Ông Kalin Sarasin, Chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế và Giám đốc Văn phòng Công vụ Thái Lan nhận định thị trường xuất nhập khẩu nông thủy sản trong khu vực châu Á đang được xem là thị trường nhộn nhịp trên thế giới. Doanh nghiệp Thái Lan đang sản xuất ra nhiều mặt hàng mới và cải tiến chiến lược kinh doanh để cạnh tranh với doanh nghiệp trong khu vực.
Liên tục đổi mới và chủ động
Chỉ riêng mặt hàng gạo, Thái Lan đã giới thiệu hàng loạt chủng loại gạo mới. Trong đó đáng chú ý là loại gạo giống mới lai giữa gạo và trái việt quất, gạo hương lài đen và gạo cargo đỏ. Các loại gạo này đều để cám không xay, được lai tạo để tối ưu hóa lượng chất dinh dưỡng vitamin, chất đạm và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể mà cũng đảm bảo khẩu vị người ăn. Các mặt hàng chế phẩm từ nông sản cũng rất đa dạng từ các loại đậu, mè được chế biến thành bột dinh dưỡng. Từ ngũ cốc, người Thái đã sáng tạo chế biến ra các loại mỹ phẩm, các loại si rô mới và đặc biệt là các loại thức ăn dinh dưỡng dành cho trẻ sơ sinh.
Các doanh nghiệp nông sản hữu cơ tại Thái Lan đều chủ động tìm cho mình nhiều giấy chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế để có thể xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Ông Kalin cho hay, công tác chuẩn bị cho xuất khẩu là sự kết nối của nhiều ngành nghề từ chính phủ, ngành sản xuất nông nghiệp đến các trường đại học, viện nghiên cứu để nghiên cứu nhu cầu thị trường cùng những biến động và tiêu chuẩn mới trong thị trường đó.
Nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu thụ nông sản mới
Theo sát các nghiên cứu ngành nông nghiệp ở tầm quốc gia, chính phủ Thái Lan thường xuyên phổ biến cho nông dân, giúp họ hiểu nên nuôi trồng loại nông sản nào trong xu hướng mới và khoanh vùng sản xuất theo từng loại giống.
Hiện nay chính phủ đã phổ biến 10 xu hướng thị hiếu trên thị trường gồm nhóm thực phẩm Halal dành cho người đạo Hồi, thực phẩm không có tinh bột, thực phẩm được truy xuất nguồn gốc, thực phẩm được nuôi trồng theo công thức dinh dưỡng… Trong số này, thực phẩm hữu cơ, không có hóa chất hay biến đổi gen đang là xu hướng chung và phổ biến nhất hiện nay được người dùng tìm nhiều nhất.
Là nước xuất khẩu nhất nhì châu Á về gạo, Thái Lan không dừng lại tham vọng ở đó. Họ muốn đẩy mạnh mảng hàng thực phẩm hữu cơ để đón kịp nhu cầu trên thế giới. Chính phủ khuyến khích quy hoạch một số vùng thành vùng nuôi trồng hữu cơ để cho ra sản lượng đồng đều và an toàn, bà Chantira Jimreivat Vivatrat, Tổng giám đốc Sở Xúc tiến thương mại quốc tế cho hay. Chính phủ Thái Lan còn giúp các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu tại các hội chợ quốc tế, gần đây nhất là hội chợ thực phẩm THAIFEX-World of food Asia 2018 quy tụ các nhà xuất khẩu nông sản trong khu vực và châu Âu.
Chính phủ chủ động giữ vai trò trung tâm
Chính phủ Thái Lan là cầu nối liên kết giữa các ngành để xây dựng ngành nông bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu. Nhờ đó, Thái Lan có thế mạnh trong việc đầu tư vào các nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong ngành để tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm nông nghiệp. Một số sản phẩm mới đã ra đời từ sự hợp tác giữa các viện nghiên cứu, nhà nông và chính quyền. Họ đã cho ra các sản phẩm mới như súp sầu riêng, tái tạo một số giống gạo kiểu xưa được trồng lại để giúp cải thiện sức khỏe, giúp giảm đường trong máu, không có chất glunten và các loại mỹ phẩm từ gạo non. Ngoài các mặt hàng rất đa dạng, chính phủ cũng tư vấn cho nhà nông thiết kế mẫu mã rất bắt mắt, bao bì thân thiện với môi trường.
Theo Tiến sĩ Somkid Jatusripitak, Phó thủ tướng Thái Lan, nước này còn có tham vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng số hóa để phát triển ngành nông trong tương lai, bao gồm thương mại điện tử và sản xuất nông nghiệp đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một cái lợi khác từ việc số hóa cơ sở hạ tầng là cải tạo nền địa chất, tìm nguồn tài nguyên thích hợp phục vụ nông nghiệp phát triển. Hơn nữa, có thể liên kết việc sản xuất và tiêu thụ dựa trên nhu cầu người dùng. Bên cạnh đó, các giao tiếp và tương tác giữa ngành cùng với chính phủ cũng được số hóa. Các dự án đầu tư số hóa có thể giúp Thái Lan thành một nền kinh tế kỹ thuật số có thể lần lượt nâng cấp ngành công nghiệp chuỗi giá trị, biến đổi đất nước thành một nền kinh tế kỹ thuật số. Việc số hóa biến đổi hệ thống sản xuất và tiềm năng thương mại của quốc gia và dẫn đến khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu.
Tác giả bài viết: Mỹ Huyền
Nguồn tin: www.sgtiepthi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã