Học tập đạo đức HCM

Phân hữu cơ, lựa chọn của nông nghiệp bền vững

Thứ hai - 12/03/2018 21:01
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về phát triển phân bón hữu cơ. Ngoài ra, việc Việt Nam tăng cường hợp tác nông nghiệp với Ấn Độ và Bangladesh cũng là một trong những thông tin nối bật tuần qua.

Sử dụng phân hữu cơ, xu hướng tất yếu 

bộ-trưởng-nguyễn-xuân-cường-phát-triển-phân-bón-hữu-cơ-là-xu-hướng-tất-yếu-của-sản-xuất-nông-nghiệp.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội thảo.

Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển phân bón hữu cơ do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 9/3 tại Hà Nội, các đại biểu cho rằng, phát triển phân bón hữu cơ là xu hướng tất yếu trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng, sản xuất nông nghiệp nói chung. Cùng với các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách cần thúc đẩy doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất, áp dụng công nghệ trong chế biến và sử dụng phân bón hữu cơ.

Hiện, cả nước có 180 doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 doanh nghiệp sản xuất phân bón các loại đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cấp phép với quy mô công suất từ 20.000 - 500.000 tấn/năm. Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam mỗi năm ước tính 11 triệu tấn các loại. Trong đó có đến 90% là phân bón vô cơ – hóa học. Thực tế này cho thấy, việc sử dụng phân bón đang mất cân đối, nhất là phân bón vô cơ - hóa học trong thời gian dài gây ô nhiễm, thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản… Các ý kiến cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng về sử dụng phân bón hữu cơ, tuy nhiên, vấn đề quan tâm hiện nay là làm thế nào để tìm ra giải pháp về nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất cũng như về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển phân bón hữu cơ.

Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ đem lại chất lượng cho nông sản cao hơn; tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là chứng nhận những sản phẩm này là sản phẩm hữu cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Một số ý kiến cho rằng, cùng với những chính sách, cơ chế khuyến khích từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan cần huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp cùng liên kết với nông dân trong sử dụng phân bón hữu cơ, đồng thời thu mua lại những nông sản hữu cơ, tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm nông sản hữu cơ, qua đó thúc đẩy việc sử dụng phân hữu cơ trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là xu thế tất yếu không chỉ điều chỉnh sự mất cân đối về giải pháp canh tác khi tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ – hóa học mà còn là yêu cầu xây dựng nền nông nghiệp sạch, chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu theo hướng nông sản sạch, thân thiện môi trường, hướng hữu cơ, nông nghiệp đặc sản. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp thích ứng, trong đó, biện pháp canh tác là một trong những giải pháp chủ động, cốt lõi ban đầu trong nhóm hệ thống canh tác. Tiềm năng phát triển phân bón hữu cơ ở Việt Nam là rất lớn, bởi đây là loại phân bón truyền thống được sử dụng trong nông nghiệp. Chúng ta có 10 triệu ha đất canh tác, có hơn 20 triệu ha lượt đất canh tác. Bình quân mỗi ha sử dụng 10 tấn phân hữu cơ thì trong tương lai nhu cầu sử dụng sẽ đạt hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ…

Việt Nam tăng cường hợp tác nông nghiệp với Ấn Độ và Bangladesh

ky-ghi-nho.jpg
Việt Nam và Bangladesh cùng Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2018-2020.

Từ ngày 2-6/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tham gia đoàn chính thức do Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân dẫn đầu thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ (từ ngày 2- 4/3) và Cộng hòa Nhân dân Bangladesh (từ 4-6/3).

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam - Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2016. Hiện mối quan hệ giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt. Theo số liệu thống kê của Ấn Độ, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017  đã đạt trên 12 tỷ USD. Hai nước nhất trí đặt mục tiêu thương mại hai chiều 15 tỷ USD vào năm 2020.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao văn kiện Kế hoạch hợp tác nông nghiệp giai đoạn 2018-2020 giữa Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp Ấn Độ (ICAR) và Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

Từ  ngày 4-6/3, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Bangladesh nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, trong bối cảnh Việt Nam và Bangladesh kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (11/2/1973-11/2/2018).

Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bangladesh phát triển tốt đẹp với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt hơn 900 triệu USD và nhất trí phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch này vào năm 2020. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm với Thủ tướng Cộng hòa Nhân dân Bangladesh Sheikh Hasina. Kết thúc hội đàm, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ ký kết 3 văn kiện giữa các bộ ngành hai nước, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Bộ Thủy sản và Chăn nuôi Bangladesh về hợp tác thủy sản và căn nuôi giai đoạn 2018-2020./.

VIFA-EXPO 2018, cơ hội phát triển cho ngành gỗ

thu-truong-tuan1.jpg
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cắt băng khai mạc hội chợ.

Sáng ngày 7/3/2018, Hội chợ Quốc tế Đồ gỗ và Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam (VIFA-EXPO 2018) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn, quận 7, TP.Hồ Chí Minh. 

Hội chợ VIFA-EXPO là hội chợ lớn nhất của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ do Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh và Hội Mỹ nghệ & Chế biến Gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức thường niên từ năm 2007 đến nay. VIFA - EXPO 2018 với quy mô gần 2.000 gian hàng của 450 doanh nghiệp trong và ngoài nước là điểm tập trung cho tất cả các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và các dịch vụ hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu của người mua từ khắp nơi trên thế giới. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để nhà phân phối và người tiêu dùng dễ dàng tìm được sản phẩm mong muốn với giá cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA VIFA-EXPO ngày càng khẳng định thương hiệu và sức ảnh hưởng đối với ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ trong khu vực và thế giới khi thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm; trong đó, nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm lực ngành gỗ và công nghiệp phụ trợ khá lớn như: Singapore, Đài Loan, Mỹ, Australia, Nga, Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Ireland, Italy, Hàn Quốc...

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong những năm qua. Dù kinh tế trong nước cũng như quốc tế thời gian qua gặp nhiều khó khăn, biến động, nhưng ngành chế biến gỗ và lâm sản nói chung vẫn đạt những bước tiến mạnh, lần đầu tiên cán đích 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020. Kinh tế lâm nghiệp đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh: “Dư địa phát triển cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam những năm tới là rất lớn. Bên cạnh tín hiệu khả quan từ thị trường tiêu thụ nội địa, dự báo trong năm 2018 nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới sẽ tăng 3,5%, thương mại đồ gỗ sẽ tăng 4%. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư bài bản, đặc biệt chú ý đến việc sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, xây dựng thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để nắm bắt cơ hội mở rộng thị phần ra thế giới”.

VIFA-EXPO 2018 sẽ diễn ra từ ngày 7 - 10/3/2018, tiếp tục là kênh xúc tiến thương mại xuất khẩu quan trọng đối với các doanh nghiệp ngành gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất và dịch vụ hỗ trợ. Với sự có mặt của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước, đây sẽ là sân chơi “cung và cầu” lớn của ngành gỗ, thúc đẩy hoạt động thương mại cho các nhà sản xuất, chế biến đồ gỗ của Việt Nam, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của Việt Nam đạt 9 tỷ USD trong năm 2018./.

 Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại285,704
  • Tổng lượt truy cập92,663,368
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây