Học tập đạo đức HCM

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Đón xu đầu xu thế tiêu dùng bùng nổ

Thứ năm - 21/12/2017 01:50
Thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ở Việt Nam được dự báo sẽ đạt 400 tỷ đồng trong vài năm tới.
Để phát huy tiềm năng này, tại diễn đàn quốc tế về NNHC mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và cả xã hội tham gia xây dựng, phát triển hệ sinh thái NNHC. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp và nông dân, để sản xuất ra được sản phẩm NNHC đúng nghĩa không hề đơn giản bởi nhiều ràng buộc, tiêu chuẩn, chống chọi với hàng giả về giá và đặc biệt là thiếu cơ chế ưu đãi nhiều mặt.
Thị trường rộng mở, sức tiêu thụ gia tăng
Vài năm trở lại đây, cụm từ NNHC bắt đầu được nói đến khá nhiều, nhiều sản phẩm nông nghiệp dù chưa đạt chứng nhận hữu cơ của các tổ chức quốc tế nhưng vẫn gắn cho mình cái mác hữu cơ. Cũng dễ hiểu, bởi sản phẩm NNHC hiểu đơn thuần là không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo nguyên tắc được quy định trong tiêu chuẩn Quốc tế IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác NNHC: www.ifoam.org), NNHC là phương pháp nuôi, trồng rau quả, thực phẩm không sử dụng bất cứ loại hóa chất độc hại nào như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ cũng như các loại phân hóa học, sản xuất hữu cơ chú trọng đến cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Song đó cũng chỉ được xem là những yếu tố đầu vào, muốn làm NNHC phải có đất hữu cơ chưa bị tác động bởi hóa chất, nghĩa là phải chọn những vùng đất chưa khai phá, canh tác hoặc nếu đã canh tác phải cải tạo, quy hoạch nguồn nước không ô nhiễm… 
 Cần đặc biệt lưu ý đến những khó khăn doanh nghiệp, chuyên gia đã nêu ra, đó là hiện chúng ta chưa có tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận về NNHC. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Phải làm sao xây dựng được các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm NNHC đáp ứng được yêu cầu quốc tế, để hướng tới sản phẩm NNHC của Việt Nam bán được ở những thị trường tốt nhất trên thế giới.
PGS.TS Trần Đình Thiên, 
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Thực tế, trong suốt nhiều năm qua đất sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đã bị nhiễm độc nặng do nông dân dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách bừa bãi. Nguồn nước và không khí ở nhiều nơi tại Việt Nam cũng bị ô nhiễm  trầm trọng, một số nơi không đủ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ nếu không được lọc lại. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp, Việt Nam hiện nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất NNHC trên thế giới. 
Từ năm 2007 đến 2015, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120ha lên 76.666ha (chiếm 0,7% diện tích đất nông nghiệp), nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam có 26 đơn vị sản xuất nông sản hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố. Các cây chủ yếu là dừa, chè, lúa, rau, ngoài ra còn có một số mô hình khá thành công như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau.
Theo số liệu mới nhất của Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT, đến nay có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học với 1.197ha lúa, 90,3ha rau, 284,7ha nho và 79,4ha táo. Trong đó Ninh Thuận là tỉnh có diện tích lớn nhất (448,3ha) chủ yếu là nho (284,7ha). 
Hiện nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên thế giới đang ngày tăng cao, chỉ tính riêng trong năm 2016 mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản hữu cơ trên thế giới đã lên tới 80 tỷ USD, rất nhiều nước trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam. Theo nhận định của GS. Võ Tòng Xuân, NNHC là xu hướng của thế giới, càng ngày nhu cầu về thực phẩm tốt cho sức khỏe, sạch là mối quan tâm của toàn cầu. Thị trường này còn rộng mở và vô cùng lớn cho các doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội đầu tư. 

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Đón xu đầu xu thế tiêu dùng bùng nổ ảnh 1
Hành trình gian nan
Thực tế, trước nhu cầu thực phẩm hữu cơ của toàn cầu đang tăng cao, các doanh nghiệp sản xuất trong nước không đủ sản lượng để cung ứng do gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Bởi đây là quá trình tìm kiếm, làm sạch nguồn nước, đất, không khí… đòi hỏi phải có sự kiên trì. Trong nhiều lần chia sẻ tại các hội thảo, diễn đàn, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, cho biết doanh nghiệp ông đã tốn 3 năm để chuẩn bị cho trang trại trái cây hữu cơ 200ha. 
 Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho NNHC phát triển. Thay mặt Chính phủ, tôi kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia phát triển NNHC trên cả nước. Đó chính là quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, vì môi trường sống trong lành, vì sức khỏe tốt và hạnh phúc của người dân Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
“Làm NNHC để kinh doanh một cách bài bản không phải dễ. Đã có thời gian dài chúng ta sử dụng quá nhiều hóa chất trong trồng trọt. Đất và nguồn nước đều nhiễm hóa chất và kim loại nặng, cần khoảng 3 năm chuyển tiếp để làm sạch. Trong nông nghiệp, có thể nói với tình hình hiện tại, nguồn nước là yếu tố quan trọng nhất” - ông Viên chia sẻ.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những khó khăn, vì ông Viên còn gặp phải trở ngại từ chính những nông dân và các kỹ sư canh tác khi chọn cách làm theo kiểu ông bà xưa. Bởi rất khó thay đổi tập quán canh tác đã ăn sâu vào máu. Vậy là Vinamit phải tự tay làm, thuê đất của nông dân và làm. Vinamit xây dựng đội canh tác, đội quản lý ngay tại từng địa phương. 
Một câu chuyện tiêu biểu nữa cho thấy sự khốc liệt của hành trình tham gia làm NNHC của Công ty Viễn Phú.  Đó là thương hiệu Hoa Sữa Foods của Viễn Phú đã từng giao bán, chuyển nhượng 320ha đất và dự án phát triển NNHC của mình hồi giữa năm ngoái. Người chủ của Hoa Sữa Foods là ông Võ Minh Khải, được xem là một trong những người tiên phong xây dựng nền NNHC của Việt Nam, khi bỏ phố về rừng Cà Mau, đổ hết vốn liếng vào làm các sản phẩm NNHC. Khó cũng bởi vì vốn, chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp theo hướng hữu cơ. Nhưng sau khi rao bán trên Facebook, ông Khải cho biết đã tìm được nhà đầu tư cùng tiếp tục đồng hành. Và hiện người tiêu dùng vẫn có thể tìm mua các sản phẩm của Hoa Sữa Foods. 
Cũng nói về những khó khăn khi làm sản phẩm NNHC, tại một hội nghị bàn tròn mới đây ở TPHCM, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty gạo Trung An (Cần Thơ), doanh nghiệp có diện tích trồng lúa hữu cơ lớn nhất hiện nay với khoảng 100ha, cho rằng sản xuất gạo hữu cơ đang lỗ. Làm lúa thông thường ở ĐBSCL thu hoạch khoảng 5,5 tấn/ha, nhưng làm hữu cơ chỉ thu hoạch 2-2,5 tấn/ha. Giá gạo hữu cơ cao người tiêu dùng chưa chấp nhận, trong khi gạo hữu cơ xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do những yêu cầu chung của xuất khẩu gạo. Cụ thể, với quy định của Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo phải đạt nhiều điều kiện như kho chứa, nhà máy công suất lớn, trong khi các đơn vị làm gạo hữu cơ quy mô nhỏ, làm theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản lượng ít. Nếu xuất khẩu theo kiểu ủy thác, các doanh nghiệp này sợ lộ hợp đồng, mất khách hàng.
Một khó khăn nữa của hầu hết doanh nghiệp tham gia lĩnh vực NNHC là mất nhiều thời gian và kinh phí để có được chứng nhận hữu cơ cho riêng mình. Bên cạnh đó doanh nghiệp làm NNHC cũng rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam, nông dân và doanh nghiệp sản NNHC đang rất khó tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng cũng như nguồn vốn chính sách. Đây là trở ngại lớn trong sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng cao như sản xuất hữu cơ. 
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Đón xu đầu xu thế tiêu dùng bùng nổ ảnh 2Tham quan một trang trại trồng rau theo phương pháp NNHC.

Tránh làm theo phong trào
Tại diễn đàn quốc tế NNHC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh NNHC sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. Và như thế, NNHC không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người, mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học. Phát triển NNHC phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, xã hội, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn. 
“Làm theo phong trào là hỏng hết, phải chặt chẽ, rõ ràng, có chỉ đạo, đừng để sụp đổ theo phong trào. Phải hình thành hệ sinh thái phát triển NNHC, một văn hóa NNHC ở nông thôn và nông dân. Văn hóa đó không thể kiểu “lợn hai chuồng, rau hai luống”, mà là đạo đức của người nông dân” - Thủ tướng nói. 
Hiện nay, với mức giá cao hơn từ 2-3 lần so với sản phẩm thông thường, nông sản hữu cơ chưa thể phổ cập đến đông đảo người tiêu dùng. Thế nhưng, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch đang ngày càng cao những sản phẩm hữu cơ lại mọc lên như nấm sau mưa. Người người, nhà nhà tham gia bán thực phẩm hữu cơ, người mua không thể nào phân biệt được đâu là hữu cơ thật, đâu là hữu cơ giả mạo. Đã có trường hợp cửa hàng giới thiệu là bán sản phẩm hữu cơ nhưng lại đưa sản phẩm không đạt chuẩn vào kinh doanh. Trong khi những doanh nghiệp làm hữu cơ thật vừa khó khăn để có thể sản xuất ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, lại chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm ở thị trường nội địa, đặc biệt phải cạnh tranh gay gắt với hàng giả mạo.
Trước nhiều khó khăn của doanh nghiệp làm NHNC, Thủ tướng đã giao Bộ NN-PTNT xây dựng Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất NNHC, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Theo đó, đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, tín chấp, thế chấp và giải quyết những nút thắt doanh nghiệp đề đạt. Cùng với đó sẽ thay thế Nghị định 210/2013/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 

Thái Hà/saigondautu.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập165
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm164
  • Hôm nay77,363
  • Tháng hiện tại931,410
  • Tổng lượt truy cập92,105,139
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây