địa phương, chọn cây trồng, vật nuôi phát triển cho phù hợp, đối với trồng trọt nên ưu tiên lựa chọn một số loại nông sản như rau ăn lá, gia vị, thảo dược, chè xanh hữu cơ, cây thuốc nam, một số loại cây ăn quả bản địa...
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng hiện nay là niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Muốn có được niềm tin này, sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc, có nhãn hiệu, thương hiệu. Đây là bài toán cần được Hà Nội quan tâm, thúc đẩy song hành cùng với việc phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp hữu cơ.
Có quy chuẩn, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu thụ tốt hơn Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho NNHC không chỉ giúp những người sản xuất hiểu rõ hơn về quy trình cho ra một sản phẩm chất lượng mà còn giúp cho việc tiêu thụ các sản phẩm NNHC được thuận lợi hơn. “Vấn đề tiêu thụ sản phẩm phải đặt lên hàng đầu trước khi chúng ta làm một dự án NNHC. Trước khi làm cần phải phải nghĩ ngay là sản phẩm bán ở đâu, giá nào, bán như thế nào. Đó là một chuỗi giá trị khép kín, trong đó các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng phải được đảm bảo. Thời gian qua, Hiệp hội cũng tư vấn hướng dẫn cho các vùng, các trang trại, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã xác định thị trường trước khi làm kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NNHC, tạo cho họ một kiến thức để họ nắm được quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn mà năm 2017 Bộ KH&CN đã ban hành”, ông Hà Phúc Mịch nói. |
Bảo Bình/VietQ.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;