Hàng nghìn mô hình SXNN góp phần làm nên thành tựu xuất khẩu đạt trên 26 tỷ USD
Đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng NTM được thực hiện tổng thể lần đầu tiên trên 70% lãnh thổ gồm 9.000 xã, 600 huyện của 63 tỉnh thành được lượng hóa mô hình bằng 19 nhóm tiêu chí.
Chương trình này thực hiện trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với đó là những tồn tại, những điểm khó khăn của nền kinh tế chưa được tháo gỡ làm cho nguồn lực đầu tư rất khó khăn.
Tại thời điểm đó bạn bè quốc tế và không ít trong số chúng ta nghi ngờ chương trình không thể thực hiện được nhưng qua 6 năm nhìn nhận lại thì có điểm đáng mừng thể hiện rõ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cả toàn dân.
Chỉ trong thời gian rất ngắn huy động được 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chỉ riêng giao thông nông thôn 5 năm vừa qua đã hoàn thành một khối lượng gấp 5 lần của giai đoạn 2001-2010. Một đất nước có 3/4 đồi núi, 20 triệu đồng bào sống ở dân tộc mà chúng ta đã có 98,82% điện lưới quốc gia đến hộ.
5 năm qua chúng ta cũng đã tạo ra 20 nghìn mô hình SXNN. Năm 2016 nước ta thiên tai nặng nề như vậy, nhưng xuất khẩu nông sản đến thời điểm này là 26,4 tỷ USD và năm nay khả năng vượt con số 31 tỷ USD.
Về đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được cải thiện. Ở 23% số xã đạt NTM thì thu nhập bình quân của người dân đã tăng 1,85 lần.
Về những tồn tại hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định Chương trình NTM quá rộng, rất lớn mà tiến hành trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, do đó những tồn tại từ kết quả giám sát của Quốc hội cũng như các ý kiến của ĐBQH là rất xác đáng.
“Chúng tôi nhất trí cao phải có một nghị quyết chuyên đề làm cơ sở luận cứ để các cấp từ Trung ương, Chính phủ, các bộ, ban, ngành cho đến địa phương đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho mình đối với NTM”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu ý kiến.
Tư lệnh ngành Nông nghiệp cho rằng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp nằm trong tổng thể tái cơ cấu kinh tế chung của đất nước. Đây cũng là chương trình phải xác định liên tục, kéo dài, bền bỉ, không phải một giai đoạn nhất định. Từng giai đoạn phải có giải pháp nhất định, phải hết sức kiên trì, đồng bộ, tất cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế vào cuộc, người dân xác định là chủ thể thì mới thành công.
“Đã đến lúc nhìn nhận khu vực nông thôn không chỉ là chính sách phải tập trung ưu tiên mà đây là dư địa phát triển, không gian phát triển của đất nước, là lợi thế của cạnh tranh, hội nhập thị trường thế giới”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, khu vực “tam nông” có nguồn nhân lực tốt, có sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh tốt, là trụ đỡ của chính ngành kinh tế quốc gia. Tư lệnh ngành Nông nghiệp đề xuất Đảng, Quốc hội phải có một nguồn lực xứng đáng tập trung đầu tư.
Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội dành 63 nghìn tỷ đồng cho trung hạn và 192 nghìn tỷ khu vực các địa phương tập trung chỗ này. Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường vẫn còn ít, nếu coi là tiềm năng lợi thế, chúng ta phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa, khu vực này xứng đáng được đầu tư để khai thác tốt tiềm năng lợi thế cho hát triển đất nước.
Theo Văn Hùng/nongnghiep.vn