Học tập đạo đức HCM

Nhà nông Việt trồng rau kiểu Mỹ

Thứ tư - 18/11/2015 20:54
Sản xuất rau hữu cơ “khổ hơn chăm con mọn”, khó khăn hơn rất nhiều so với trồng rau bình thường.
 
Một số trang trại trồng rau tại Việt Nam vừa được chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh châu Âu (EU). Đây là hai tiêu chuẩn quốc tế được đánh giá là uy tín hiện nay.
 
Để có chứng nhận này, các trang trại Việt phải đạt được hàng trăm tiêu chí, tiêu chuẩn ngặt nghèo.
 
“Khổ hơn chăm con mọn”
 
Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần TM DV Mùa, cho hay để có được chứng nhận trồng rau hữu cơ thì khu đất trồng phải là đất sạch, tức là có ít nhất ba năm không được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc trừ cỏ hóa học.
 
Không chỉ vậy, đơn vị phân tích còn kiểm tra môi trường đất, môi trường nước, không khí, các khu vực canh tác xung quanh xem có thể bị ô nhiễm chéo sang vườn hay không. Nếu dùng phân hữu cơ đã chế biến thì đó phải là phân hữu cơ được USDA hoặc EU chứng nhận được phép sử dụng...
 
“Khi đủ điều kiện, họ còn mời một chuyên gia độc lập từ một quốc gia khác đến đánh giá một lần nữa, lấy mẫu và phân tích trên 200 chỉ tiêu. Nếu đạt thì họ mới cấp chứng nhận và chỉ có giá trị trong một năm. Toàn bộ quy trình chăm sóc phải được ghi chép và truy suất nguồn gốc” - bà Thảo chia sẻ.
 
Cũng là một trang trại rau được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn EU, ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Organik Đà Lạt, cho hay để đạt chứng nhận này trang trại của ông phải mất 7-8 năm.
 
Trồng rau quả hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, EU tại trang trại rau nhiệt đới Organica. Ảnh: Quang Huy

“Sản xuất hữu cơ khổ hơn chăm con mọn, cực hơn rất nhiều so với sản xuất rau bình thường. Bởi trồng rau hữu cơ không xài thuốc, phân hóa học, chất tăng trưởng…” - ông Hùng nói.
 
Một kỹ sư đang làm việc tại trang trại vừa được chứng nhận hữu cơ nói: Nhiều khi phải “ăn ngủ”, theo dõi cả ngày lẫn đêm để phát hiện những đặc tính của con sâu, con bọ và thử nghiệm các phương pháp phòng trừ mới tìm ra được giải pháp tối ưu để bảo vệ rau. Chẳng hạn như thuốc diệt sâu gồm tỏi, ớt pha trộn với một số thảo dược và muốn hiệu quả thì phải thức dậy lúc 2-3 giờ sáng phun.
 
“Vì thời gian đó con sâu mới bò ra ăn rau. sáng ra mình phun thì nó đã chui sâu trong đất. Nhiều khi phải sử dụng chim chóc, những sinh vật có lợi để diệt sâu bọ” - kỹ sư này tiết lộ.
 
Ngày càng nhiều người mua
 
Ông Hồ Văn Đông, đại diện công ty chuyên tư vấn chứng nhận hữu cơ Control Uni-on Việt Nam, cho hay hiện nay chỉ có khoảng 5-6 trang trại tại Việt Nam đạt chứng nhận hữu cơ của các tổ chức quốc tế. phần lớn các trang trại còn lại là tự xưng.
 
“Trồng hữu cơ đạt chứng nhận cần đáp ứng nhiều yếu tố nghiêm ngặt. Ví dụ, giống cây trồng phải là giống trồng hữu cơ, tuyệt đối không cho phép giống biến đổi gen” - ông Đông nhấn mạnh.
 
Đại diện các trang trại, cửa hàng rau hữu cơ cho biết thêm hiện người tiêu dùng thường mua rau quả hữu cơ tại các cửa hàng rau hữu cơ, hoặc đặt hàng qua mạng. Lượng người mua rau hữu cơ ngày càng tăng. Ngoài mua rau hữu cơ về dùng hằng ngày, nhiều khách hàng còn mua để phục vụ cho người đang bị bệnh.
 
Thậm chí có những nhóm khách hàng lập thành hội tiêu dùng thực phẩm hữu cơ để bảo vệ sức khỏe, trở thành khách hàng thân thiết của cửa hàng, trang trại.
 
Khảo sát thực tế cho thấy rau quả hữu cơ thường có giá cao hơn các loại rau quả bán ngoài thị trường 2-3 lần, một số loại rau như rau thơm giá có thể cao hơn trồng bình thường 4-5 lần. Lý do là chi phí đầu tư cho trồng rau hữu cơ cao hơn so với trồng rau thường, trong khi năng suất không cao.
 
“Năng suất trồng rau quả hữu cơ thấp hơn 50% so với sản xuất thường” - ông Nguyễn Bá Hùng cho hay.
 
Tuy nhiên, rau hữu cơ được các trang trại sơ chế nhặt sạch, có loại chỉ cần đem rửa sạch và chế biến. Trong khi đó với rau thường, lượng lá, cành hư hỏng phải bỏ có khi mất 50% trọng lượng. Như vậy tính ra giá rau hữu cơ cao hơn không nhiều so với rau thường.
 
Chọn mua sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế
 
Theo ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đa số chứng nhận sản phẩm hữu cơ là của các tổ chức nước ngoài có thẩm quyền như USDA, EU, IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ), Công ty Control Uni-on… Hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ quan nhà nước nào chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ.
 
“Cục Trồng trọt đang soạn thảo quy định các tiêu chuẩn về trồng trọt hữu cơ trình Bộ NN&PTNT nhưng rất khó vì nhiều tiêu chuẩn nước ta không đủ năng lực xét nghiệm. Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có chứng nhận hữu cơ quốc tế, dán nhãn trên sản phẩm” - ông Dự khuyến cáo.
 
Đồng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ đang triển khai chương trình truy suất nguồn gốc để đảm bảo tất cả sản phẩm từ trang trại phải truy suất được nguồn gốc, có những dấu hiệu và tem nhãn để không bị phối trộn, làm giả nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
 
“Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là mở rộng mạng lưới trang trại liên kết canh tác hữu cơ ở nhiều vùng, miền trên cả nước. Từ đó sản xuất được nhiều rau hữu cơ cung cấp cho người tiêu dùng - bà Thảo cho hay.
 
Mỗi hecta rau hữu cơ tốn 3.000 - 4.000 USD

Theo bà Phạm Phương Thảo, chi phí để được tư vấn, chứng nhận trang trại hữu cơ của USDA và EU tốn kém, lên gần 8.000 USD/năm cho diện tích 2 ha.

“Tốn kém nhưng đó chính là chứng nhận uy tín đối với người tiêu dùng trong nước và tham vọng hướng ra thị trường thế giới” - bà Thảo nói.

Nhà nước nên luật hóa bằng quy định về tiêu chuẩn trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ như tiêu chuẩn VietGAP để không xảy ra tình trạng ai cũng tự xưng hữu cơ nhằm đánh lừa người tiêu dùngĐại diện Công ty Organik Đà Lạt
 
Quang Huy (Báo Pháp luật TP.HCM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập308
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm297
  • Hôm nay61,205
  • Tháng hiện tại61,205
  • Tổng lượt truy cập84,968,241
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây