Hiệu quả từ chuyển đổi sản xuất
Theo Bộ NN&PTNT, thách thức lớn cho ngành nông nghiệp trong năm 2017 là biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai, bão, lũ xảy ra liên tiếp trong năm; thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; năng lực sản xuất khá cao trong khi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán... GS.TS Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: “Trong năm, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên cả nước nên ngành đã vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển NN&PTNT đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Đây là nguồn động lực lớn để toàn ngành phát huy hiệu quả trong năm 2018”.
Theo thống kê, năm 2017, GDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, giá trị sản xuất tăng 3,16% so với năm 2016. Kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn, thiên tai chồng chất. Trong năm, các địa phương đã chuyển 185,7 ngàn ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại rau, hoa, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, mặc dù diện tích và sản lượng lúa cả năm giảm nhưng nhiều loại rau màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả tăng 52,5 ngàn ha và sản lượng tăng 555,9 ngàn tấn (6,2%) so với năm 2016. Nhiều mô hình sản xuất rau, hoa, quả ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ đã đem lại thu nhập cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lúa. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng khoảng 2,23%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,0%)... Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng. Trong năm có nhiều loại nông sản được tiêu thụ với giá có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh (trừ thịt lợn). Nhờ đó, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 36,37 tỉ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 13% so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỉ USD, tăng khoảng 1,1 tỉ USD so với năm 2016. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao: rau quả tăng 40,5%; gạo tăng 23,2%, tôm tăng 22,3%, đồ gỗ và lâm sản tăng 9,2%...
Tại TP Cần Thơ, ngành NN&PTNT cũng đạt được kết quả khả quan. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Sản xuất nông nghiệp năm 2017 gặp nhiều khó khăn, nhưng Sở bám chặt chỉ đạo của Bộ và sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND thành phố nên sản xuất đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, đóng góp vào phát triển GRDP của TP Cần Thơ”. Theo thống kê, tổng sản phẩm (GRDP) khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố được 5.874,1 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 1,07% so năm 2016; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được 12.734,93 tỉ đồng, đạt 100,15% kế hoạch; xây dựng và công nhận 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (kế hoạch 6 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn thành phố là 27/36 xã....
Thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Năm 2018, Bộ NN&PTNT phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 2,8- 3,0%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 37- 38 tỉ USD; có 37% số xã và 52 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%... GS.TS Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp tập trung thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với quy mô lớn hơn và phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường kết nối chặt chẽ hơn với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu; coi trọng ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác... Đặc biệt, Bộ sẽ kiến tạo và hành động quyết liệt, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả hơn và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở các địa phương”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: ngành NN&PTNT và các địa phương phải nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân như mô hình hội quán ở Đồng Tháp, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Long An, An Giang… Các Bộ, ngành, địa phương, các viện trường, nhà khoa học, nghiên cứu trong việc đầu tư phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Phải tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn nữa cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tăng cường quản lý tài nguyên; chú trọng phát triển thủy lợi và phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu... |
Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm chính là: nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh, thành phố và nhóm đặc sản làng, xã. Từ đó, các đơn vị có giải pháp chỉ đạo cụ thể, đồng thời chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả nông sản. Trong đó tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, rà soát diện tích lúa kém hiệu quả chuyển sang các cây trồng có lợi thế hơn hoặc nuôi trồng thủy sản, phát triển mạnh cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao. Đối với chăn nuôi cần rà soát chiến lược và điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp, liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi... Riêng phát triển thủy sản cần đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; mùa vụ, quy trình nuôi trồng phù hợp với thời tiết, thị trường; phổ biến các mô hình nuôi thâm canh, công nghệ cao; triển khai tích cực kế hoạch phát triển ngành tôm, cá tra và phát triển các đối tượng nuôi khác theo lợi thế...
TP Cần Thơ cũng vừa phê duyệt và công bố 6 quy hoạch phát triển ngành NN&PTNT như: Quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản; Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi khu vực sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030... Các quy hoạch, đề án trên đáp ứng được mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mang tính đặc trưng vùng ĐBSCL, đảm bảo phát triển nhanh, thân thiện môi trường và bền vững trong thời kỳ hội nhập...
Bài, ảnh: HÀ VĂN/baocantho.cvn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã