Học tập đạo đức HCM

Phát triển thương hiệu đặc sản địa phương

Thứ bảy - 04/08/2018 10:55
Sau 18 năm, kể từ ngày chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đầu tiên được bảo hộ ở Việt Nam, số lượng CDĐL ngày càng tăng. Bước đầu, CDĐL đã giúp các địa phương, doanh nghiệp định hình một giải pháp phù hợp là sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều CDĐL chưa thật sự phát huy hết giá trị, chưa trở thành dấu hiệu nhận diện trên thị trường do bất cập của chính sách và ý thức bảo vệ, khai thác CDĐL của chủ thể chưa cao.

Giá trị của đăng ký chỉ dẫn địa lý

“Nước mắm Phú Quốc” là CDĐL đầu tiên của Việt Nam được đăng ký bảo hộ (vào năm 2001) với chất lượng đặc trưng, danh tiếng lâu đời, được sản xuất trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có điều kiện tự nhiên đặc thù, có nguồn cá cơm dồi dào và quy trình sản xuất truyền thống. Để phát triển CDĐL, Hội Nước mắm Phú Quốc được thành lập nhằm kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nước mắm, cấp quyền sử dụng CDĐL cho các nhà sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc. Đến nay, CDĐL nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại 28 nước thuộc Liên minh châu Âu; các cơ sở sản xuất nước mắm ở Phú Quốc tăng sản lượng 20 đến 25%, tăng giá bán 30 đến 50% so với trước khi được cấp CDĐL.

Sau 10 năm được cấp CDĐL, vải thiều Lục Ngạn đã vươn xa tới các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan. Hiện, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ nhãn hiệu tại tám nước: Lào, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Mỹ. So với trước khi được cấp CDĐL, giá vải thiều Lục Ngạn tăng 50%. Có được kết quả đó, một phần nhờ Hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn hoạt động hiệu quả, quản lý vùng sản xuất theo đúng quy trình của CDĐL trên địa bàn 17 xã của huyện; thành lập 13 chi hội cơ sở để giúp quản lý các hoạt động liên quan đến trồng và bảo đảm chất lượng quả vải tại từng địa bàn nhỏ. Cùng với đó, Hội hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để chất lượng quả vải ngày càng được nâng lên, đáp ứng các tiêu chí xuất khẩu. Vải thiều Lục Ngạn và nước mắm Phú Quốc là số ít các CDĐL đã được khai thác khá hiệu quả.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), thời gian qua, việc đăng ký CDĐL đã trở thành định hướng quan trọng nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản. Đến nay, cả nước có 60 CDĐL được bảo hộ với 38 tỉnh, thành phố có CDĐL, trong đó 15 tỉnh, thành phố có từ hai CDĐL trở lên. Bước đầu, CDĐL đã có những tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương; sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân đến sản xuất và phát triển thị trường sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị, giá bán sản phẩm trên thị trường. Tiêu biểu như, giá bán của cam Cao Phong (Hòa Bình) tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) tăng 80%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10 đến 15%; chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam) tăng 100 đến 130%, chè Mộc Châu (Sơn La) tăng 1,7 đến hai lần; chè Tân Cương (Thái Nguyên) tăng 1,5 lần...

Tuy nhiên, nhiều CDĐL vẫn chưa phát huy được hiệu quả như: Gạo Tám xoan Hải Hậu, Gạo Một bụi đỏ Hồng Dân, mắm tôm Hậu Lộc, nón lá Huế, xoài cát Hòa Lộc, hạt dẻ Trùng Khánh, cói Nga Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm, muối ăn Bạc Liêu, con Ngán Quảng Ninh... Việc tổ chức sản xuất, thúc đẩy thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm chưa có nhiều sự thay đổi rõ ràng. Người tiêu dùng khó nhận biết đâu là sản phẩm được cấp CDĐL do phần lớn sản phẩm không có tem nhãn, lô-gô trên sản phẩm. Ngoài ra, vấn đề xử lý xâm phạm về sở hữu trí tuệ còn nhiều hạn chế, sản phẩm không mang CDĐL vẫn trà trộn, ảnh hưởng danh tiếng của sản phẩm được bảo hộ. Chủ tịch Hội Sản xuất và Tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn Bùi Xuân Sinh cho biết, năm nào quả vải ở các vùng khác cũng được chở sang huyện Lục Ngạn bán, người dân không phân biệt được cho nên nhầm đó là vải thiều Lục Ngạn. Dù được bảo hộ CDĐL từ năm 2010, nhưng đến nay, cam Vinh mới chỉ được một số ít hộ sản xuất thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cam trồng ở vùng khác dễ để lẫn lộn, bán cùng cam Vinh chưa được dán tem. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) Hồ Quang Bửu cho biết, sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ CDĐL nhưng chưa được dán tem, nhãn cho nên người tiêu dùng dễ mua nhầm sâm giả. Sâm Ngọc Linh bán tại hội chợ sâm do UBND huyện tổ chức là bảo đảm, còn lại trên thị trường, chính quyền không kiểm soát được.

Giải pháp khai thác hiệu quả

Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong hoạt động thương mại sau khi đăng ký bảo hộ CDĐL là do tổ chức đại diện chung cho quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh trong khu vực CDĐL (hội, hiệp hội) hoạt động chưa hiệu quả. Theo Trưởng Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) Lưu Đức Thanh, phần lớn các CDĐL đã thành lập được hội, hiệp hội nhưng tổ chức này chưa được giao quyền là chủ thể quản lý, phát triển CDĐL cho nên lúng túng trong hoạt động, chưa đủ mạnh để tập hợp được các hội viên nhằm tập trung nguồn lực bảo vệ và phát triển CDĐL. Như Hội Sản xuất và Kinh doanh mật ong Cao nguyên đá từ lúc thành lập (năm 2016) đến nay chưa xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm. Các chi hội chưa có các hoạt động cụ thể, thành viên cốt cán của hội là cán bộ kiêm nhiệm, không có thời gian để hoạt động. Người sản xuất trong khu vực CDĐL chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của bản thân và cộng đồng, chưa tự giác tham gia hội, hiệp hội để cùng bảo vệ danh tiếng sản phẩm. Phần lớn các hội mới chỉ thu hút được một số hội viên nòng cốt, chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp. Do không tham gia hội, hiệp hội, sản phẩm của các hộ sản xuất, kinh doanh không được kiểm soát nội bộ, không có tem, nhãn nhận diện... dẫn đến chất lượng sản phẩm cung ứng cho thị trường không bảo đảm, ảnh hưởng tên tuổi sản phẩm được bảo hộ. Sản phẩm được bảo hộ thiếu hệ thống phân phối, chủ yếu do thương lái hoặc các cơ sở tự phân phối, thiếu kết nối với các doanh nghiệp thương mại, dẫn đến người tiêu dùng ít biết đến sản phẩm, nhất là những khu vực cách xa khu vực CDĐL.

Để CDĐL thật sự mang lại lợi ích cho người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cần làm ngay là phải có hội, hiệp hội đủ mạnh với người đứng đầu có năng lực và tâm huyết để tập hợp các hộ sản xuất, tập trung sức mạnh, thống nhất chiến lươc, kế hoạch, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Các cơ quan quản lý CDĐL (UBND, Sở Khoa học và Công nghệ) cần trao đủ quyền cho các hội, hiệp hội về quản lý sử dụng và khai thác CDĐL. Chính quyền cần vào cuộc để xử lý các hành vi xâm phạm CDĐL, hỗ trợ người dân về chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc, tiền giống, thuốc bảo vệ thực vật, địa điểm bán hàng... để các nhà sản xuất yên tâm đầu tư. Bước đầu, chính quyền cần hỗ trợ điểm bán hàng ở các thành phố lớn, có thị trường tiêu thụ mạnh để quảng bá thương hiệu sản phẩm. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu kiến nghị, Nhà nước cần đi trước một bước để thúc đẩy phát triển CDĐL, chứ không thể để người dân loay hoay tự phát triển. Tăng cường tuyên truyền để người dân, các nhà sản xuất, kinh doanh ý thức được vai trò của việc bảo vệ tài sản trí tuệ cho sản phẩm của mình, lợi ích của việc tham gia hội, hiệp hội nhà sản xuất. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tạo lập nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình, tham gia hiệp hội sản xuất để tận dụng lợi thế từ cộng đồng. Từ góc độ khác, ông Lưu Đức Thanh, Trưởng Phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ một đặc sản, do đó tổ chức sản xuất và thị trường cũng cần gắn với đặc trưng về tiêu dùng và thị trường của sản phẩm. Cần có những hướng đi phù hợp trên cơ sở thúc đẩy kênh tiêu dùng chất lượng cao, gắn với du lịch và thị trường tại chỗ, có như vậy mới phát huy được yếu tố “đặc sản” của sản phẩm. Ông Thanh cũng cho rằng, CDĐL chưa được khai thác hiệu quả một phần do chính sách chưa phù hợp. CDĐL được quy định là tài sản quốc gia, chủ thể đăng ký, quản lý, phát triển CDDL là cơ quan quản lý nhà nước, trong khi các đơn vị này không có nhân lực và chuyên môn sâu để triển khai các hoạt động quản lý, phát triển CDĐL. Do đó, cần nghiên cứu sửa Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng CDĐL là tài sản của cộng đồng, những người sản xuất, kinh doanh thấy có nhu cầu sẽ tập hợp nhau để bảo vệ danh tiếng sản phẩm và đăng ký, quản lý CDĐL.

Việc đăng ký và khai thác CDĐL là cần thiết, bởi đó là định hướng phù hợp lợi thế đa dạng về điều kiện tự nhiên, văn hóa của Việt Nam. Sự chậm trễ đăng ký có thể dẫn đến CDĐL bị chiếm đoạt, lạm dụng tại thị trường nước ngoài. Do đó, cần có những giải pháp và sự hỗ trợ tích cực hơn nữa của các địa phương để các CDĐL đã được bảo hộ phát huy được những giá trị mong đợi so với nguồn lực đầu tư; và cần có những chính sách, các mô hình quản lý linh hoạt, hiệu quả để các CDĐL phát triển.

Theo Thanh Quý/nhandan.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập728
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại770,178
  • Tổng lượt truy cập93,147,842
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây