Những ngày đầu tháng 5 âm lịch, khi nắng hè dần gay gắt, bà Nguyễn Thị Thu, xã Kỳ Hưng lại lọ mọ lùng sục khắp các bụi bờ hái lá mùng năm. Bà Thu cho biết, việc hái lá của bà là theo kinh nghiệm gia đình, do bà và mẹ "truyền nghề" lại. "Lá mùng năm hái về để nấu nước uống trong gia đình là chính. Hái lá nhiều thì để lại cho người quen hoặc mang ra chợ bán lấy tiền mua ít mắm muối"-bà Thu chia sẻ thêm.
Người xưa trong vùng quan niệm rằng những lá cây hái vào đúng ngọ (12 giờ trưa) vào ngày mùng 5/5 âm lịch, lúc dương khí mạnh nhất, có được tinh túy của đất trời nên có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Lá mùng 5 có rất nhiều loại và mỗi vùng lại khác nhau một chút. Người Kỳ Anh thường hay cắt các loại lá như: lá vằng, hoa lá, mã đề, chó đẻ, đinh lăng, ngải cứu, kim ngân hoa, dây gai trinh nữ (gai xấu hổ), hương nhu, hồng ngọc…
Ngày nay, tục đi hái lá mồng 5 ít thấy dần, nhưng thay vào đó, người dân Kỳ Anh lại giữ lệ tìm mua những lá cây về để dành uống hay nấu nước tắm. Do đó, cứ đến này mồng 5/5, từ khắp chợ quê đến chợ phố Kỳ Anh lại chộn rộn vào mùa mua bán lá mùng năm. Người mang lá ra chợ bán, người mua lá về dùng. Tùy theo chủng loại lá mà mỗi bó có giá bán từ 5.000 - 20.000đ. "Có rất nhiều loại lá khó kiếm, đi cả ngày vào rừng sâu mới kiếm được một ít, bán khoảng 20 nghìn đồng một bó", bà Hoàng Thị Lài, xã Kỳ Hoa chia sẻ.
Ngay từ sáng sớm ngày 5/5 (AL) không khí mua bán đã trở nên tấp nập, nhộn nhịp, các gánh hàng gồm đủ loại lá được người bán chào mời, người mua cũng vội vã lựa chọn những bó lá tươi ngon kịp về sơ chế, đem phơi vào đúng ngọ (12h trưa). Sở dĩ, người ta đem lá ra phơi vào giờ này là vì trong giờ Ngọ ngày này mặt trời toả nắng tốt nhất trong năm, dương khí cũng tốt nhất nên dân gian quan niệm con người ra ngoài vào giờ này sẽ chữa được các bệnh ngoài da, lá cây nếu hấp thụ được nắng này có tác dụng chữa bệnh, xông giải rất tốt.
Cách chế biến lá mùng năm khá đơn giản. Khi hái hoặc mua ở chợ về, băm nhỏ ra, trộn đều rồi phơi qua hai ba nắng cho khô để cất vào bao dùng dần. Khi dùng thì nấu lá lấy nước như nấu nước chè hoặc làm theo cách pha trà. Chị Phan Thúy Huê, phường Sông Trí cho biết: "Gia đình tôi có thói quen uống nước lá mùng năm, vì thấy nước lá này cũng dễ uống, nghe nói chữa được một số bệnh, rất có lợi với sức khỏe của người già. Uống nước lá mùng năm vào mùa hè thấy mát, hương thơm dễ chịu. Mùa đông uống thấy ấm, đỡ ho do cảm lạnh. Vì thế mà nhiều gia đình đã mua trữ sẵn lá mùng năm để nấu uống quanh năm suốt tháng".
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, cây cỏ - lá thuốc thường mọc ở đâu đó chung quanh nhà, ở ngoài vườn, trong các bụi rào giậu mà ta không chú ý. Vì vậy tục hái lá thuốc mồng năm như một lời nhắc nhở bằng hình thức linh thiêng để mọi người lưu ý hái một ít lá cây - vị thuốc có sẵn để dùng khi cần thiết và phong tục hái lá, mua lá mồng 5 cũng là một phong tục, nét đẹp văn hóa cần được tiếp tục lưu giữ và bảo tồn.
Theo Minh Hằng/thixakyanh.hatinh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã