Dưa lưới Quảng Tân của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (huyện Đầm Hà), là một trong số những sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Để nâng cao chất lượng, đảm bảo uy tín, giữ vững thương hiệu OCOP, năm 2020 Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã siết chặt công tác quản lý sản phẩm. Trong đó, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đạt sao của 10 sản phẩm đã được cấp từ năm 2016. Đồng thời, đưa 65 sản phẩm ra khỏi chương trình OCOP do không sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển, như: Thanh long Uông Bí, vải chín sớm Phương Nam, nước mắm cao đạm Đại Yên, dầu xoa bóp trầu tiên Yên Tử...
Trong 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh đã tổ chức thẩm định, đánh giá, chấp thuận cho 84 sản phẩm đạt yêu cầu tham gia chương trình, nâng tổng số sản phẩm tham gia OCOP toàn tỉnh đến nay là 449 sản phẩm. Các sản phẩm đều được đánh giá kỹ lưỡng, tỉ mỉ, khách quan về chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì trước khi được chấp thuận tham gia. Song song với đó, tỉnh đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 100% sản phẩm từ 3 sao trở lên. Đồng thời, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc của gần 85% sản phẩm. Điều này góp phần khẳng định uy tín thương hiệu sản phẩm OCOP, chống hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Xác định các hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp quan trọng tạo chỗ đứng cho sản phẩm OCOP trên thị trường, tỉnh duy trì tốt việc tổ chức hội chợ OCOP, tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm, đưa sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị, điểm bán hàng, cửa hàng phân phối, liên hoan âm thực, sàn giao dịch thương mại điện tử... Nhiều sản phẩm OCOP đã được thị trường đón nhận, tạo động lực để các cơ sở không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp hóa. Một số sản phẩm OCOP đã được tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá tại các siêu thị trong cả nước, như: Dưa lưới, dưa leo baby của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà; khoai lang, măng tây và tỏi đen của HTX Nông - lâm - ngư nghiệp Thái An; sữa An Sinh Đông Triều...
Cùng với đó, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo OCOP từ tỉnh đến địa phương đã tiếp tục hỗ trợ, củng cố, thành lập mới 27 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, nâng tổng số tổ chức tham gia lên đến 175 đơn vị, bao gồm 46 doanh nghiệp, 65 HTX, 64 hộ sản xuất. Đồng thời, từng bước thành lập Hội Doanh nhân OCOP tỉnh.
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, cho biết: Năm 2020 là năm cuối thực hiện Đề án OCOP giai đoạn 2017-2020. Ban Xây dựng nông thôn mới thực hiện triển khai chương trình OCOP với mục tiêu tiến tới sản phẩm chuyên nghiệp. Đây sẽ là những sản phẩm được sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu chất lượng của thị trường trong nước, định hướng đạt thương hiệu OCOP quốc gia và kích cầu giao thương cho các sản phẩm của tỉnh. Thời gian tới, Ban sẽ tham mưu tổ chức tập huấn chương trình OCOP đối với cán bộ địa phương; đào tạo giám đốc điều hành của doanh nghiệp, HTX, chủ hộ kinh doanh; kiểm tra, rà soát điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP để có định hướng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, trong đó tỉnh sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường tại một số tỉnh, thành khu vực Tây Nguyên để kết nối giao thương, hợp tác tiêu thụ.
Theo Cao Quỳnh/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã